Thủ tướng dự Diễn đàn doanh nghiệp Á-Âu

(VOV5) - Chính phủ Việt Nam đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm với vai trò đầu tầu, động lực cho phát triển, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, với mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Ngay trước thềm Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM) lần thứ 12, diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Á – Âu (AEBF) lần thứ 16, ngày 18/10, tại thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ, với chủ đề “Kết nối – Tạo dựng cầu nối giữa châu Á và châu Âu”. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cùng Thủ tướng Na Uy Erna Solberg là hai nhà Lãnh đạo ASEM được mời phát biểu chính tại Diễn đàn.

Thủ tướng dự Diễn đàn doanh nghiệp Á-Âu - ảnh 1 Đây là lần thứ 2 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao VN dự ASEM. Tháng 7/2016, Thủ tướng cũng đã dự ASEM lần thứ 11 ở Ulaanbaatar, Mông Cổ. Ảnh: VOV.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh chiến lược kết nối châu Âu và châu Á của Liên minh châu Âu (EU); đề nghị các doanh nghiệp Á – Âu chủ động, tích cực đẩy mạnh kết nối Á-Âu nhằm hiện thực hóa các tiềm năng phát triển của hai châu lục: “Với vai trò kiến tạo phát triển, các Chính phủ tạo các cơ chế, chính sách thuận lợi, ký kết các thỏa thuận quốc tế, mở đường cho các doanh nghiệp định hướng kinh doanh. Các doanh nghiệp gắn kết các dự án đầu tư, kế hoạch kinh doanh với những phương hướng, kế hoạch phát triển quốc gia; tích cực hợp tác công – tư về đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao, kết nối số, giáo dục, y tế, năng lượng, nông nghiệp, chế tạo, chế biến… Tôi đề nghị tổ chức đối thoại định kỳ giữa lãnh đạo các nước và cộng đồng doanh nghiệp 2 châu lục Á- Âu trong các dịp hội nghị cấp cao ASEM để trao đổi sâu rộng các vấn đề cùng quan tâm, phù hợp lợi ích của 2 châu lục. Tôi cũng cho rằng cần sớm đẩy mạnh hơn hoạt động của kênh Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEM và đối thoại giữa các Bộ trưởng kinh tế với cộng đồng doanh nghiệp 2 châu lục nhằm triển khai hiệu quả các định hướng hợp tác ASEM trong thời gian tới.”

Thủ tướng cũng chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp về triển vọng kinh tế Việt Nam; đồng thời nhấn mạnh Việt Nam tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế, nâng tầm đối ngoại song phương, đa phương, xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Chính phủ Việt Nam đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm với vai trò đầu tầu, động lực cho phát triển, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, với mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Thủ tướng khẳng định cùng với việc triển khai Hiệp định khung về Hợp tác và Đối tác toàn diện (PCA), việc sớm chính thức ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ là bước đột phá, tạo xung lực mới cho kết nối thương mại – đầu tư giữa Việt Nam với EU.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác