Học giả Nga: Không gì có thể lay chuyển hợp tác Việt-Nga cùng có lợi trong lĩnh vực dầu khí

(VOV5) - Học giả Nga phân tích đánh giá về hiệu quả hợp tác Nga - Việt trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam và trên lãnh thổ Nga.
Học giả Nga: Không gì có thể lay chuyển hợp tác Việt-Nga cùng có lợi trong lĩnh vực dầu khí   - ảnh 1 Học giả Elena Nikulina (phải) và Igor Britov (trái) tại Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga. - Ảnh: VOV

Trang mạng “Mùa xuân nước Nga”, ngày 17/8, đăng tải bài viết của học giả Elena Niculina, Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga, với nhan đề Rosneft và Gazprom đang tích cực khám phá Việt Nam”, phân tích đánh giá về hiệu quả hợp tác Nga - Việt trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam và trên lãnh thổ Nga.

Bài viết đã điểm lại những mốc son quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và LB Nga trong lĩnh vực dầu khí, theo đó hai nước bắt đầu hợp tác vào năm 1981, khi Tập đoàn dầu khí PetroVietnam và công ty Zarubezhneft của Liên Xô thành lập liên doanh Vietsovpetro. Từ năm 2000, công ty Gazprom của Nga, công ty hàng đầu thế giới về khai thác khí đốt tự nhiên, đã có mặt tại Việt Nam.

Một bước tiến mới trong sự phát triển hợp tác giữa Nga và Việt Nam trong sản xuất dầu khí là việc thành lập các liên doanh làm việc tại Nga. Tháng 9/2007, thỏa thuận thành lập công ty liên doanh Rusvietpetro đã được ký kết. Công ty bắt đầu hoạt động khai thác thùng dầu đầu tiên từ năm 2009 ở miền bắc nước Nga. Cũng trong năm này, Gazprom và Tập đoàn Dầu khí quốc gia PetroVietnam, đã thành lập công ty TNHH Gazpromviet LLC để phát triển các dự án dầu khí ở Nga, Việt Nam và các nước thứ ba.

Bài viết cho rằng, mặc dù việc thăm dò và sản xuất dầu khí của các doanh nghiệp Nga ở một số khu vực thuộc thềm lục địa Việt Nam trên Biển Đông đã làm Trung Quốc “không hài lòng”, nước đã đưa ra đòi hỏi chủ quyền ở những khu vực này, song nhấn mạnh Việt Nam sẽ kiên định bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, đồng thời khẳng định không gì có thể lay chuyển mối quan hệ hợp tác lâu dài và cùng có lợi giữa Nga - Việt Nam trong lĩnh vực này.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác