Nỗ lực khơi thông thị trường Liên Minh kinh tế Á-Âu

(VOV5) - Hiệp định thương mại tự do(FTA) giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu, có hiệu lực từ 5/10 năm ngoái

Trong 2 năm gần đây, nhất là trong 6 tháng đầu năm nay, trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Liên Bang Nga có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Trong các nước ASEAN, Việt Nam đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu và xuất siêu sang Nga. Hiệp định thương mại tự do(FTA) giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu, có hiệu lực từ 5/10 năm ngoái, với 90% dòng thuế được cắt giảm theo lộ trình, đã tạo sức cạnh tranh tốt hơn cho hàng hóa của hai bên.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Năm 2016, kim ngạch song phương giữa Việt Nam và Liên Bang Nga đạt 2,7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,7 tỷ USD, tăng 12%. 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu giữa hai nước tiếp tục tăng mạnh, đạt gần 1,7 tỷ USD, tăng 26,5%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Liên bang Nga đạt 1,2 tỷ USD, tăng hơn 34%. Các mặt hàng được ưa chuộng là thủy sản, rau quả, cà phê, hàng dệt may, giày dép, máy vi tính và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện…

Theo ông Dương Hoàng Minh, tham tán thương mại Việt Nam tại Liên Bang Nga, ngoài những thuận lợi về cắt giảm thuế do FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu mang lại, có một số yếu tố quan trọng khác khiến cho xuất khẩu của Việt Nam sang Liên Bang Nga chuyển biến tích cực:Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao, đặc biệt là trong cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua, đoàn cấp cao của chủ tịch nước Việt Nam sang thăm Liên  bang Nga. Đây là hoạt động rất lớn để thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước.

Trong khuôn khổ chuyến thăm có nhiều thỏa thuận, hợp đồng kinh tế được ký kết, làm nền tảng cho việc mở rộng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và LB Nga trong thời gian tới. Bên cạnh đó, rất nhiều hoạt động xúc tiến thương mại đã diễn ra, tổ chức nhiều hội chợ, triển lãm tại Trung tâm Thương mại Hà Nội-Matxcova.

Nỗ lực khơi thông thị trường Liên Minh kinh tế Á-Âu - ảnh 1 Gian trưng bày hàng thổ cẩm Việt Nam tại Hội chợ ở Trung tâm Thương mại Hà Nội-Moscow. (Anh Tú-Thành Phương/VOV-Moscow)

 

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay đã có nhiều hoạt động được Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Bang Nga kết nối với các tỉnh của Nga như Iaroxlap, tỉnh Xvetlop, Kursk, nước cộng hòa Bashkortostan (thuộc LB Nga)…, qua đó giúp cho các doanh nghiệp địa phương của Nga hiểu thêm tình hình thị trường Việt Nam và có mong muốn thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam mạnh mẽ hơn.

Điều đáng mừng nữa là hiện nay, có những doanh nghiệp của Việt Nam đang thiết lập các mối quan hệ làm ăn một cách bài bản ở thị trường Nga. Tổng công ty May 10 là một ví dụ. Ông Thân Đức Việt-Phó tổng giám đốc khẳng định: Chúng tôi bước chân vào thị trường bài bản, qua hãng thời trang chứ không phải qua chợ, được hãng Handeson đặt 100 nghìn áo sơ mi một năm vào thị trường Nga. So với Mỹ, Châu Âu thì rất khiêm tốn, nhưng ở Nga thì là thị trường đặc thù nên con số này không nhỏ, đây là khách hàng thời trang nổi tiếng. Chúng tôi không chỉ tìm kiếm doanh nghiệp Nga mà còn hợp tác với doanh nghiệp Việt đang sản xuất tại Nga để từng bước tiếp cận thị trường, thông qua tham tán thương mại hoặc các Việt kiều tại Nga, rất thấu hiểu nhu cầu của người tiêu dùng Nga…

Có thể thấy rõ quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga nói riêng, các nước thuộc Liên minh kinh tế Á-Âu đã có chuyển biến tích cực, nhưng kết quả đạt được còn nhỏ bé so với tiềm năng của các bên. Do đó, rất nhiều rào cản cần tiếp tục được tháo gỡ để khơi thông thị trường.

Ông Đặng Hoàng Hải-Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu-Bộ Công Thương cho rằng, một trong những vướng mắc lớn nhất là kiểm dịch, kiểm tra chất lượng sản phẩm, nhất là hàng nông lâm thủy sản: Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản mới có 25 công ty/200 công ty đăng ký (xuất khẩu vào Nga), rất nhỏ so với 500 công ty xuất khẩu vào EU. Số lượng nhỏ gây cản trở trong cạnh tranh xuất khẩu lành mạnh, bền vững sang Nga. Hai cơ quan kiểm tra chất lượng NAFIQUAD cũng chưa có cơ chế làm việc rõ ràng, minh bạch.

Ngoài thủy sản ra, chúng ta cũng có khó khăn với một số mặt hàng khác. Kiểm tra chất lượng của phía Nga chưa làm theo chương SPS đã thuận trong hiệp định. Tới đây, chúng tôi hy vọng sẽ có hiệp định liên chính phủ về hợp tác giữa các cơ quan về kiểm định, kiểm tra chất lượng sản phẩm…Nếu hàng rào kỹ thuật được xóa bỏ, khả năng tăng trưởng xuất nhập khẩu sẽ nhanh hơn.

Nỗ lực khơi thông thị trường Liên Minh kinh tế Á-Âu - ảnh 2

Gian hàng gốm sứ Việt Nam được quan tâm tại tại Hội chợ ở Trung tâm Thương mại Hà Nội-Moscow. (Anh Tú-Thành Phương/VOV-Moscow)

 

Trong tháng 6 và tháng 7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng các nước thành viên khác trong Liên minh kinh tế Á-Âu đã chủ trì cuộc họp của Uỷ ban rà soát mọi vấn đề  để từng bước tháo gỡ khó khăn.

Theo đánh giá của Thương Vụ Việt Nam tại Nga, các doanh nghiệp hai nước hiểu biết về thị trường, hàng hóa của nhau chưa được nhiều. Mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng Liên bang Nga nói riêng, Liên minh kinh tế Á-Âu nói chung vẫn là thị trường rộng lớn, với GDP khoảng 2000 tỷ USD/năm, dân số 183 triệu người, hứa hẹn nhiều cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường còn nhiều tiềm năng này.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác