Vì một Việt Nam mạnh từ biển và giàu lên từ biển

(VOV5) -Nhân kỷ niệm 62 năm Ngày Thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam, Chuẩn đô đốc Phạm Văn Sơn- Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân đã dành cho phóng viên VOV5 cuộc trả lời phỏng vấn

 

Trải qua 62 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành (7/5/1955-7/5/2017), Hải quân nhân dân Việt Nam đã lập nhiều thành tích, chiến công xuất sắc và đặc biệt xuất sắc, có những chiến công như huyền thoại, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.        

Nhân kỷ niệm 62 năm Ngày Thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam, Chuẩn đô đốc Phạm Văn Sơn- Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân đã dành cho phóng viên VOV5 cuộc trò chuyện về truyền thống vẻ vang và những cống hiến, hi sinh thầm lặng của lực lượng hải quân nhân dân  Việt Nam.

 

Vì một Việt Nam mạnh từ biển và giàu lên từ biển - ảnh 1Chuẩn đô đốc Phạm Văn Sơn - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân Việt Nam. (Ảnh: Mỹ Trà)

 

Phóng viên: Thưa Chuẩn đô đốc, trải qua 62 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, Hải quân nhân dân Việt Nam đã lập nhiều chiến công xuất sắc. Xin ông có thể nói rõ hơn về những chiến công đã trở thành “huyền thoại” của lực lượng hải quân đã đạt được qua các thời kỳ?

 

Chuẩn đô đốc Phạm Văn Sơn: Truyền thống, bề dày xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam được phát triển qua các thời kỳ, nhưng chúng tôi có thể khái quát thành 8 chiến công của Hải quân Việt Nam.

Trước hết là Hải quân Nhân dân Việt Nam ngay từ lúc còn non trẻ đã chiến thắng trận đầu cùng với quân và dân cả nước chiến thắng Đế quốc Mỹ xâm lược miền Bắc Việt Nam.

Thứ hai, Hải quân Nhân dân Việt Nam cùng nhân dân đánh bại cuộc phong tỏa bằng thủy lôi của đế quốc Mỹ.

Thứ ba, bằng chiến công vang dội của mình đã lập nên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển, vận chuyển vũ khí và con người chi viện cho chiến trường Việt Nam. Đây là một chiến công đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã lập nên kỳ tích và những chiến công đó như một huyền thoại trên biển đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam, dấu ấn vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Thứ tư, bằng cách đánh đặc biệt tinh nhuệ trên chiến trường sông biển, chiến trường cửa biển Đông Hà và trên chiến trường của cả nước, đặc công Việt Nam đã làm cho đối phương phải nể phục. Đây là chiến công vang dội của nghệ thuật cách đánh riêng có của Việt Nam, phát huy kết quả, truyền thống của cha ông. Đó thực sự là những Yết Kiêu trên biển.

Vì một Việt Nam mạnh từ biển và giàu lên từ biển - ảnh 2Lễ chào cờ trên đảo Trường Sa. (Ảnh: Mỹ Trà) 

Thứ năm, Hải quân Việt Nam cùng với lực lượng cả nước đã giải phóng quần đảo Trường Sa vào 29/4/1975. Chiến công này  góp phần cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn mới.

Thứ sáu là Hải quân Việt Nam là đã hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang- giúp bạn thoát khỏi cảnh diệt chủng ở Campuchia.

Các nhiệm vụ tiếp theo đã và đang được Hải quân Việt Nam thực hiện tốt là nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, làm nòng cốt cho nhân dân trên biển yên tâm bám trụ kiên cường và bảo vệ, bảo đảm các hoạt động kinh tế, nhất là kinh tế trọng điểm của đất nước như đảm bảo dầu khí, bảo vệ an toàn cho các hoạt động thăm dò dầu khí trên biển.

 

Phóng viên: Thưa Chuẩn đô đốc, cứ vào dịp tháng 4, tháng 5 hàng năm, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân có tổ chức đưa các đoàn công tác tới thăm, tặng quà quân dân Trường Sa và nhà giàn DK. Vậy, xin Chuẩn đô đốc cho biết mục đích, ý nghĩa của những chuyến đi này?

 

Chuẩn đô đốc Phạm Văn Sơn: Trong nhiều năm gần đây với chiến lược biển Việt Nam của Đảng và Nhà nước là xây dựng Quốc gia Việt Nam mạnh từ biển, giàu lên từ biển, Quân chủng Hải quân đã có sáng kiến đưa những người con ưu tú và các tầng lớp xã hội, kể cả kiểu bào nước ngoài ra với Trường Sa để hiểu sự phát triển kinh tế biển có ý nghĩa, vai trò quan trọng như thế nào với nền kinh tế chúng ta. Chúng tôi mong muốn đưa kiều bào, các tầng lớp nhân dân ra với biển đảo để thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông và cũng như có nhiều đóng góp cho việc xây dựng Hải quân Nhân dân Việt Nam và nền quốc phòng trên biển.

Vì một Việt Nam mạnh từ biển và giàu lên từ biển - ảnh 3Chuẩn đô đốc Phạm Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa Bùi Đình Dương (giữa) đang giới thiệu với các đại biểu ra thăm Trường Sa về vườn rau chiến sĩ. (Ảnh: Mỹ Trà)

 

Đặc biệt, thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước cùng đồng bào cả nước đã đóng góp trí tuệ và công sức xây dựng các đảo của chúng ta mạnh về phòng thủ, tốt về nếp sống và đẹp về cảnh quan, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Chúng tôi rất kỳ vọng các chuyến đi các vị lãnh đạo ở trung ương, các địa phương, các ban ngành đoàn thể, các tầng lớp xã hội và kể cả các chức sắc tôn giáo có dịp hiểu đầy đủ hơn về cuộc sống, sinh hoạt của quân và dân Trường Sa. Hy vọng rằng, những người đã từng ra Trường Sa sẽ là những nòng cốt, trở về tiếp tục lan tỏa tình yêu biển đảo để cùng nhau làm những việc thiết thực cho biển đảo quê hương, góp phần xây dựng Quốc gia Việt Nam mạnh từ biển và giàu lên từ biển.

 

Vì một Việt Nam mạnh từ biển và giàu lên từ biển - ảnh 4Bí thư Trung ương Đoàn TNCS HCM Nguyễn Ngọc Lương - Trưởng đoàn công tác số 9/2017 thăm Trường Sa và tặng quà các gia đình sinh sống tại đảo. Ảnh: Mỹ Trà

 

Phóng viên: Đúng dịp cả dân tộc nói chung và Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng đang tưng bừng kỷ niệm những ngày tháng lịch sử ý nghĩa: Giải phóng quần đảo Trường Sa, giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước, Hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” có may mắn được cùng Chuẩn đô đốc ra thăm quân dân Trường Sa. Được biết, Chuẩn đô đốc đã từng có những năm tháng công tác tại đảo Trường Sa. Vậy, Chuẩn đô đốc có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi được trở lại Trường Sa đúng dịp này?

 

Chuẩn đô đốc Phạm Văn Sơn: Tôi đi Trường Sa công tác đã nhiều lần. Bản thân tôi cũng là cán bộ từng công tác và trưởng thành từ Trường Sa. Cách đây 21 năm, vào năm 1996, tôi là một sĩ quan hải quân được điều ra làm Đảo phó, Chính trị viên đảo Trường Sa. Thời đó, điều kiện sinh hoạt ở đảo còn khó khăn, chỉ có một bốt điện thoại của viễn thông, đến nay đảo đã phủ sóng Viettel, bộ đội có thể liên lạc được bình thường giao lưu với gia đình, người thân.

Từ năm 1996 đến đầu năm 2000 là thời gian tôi công tác ở đảo Trường Sa. Còn nhớ, khi đó vợ tôi sinh con trai được 20 tháng thì tôi nhận nhiệm vụ ra Trường Sa, 20 tháng sau về phép, tôi đã vô cùng xúc động con trai tôi vẫn nhận được ra bố. Đợt này, khi tôi đi ra Trường Sa, con trai tôi hiện là sinh viên năm thứ năm Học viện Hải quân cũng vừa mới đi thực tập ở Trường Sa trở về, tiếp tục theo bước cha làm người lính hải quân.

Chuyến đi này với tôi có thể nói ngắn gọn là: Tự hào, phấn khởi, cảm kích và hết sức tin tưởng. Tin tưởng vào lớp trẻ, tin tưởng vào tương lai đất nước ta sẽ mạnh lên từ biển, giàu lên từ biển, đóng góp tích cực vào nền kinh tế quốc dân, cho sự phát triển của đất nước.

 

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Chuẩn đô đốc!

 

Phản hồi

Các tin/bài khác