PGS Phạm Lê Tuấn: Mô hình bác sĩ gia đình giảm gánh nặng cho người dân, cho xã hội

(VOV5) - "Người có thể phát hiện sớm cho bệnh nhân, chính là bác sỹ gia đình."

Bộ Y tế đã triển khai kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình giai đoạn 2016 - 2020 trong quy mô toàn quốc, xem là một biện pháp quan trọng để giải quyết vấn đề quá tải và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các bệnh viện lớn.  Khái niệm bác sĩ gia đình được chấp nhận rộng rãi trên toàn thế giới. Bác sĩ gia đình là một thành viên của hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu nhằm ngăn ngừa bệnh tật và duy trì sức khỏe, và đặc biệt có ý nghĩa với người dân Việt Nam trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, cũng như làm giảm bớt tình trạng quá tải của các bệnh viện lớn. Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn PGS TS Phạm Lê Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ y tế, Giảng viên Bộ môn Y học gia đình Đại học Y Hà Nội về sự phát triển của chuyên ngành này tại Việt Nam.

PGS Phạm Lê Tuấn: Mô hình bác sĩ gia đình giảm gánh nặng cho người dân, cho xã hội - ảnh 1 PGSTS Phạm Lê Tuấn trong một hội nghị năm 2015 về Chính sách y tế cho người cao tuổi.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

PV: Thưa PGS.TS Phạm Lê Tuấn, được biết chuyên ngành của PGS là y học gia đình, ông có thế khái quát đôi nét về vai trò của y học gia đình trong chăm sóc sức khỏe cho người dân như thế nào?

PGS.TS Phạm Lê Tuấn: Trong hệ thống y tế ở tất cả các nước, người ta chia làm ba cấp: thứ nhất là tuyến ban đầu, thứ hai là đến bệnh viện và tuyến thứ ba là trường hợp bệnh hiểm nghèo thì đến bệnh viện chuyên khoa. Ở Việt Nam chúng ta, sau chiến tranh thì nhà nước, chính phủ và ngành y tế rất quan tâm đến tuyến ban đầu mà chúng ta hay gọi là tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế xã. Các chuyên gia quốc tế khi đến Việt Nam  đều nhận thấy hoạt động của trạm y tế rất tương đồng với hoạt động của bác sỹ gia đình, khoảng 80% nội dung là liên quan đến bác sỹ gia đình.

Nghị quyết TW đã khẳng định “y tế cơ sở là nền tảng của nền y tế”, và đưa ra mục tiêu làm sao tăng cường và phát triển được y tế cơ sở;  và đưa ra giải pháp muốn phát triển y tế cơ sở thì phải tích hợp bác sỹ gia đình. Bởi vì, bác sỹ gia đình là người ở gần dân nhất. Đối với các nước khác, đây là những người làm nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc ban đầu. Điều này giúp cho bác sỹ gia đình nắm rất chắc lịch sử, tiền sử bệnh và các tiền sử liên quan của từng gia đình. Ngành y tế và chắc chắn cả người dân cũng rất mong muốn người dân không bệnh tật, nhưng nếu có bị bệnh thì cũng được phát hiện sớm. Cho nên Chương trình Sức khoẻ Việt Nam đang hướng tới điều này. Và người có thể phát hiện sớm cho bệnh nhân, chính là bác sỹ gia đình,

PV: Nhưng mà dường như là nhiều người dân chưa hiểu rõ về điều này?

PGS.TS Phạm Lê Tuấn: Trước đây công tác khám chữa bệnh chúng ta theo tuyên ngôn Amata năm 1978, trong đó vấn đề khám chữa bệnh tại trạm y tế chỉ là khám chữa bệnh thông thường. Điều này dẫn tới người dân hiều là chỉ đau đầu, sổ mũi… thì mới đến trạm y tế, còn khi có bệnh là lên tuyến trên.

Trong Nghị quyết 20 - BCH TƯ Đảng khoá VI năm 2017 đã thông qua, phải tăng cường chăm sóc ban đầu, tăng cường chăm sóc y tế cơ sở bởi vì ở tuyến ban đầu là người dân tiếp cận gần nhất đối với cơ sở y tế.

Tất nhiên còn có những ý nghĩ cho rằng tuyến ban đầu chất lượng chưa tốt, bác sỹ chưa giỏi, thì đấy là nhiệm vụ của ngành y tế. Và có những việc không phải vì thế mà người ta không làm được. Người ta đã làm được rồi, trạm y tế làm rồi và làm rất giỏi. Trong giai đoạn trước, khi tập trung vào dự phòng thì chúng ta rất thành công trong vụ dịch SARS, mà được WHO đánh giá là một trong những nước dập dịch SARS nhanh nhất, Điều đó cũng dựa vào hệ thống y tế cơ sở.

Như vậy bây giờ vấn đề của chăm sóc ban đầu, là các bệnh mãn tính đang gia tăng. 70% tử vong liên quan đến các bệnh mãn tính, điều này khác hẳn với giai đoạn trước là 70% tử vong là các bệnh nhiễm trùng. Bây giờ ngược lại. Mà khi mắc bệnh mãn tính thì gánh nặng rất là lớn. Bên cạnh đó chúng ta lại đạt được thành tựu là tuổi thọ gia tăng, thì số lượng người cao tuổi cũng tăng. Nhưng người cao tuổi không chỉ có một bệnh mà thường có hai hoặc nhiều hơn, như thế gánh nặng kinh tế rất là lớn đối với bản thân người đó cũng như gia đình và xã hội. Cho nên tuyến đầu làm sao có thể làm được việc của mình là chăm sóc, phát hiện sớm ngay từ ban đầu.

PGS Phạm Lê Tuấn: Mô hình bác sĩ gia đình giảm gánh nặng cho người dân, cho xã hội - ảnh 2Nhiều người dân ở TP.HCM đã lựa chọn phòng khám bác sĩ gia đình của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch để khám chữa bệnh. - Ảnh: Báo Pháp luật.

PV: Mô hình bác sỹ gia đình cũng được Bộ Y tế Việt Nam nhắc đến trong nhiều năm qua…

PGS.TS Phạm Lê Tuấn: Ngành y tế cũng đã nhận thức vấn đề này từ rất lâu rồi. Từ năm 2000 đã thành lập Bộ môn Y học gia đình (đầu tiên là Trung tâm Y học gia đình) tại trường Đại học Y Hà Nội. Bây giờ đã phát triển tới 8 trường đại học có bộ môn Y học gia đình và một số trường đã có Trung tâm Y học gia đình, trong đó, có phòng khám đa khoa bác sỹ gia đình để làm mô hình mẫu đào tạo cho các bác sỹ gia đình trong toàn quốc. Gần đây nhất Tổ chức Y tế thế giới đã phối hợp với Bộ y tế vào năm 2018 đào tạo nâng cao trình độ cho các giảng viên của các trường đại học này, để làm nguồn nhân lực đào tạo cho toàn quốc. Bởi vì chúng ta có tới 11 nghìn 162 trạm y tế, làm thế nào để phủ khắp những kiến thức này cho các bác sỹ, thì nhu cầu đào tạo cực kỳ lớn. Bên cạnh đó, còn thành lập cả Hội Bác sỹ gia đình Việt Nam, cũng rất sớm, từ năm 2005.

PV: Cụ thể Y học gia đình đã được triển khai ra sao ở Việt Nam thưa ông?

PGS.TS Phạm Lê Tuấn: Ngành y tế đã đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho bác sỹ làm việc tại tuyến ban đầu, cho nên các chương trình đào tạo đã mở ra. Nó có từng giai đoạn. Giai đoạn đầu tập trung vào đào tạo chuyên khoa 1. Trong đó Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa, Huế là những tỉnh đi tiên phong trong mô hình bác sỹ gia đình. Ngay tại Huế, từ thời của PGSTS Nguyễn Dung (làm Giám đốc Sở Ytế - pv)- bây giờ là phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh - cũng đã làm được việc là: Bác sỹ chuyên khoa I về làm việc tại xã và phát biểu rằng tôi không muốn lên tuyến trên, tôi muốn làm việc tại đây. Và người dân cũng nói rằng tôi không muốn lên bệnh viện, tôi muốn đến đây để được chăm sóc sức khỏe. Đấy là một thành công rất lớn. Vì chúng ta nâng cao trình độ cho cán bộ, người dân tin tưởng.

Sau đó  năm 2014 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành thông tư số 16 về mô hình bác sỹ gia đình để triển khai. Và Bộ Y tế cũng có một đề án để phát triển bác sỹ gia đình với 8 tỉnh tham gia. Hiện nay Bộ Y tế đang điều chỉnh lại, sửa lại thông tư 16 để làm sao khuyến khích, phát triển hơn nữa, để các cán bộ nhân viên y tế có điều kiện hành nghề, thực hiện Luật khám bệnh, chữa bệnh. Và hiện nay rất nhiều tỉnh thành đã triển khai mô hình bác sỹ gia đình.

Trong chương trình đào tạo để triển khai mạnh trong công đồng. Bởi vì đặc thù của cán bộ y tế tại xã người ta còn phải làm việc, người ta rất muốn đi học nhưng phải có người thay thế. Cho nên, Bộ Y tế đã thí điểm làm và hướng là chia các chương trình ra nhiều mô-đun ngắn khác nhau, đi vào trọng tâm trọng điểm. Ví dụ chương trình 5 ngày về phát hiện, chăm sóc và quản lý những bệnh nhân tiểu đường. Đến gần 70% những bệnh nhân tiểu đường chưa được phát hiện. Nếu phát hiện sớm, điều trị ở mức độ thuốc rất hợp lý. Để muộn ra là chúng ta phải dùng thuốc cao hơn, rất tốn tiền. Rồi tăng huyết áp, cũng gẫn 60% chưa được phát hiện. Đây là một tảng băng chìm, mà trong tương lai nó sẽ trở thành gánh nặng rất lớn, nếu như chúng ta không phát hiện sớm. Và hôm nay Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nói đấy, ung thư cũng vậy, rất nhiều trường hợp đến đã giai đoạn muộn, mà trong đó 30% nếu phát hiện sớm thì có thể chữa khỏi hoàn toàn.

Phải sử dụng những biện pháp rất phù hợp với điều kiện kinh tế mà vẫn phát hiện sớm được bệnh. Còn trong quá trình đào tạo đấy, cũng từng bước một đã có những chương trình đào tạo. Tôi nói ví dụ ban đầu chỉ mở ra chuyên khoa I, sau đấy lại mở ra cao học. Năm 2015, Bộ Y tế lại cho phép, mà Bộ môn Y học gia đình của Đại học Y Hà Nội tiên phong, là đào tạo bác sĩ nội trú. Vì sao Bệnh viện Trung ương phát triển hơn các bệnh viện địa phương? Bởi vì hầu như chỉ nhận bác sĩ nội trú thôi. Bây giờ các địa phương cũng bắt đầu thấy các vấn đề như vậy, là người ta cũng đề nghị đào tạo, và có thể họ bỏ kinh phí để đào tạo bác sĩ nội trú đưa về các bệnh viện. Không chỉ đào tạo cho bác sĩ, mà hiện nay còn đào tạo cao học kể cả cho điều dưỡng nữa, để làm sao huy động được nguồn lực, tổng lực chúng ta cùng tham gia.

Xin trân trọng cảm ơn ông. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác