Doanh nghiệp Việt Nam và cơ hội từ Cộng đồng kinh tế ASEAN

(VOV5) - ASEAN hiện là đối tác thương mại thứ hai của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm.

Với thị trường hơn 600 triệu dân, GDP dự kiến đạt 4,7 nghìn tỉ USD vào năm 2020 và tiềm năng trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đang tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp ASEAN nói chung, doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Sau gần 2 năm AEC chính thức ra đời, các doanh nghiệp Việt vẫn đang nỗ lực tìm con đường riêng cho mình để bứt phá, cạnh tranh vươn lên chiếm lĩnh thị phần tại các nước ASEAN.

Doanh nghiệp Việt Nam và cơ hội từ Cộng đồng kinh tế ASEAN - ảnh 1Khách hàng tham quan gian hàng công ty Sơn An. 

 

 Nghe âm thanh bài viết tại đây:

So với thời điểm trước khi AEC hình thành, các doanh nghiệp Việt dường như đã có sự nhận thức rõ ràng và cụ thể hơn, từ đó nhận diện tốt hơn những cơ hội và thách thức từ AEC để hội nhập. Khảo sát từ VCCI cuối năm 2016, tức là thời điểm sau 1 năm AEC ra đời, cho thấy đã có gần 47% doanh nghiệp chủ động tìm hiểu thông tin về AEC. Tuy nhiên để tận dụng được lợi thế từ AEC lại là chuyện không đơn giản.

Là doanh nghiệp chuyên kinh doanh và chế biến hàng nông sản Việt Nam, Công ty Cổ phần nông sản sạch Việt từng đặt chân tại thị trường một vài nước Châu Âu, tuy nhiên đối với thị trường ASEAN, cho đến nay doanh nghiệp này vẫn chỉ đang dừng ở mức tìm hiểu thị trường. Nguyên nhân không nằm ở thiếu vốn, cơ sở vật chất, nhà xưởng hay vướng mắc thủ tục mà là công ty muốn có bước chuẩn bị thật kỹ càng để hội nhập. Giám đốc Công ty Nguyễn Văn Tuân cho biết: “Chúng tôi đang tìm hiểu cơ chế chính sách, đặc thù khả năng tiêu thụ trong khối ASEAN, chỉ ở mức tìm hiểu thôi. Thông tin về các nhà tiêu thụ bên đó, mình phải đi tham quan bên đó, phải có những đoàn đi thăm dò ở các siêu thị người ta yêu thích cái gì, hàng của mình có thể cạnh tranh hay không. Tôi đã sang rồi nhưng chỉ ở mức tham quan thắng cảnh thôi. Đi để tìm hiểu thị trường phải ở cấp vĩ mô. Nhà nước tổ chức thì chúng tôi sẵn sàng đi ngay, đi nghiên cứu thị trường ngay”.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Khắc Sơn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Sơn An, cho rằng sự thận trọng khi xâm nhập thị trường ASEAN là rất cần thiết, nhất là đối với những mặt hàng, sản phẩm chưa mang tính cạnh tranh cao: “AEC ra đời thì rõ ràng doanh nghiệp có nhiều thách thức và cơ hội. Nếu biết nắm bắt cơ hội đó thì sẽ hưởng nhiều lợi ích, còn nếu doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị kỹ thì sẽ gặp khó khăn. Rất nhiều mặt hàng các doanh nghiệp trong ASEAN đều sản xuất giống nhau. Bây giờ nếu doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển được thì phải có sự khác biệt trong sản phẩm của mình về mẫu mã chất lượng, đặc biệt là nghiên cứu ra những dòng sản phẩm mà trong ASEAN chưa sản xuất hoặc đang sản xuất ít”.

Doanh nghiệp Việt Nam và cơ hội từ Cộng đồng kinh tế ASEAN - ảnh 2Sản phẩm rượu nhung hươu của tập đoàn Sơn An tại triển lãm Cộng đồng kinh tế ASEAN và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. 

Lựa chọn hướng đi đúng khi tạo ra sự khác biệt nên sản phẩm của Tập đoàn Sơn An bước đầu đã tạo được chỗ đứng trên thị trường ASEAN. Với các sản phẩm thế mạnh như rượu nếp nấu và ủ theo phương pháp truyền thống, rượu nhung hươu, cao nhung hươu và các thực phẩm chức năng từ nhung hươu, năm 2016, công ty đã xuất khẩu sang ASEAN trên 3 triệu USD, tăng gấp đôi so với năm trước và công ty phấn đấu đạt khoảng 15-20 triệu USD trong 5 năm tới: “Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu thị trường để cho ra đời những dòng sản phẩm có giá trị cao, phù hợp với thị trường từng nước. Mỗi nước có một sở thích khác nhau nên sản phẩm phải phù hợp. Chúng tôi đưa ra các sản phẩm chiến lược, hợp thị hiếu của người dân trong khối ASEAN đồng thời phải nâng cao năng lực cán bộ, nhân viên công ty của mình về trình độ ngoại ngữ để giao tiếp với các đối tác các nước trong khối ASEAN”.

Doanh nghiệp Việt Nam và cơ hội từ Cộng đồng kinh tế ASEAN - ảnh 3

Ông Lê Khắc Hòa, Giám đốc công ty VNTech

Bên cạnh tìm tòi sự khác biệt trong từng sản phẩm, Công ty VNTech, công ty chuyên kinh doanh trong lĩnh vực hàng điện tử, điện gia dụng lại chú trọng áp dụng đổi mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm chất lượng với giá cả cạnh tranh. Ông Lê Khắc Hòa, Tổng Giám đốc Công ty VNTech khẳng định: “Sản phẩm của VNTech nếu so về chất lượng thì không thua kém các sản phẩm của nước bạn như Malaysia,Thái Lan nhưng giá thành của chúng tôi thì lại thấp hơn 20%, đó là thuận lợi để VNTech tự tin hội nhập. Doanh thu của công ty chúng tôi trong năm qua đã tăng trưởng gấp 300 lần, đạt gần 1 tỷ USD”.

Phát triển sau, tiềm lực kinh tế có phần hạn chế hơn, kinh nghiệm chưa bằng các nước đi trước trong ASEAN. Đây chính là những thách thức lớn của các doanh nghiệp Việt Nam và là yếu tố khách quan khi doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hội nhập ra bên ngoài. Nhận diện khó khăn thách thức, biết tận dụng thế mạnh của mình để hội nhập khu vực, các doanh nghiệp Việt đang dần nắm bắt được cơ hội từ ASEAN. Đồng hành trong quá trình đó cùng doanh nghiệp là các cơ quan chức năng Việt Nam nâng cao nhận thức, hỗ trợ thông tin, đảm bảo doanh nghiệp hội nhập hiệu quả. Trưởng SOM ASEAN Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao tại buổi tọa đàm “AEC và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam” tổ chức tại Hà Nội mới đây chia sẻ: “Chúng tôi cảm nhận rằng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhận thức được rõ ràng cơ hội và thách thức. Chúng tôi cũng nhận thức vai trò của chính phủ, các bộ ngành trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Qua đó doanh nghiệp cần biết rằng khi mình cần tìm cái gì thì nó ở đâu, khi cần hỏi ai thì biết địa chỉ hỏi, có thêm mạng lưới để doanh nghiệp tìm hiểu thêm trong thời gian tới”.

ASEAN hiện là đối tác thương mại thứ hai của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm, đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hóa lớn thứ 3 cho các doanh nghiệp Việt Nam. Theo dự báo của các chuyên gia quốc tế, tốc độ tăng trưởng của AEC có thể sẽ vượt EU trong một thập kỷ tới, vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực tận dụng lợi thế từ AEC để củng cố thị trường nội địa, chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác