Dư luận quốc tế hoan nghênh việc hoàn tất hiệp định TPP

(VOV5) - Ngay sau khi các Bộ trưởng Thương mại của 12 nước tham gia đàm phán đạt được thỏa thuận cuối cùng đối với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau nhiều năm đàm phán, nhiều nước đã hoan nghênh sự kiện này.

Dư luận quốc tế hoan nghênh việc hoàn tất hiệp định TPP - ảnh 1
12 quốc gia tham gia TPP. Đàm phán TPP bắt đầu từ năm 2010, với mục tiêu giảm rào cản thương mại và thiết lập những tiêu chuẩn cao nhằm tăng cường thương mại và đầu tư, thúc đẩy sáng kiến, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm trong khối.


Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng ngày 5/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama đánh giá thỏa thuận mà các nước vừa đạt được phản ánh "những giá trị của Mỹ" và "đặt người lao động Mỹ lên tuyến đầu". Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cùng ngày cũng ra tuyên bố bảo vệ TPP, gọi đây là một "thỏa thuận toàn diện và cân bằng", sẽ giúp nâng cao tiêu chuẩn sống và giảm đói nghèo. Bộ trưởng Thương mại New Zealand Tim Groser nhấn mạnh thỏa thuận cuối cùng vừa đạt được có ý nghĩa "đặc biệt quan trọng và mang lại nhiều lợi ích đối với các thế hệ người dân tại các nước tham gia đàm phán". Cùng ngày, Ngoại trưởng Chile Heraldo Muñoz đánh giá TPP là thỏa thuận thương mại mang tầm vóc thế giới, vượt những gì mà Vòng đàm phán Doha cho tới giờ chưa đạt được. Ngoài việc được quyền tiếp cận tốt hơn với hàng hóa, Chile sẽ được tiếp cận với chuỗi giá trị toàn cầu, mua sắm chính phủ và nhiều loại hình dịch vụ mà trong các thỏa thuận thương mại song phương với mỗi quốc gia thành viên TPP chưa từng đạt được.

 

Thủ tướng Canada Stephen Harper ngay lập tức có bài phát biểu trấn an quan ngại của các ngành công nghiệp trong nước về những tác động ban đầu của việc tham gia TPP, đồng thời khẳng định hiệp định này mang lại lợi ích tốt nhất cho kinh tế Canada. Thủ tướng Harper đã gọi đây là thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử. Ông khẳng định mọi lĩnh vực và địa phương của Canada đều được hưởng lợi từ việc tham gia TPP và đảng Bảo thủ (CPC) của ông sẽ đẩy mạnh thực thi thỏa thuận này nếu giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Cùng ngày, Chủ tịch đảng Tự do (LIB) đối lập Justin Trudeau, cùng Phòng Thương mại Canada, Hội đồng Giám đốc điều hành Canada và nhiều tập đoàn lớn tại nước này, cũng bày tỏ ủng hộ việc các bộ trưởng đạt được thỏa thuận lịch sử TPP.

 

Trong khi đó, bình luận về sự kiện này, cùng ngày 5/10 Bộ trưởng Kinh tế Mexico Guajardo Villarreal cho rằng TPP sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho nền kinh tế thứ 2 Mỹ Latinh trong lĩnh vực sản xuất liên quan tới 6 thị trường châu Á-Thái Bình Dương (gồm Australia, Brunei, Malasia, New Zealand, Singapore và Việt Nam), khu vực hiện được dự báo có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới trong vòng 25 năm tới.

 

TPP có 12 nước tham gia đàm phán, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Theo quy định, sau khi được ký kết, văn kiện này cần nhận được sự phê chuẩn của chính phủ và Quốc hội các nước thành viên để có hiệu lực. Nếu trở thành hiện thực, TPP sẽ là khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác