Triển vọng mới cho quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu

(VOV5) - Ngày 5/10, Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với các quốc gia thuộc Liên minh kinh tế Á- Âu (EAEU), bắt đầu có hiệu lực, mở ra cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp hai bên. Hiệp định này hứa hẹn thúc đẩy phát triển và tăng cường quan hệ thương mại giữa các quốc gia thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu và Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để quảng bá hàng hóa cũng như thu hút đầu tư.

Nghe âm thanh tại đây:

 

FTA giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên EAEU, bao gồm Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan. Hiệp định thương mại tự do giữa các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu và Việt Nam được ký kết ngày 29/5/2015, bắt đầu có hiệu lực ngày 5/10/2016. Theo hiệp định này, hơn 90% các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang những nước này được miễn hoặc giảm thuế. Trong năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực, các nhà xuất khẩu trong khu vực sẽ tiết kiệm được khoảng 40 triệu USD tiền thuế. Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), nhận định: Là đối tác đầu tiên ký hiệp định thương mại tự do với khối liên minh này nên cơ hội đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam rất lớn: Là một hiệp định ký cấp Nhà nước và là một hiệp định toàn diện bởi không chỉ mở cửa hàng hóa mà còn là đầu tư, dịch vụ. Đây cũng là hiệp định đầu tiên mà EAEU ký với một nước ngoài khối và Việt Nam lần đầu tiên ký với một liên minh kinh tế. Với một hiệp đinh được chuẩn bị kỹ càng, chắc chắn sẽ tạo ra đội phá mới trong quan hệ giữa Việt Nam và EAEU.

Triển vọng mới cho quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu - ảnh 1
Họp báo giới thiệu về những cơ hội và thách thức khi Hiệp định FTA-EAEU chính thức có hiệu lực .Ảnh: VOV


Hiện nay có hơn 900 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Liên minh Kinh tế Á- Âu; trong đó có khoảng 200 doanh nghiệp có kim ngạch lớn, chủ yếu tập trung vào các ngành hàng: thủy sản, cà phê, chè, gạo, dệt may, giày dép… Đại sứ Nga tại Việt Nam K.V Vnucov cho biết: Theo các cam kết tại Hiệp định, hai bên sẽ cắt, giảm thuế cho gần 90% dòng thuế và mở cửa thị trường đối với một số lĩnh vực thương mại dịch vụ và đầu tư: Hiệp định này nhằm mục tiêu không chỉ gia tăng khối lượng thương mại mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, công nghệ sử dụng nguồn nhân lực có chuyên môn. Kết quả của việc khởi động cơ chế này là  Việt Nam sẽ có được quyến tiếp cận có tính ưu đãi đối với thị trường chung rộng lớn và đầy triển vọng của 5 nước với tổng GDP là gần 2,2 nghìn tỷ USD và hơn 180 triệu người tiêu dùng. Trong khi đó, nhóm liên minh kinh tế Á-Âu trên cơ sở ưu đãi cũng có thể xúc tiến các sản phẩm của mình vào Việt Nam, nơi có hơn 90 triệu người sinh sống.


Dự báo tăng trưởng thương mại song phương sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh kinh tế Á-Âu và Việt Nam có hiệu lực có thể tăng kim ngạch thương mại hiện nay từ 4 tỷ USD lên đến 8-10 tỷ USD trong vài năm tới. Sau khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam cũng sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 59% dòng thuế trong toàn bộ danh mục hàng hóa cho các nhà xuất khẩu của các nước Liên minh kinh tế Á-Âu. Đối với 30% dòng hàng khác, thuế nhập khẩu sẽ giảm dần về 0% trong giai đoạn chuyển tiếp. Mức thuế nhập khẩu trung bình của Việt Nam đối với hàng hóa từ các nước Liên minh kinh tế Á-Âu sẽ giảm từ 10% xuống còn 1%. Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ các thị trường châu Âu, Bộ Công thương, cho biết thêm: Nhằm tận dụng tối đa các cơ hội mà Hiệp định mang, lại hai bên cần đưa ra những biện pháp hỗ trợ cụ thể về vận tải, hải quan, chính sách, linh động giúp Hiệp định mang lại hiệu quả thực sự cho doanh nghiệp và nền kinh tế của Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu. Hai bên hiện cũng đặt ra mục tiêu  tham vọng đó là khối lượng thương mại song phương đạt 10 đến 12 tỉ USD đến năm 2020. Để làm được điều này phía Việt Nam mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời từ các Đại sứ quán, các Bộ, ngành của các nước thành viên Liên minh và Ủy ban Kinh tế Á - Âu trong việc thực thi Hiệp định một cách hiệu quả.

Triển vọng mới cho quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu - ảnh 2
Dệt may là một trong những ngành hưởng lợi từ FTA Việt Nam - EUEA. Ảnh: Trần Lê Lâm-TTXVN


Theo hiệp định này, các nhà sản xuất Việt Nam sẽ nhận được ưu đãi trong việc tiếp cận thị trường các nước Liên minh kinh tế Á-Âu và có thể nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng hóa của mình tại thị trường các nước Liên minh kinh tế Á-Âu so với các mặt hàng tương tự tại các nước khác không được hưởng ưu đãi. Việc thâm nhập thị trường EAEUmở ra cơ hội "vàng" với các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam nhưng kèm theo đó là không ít thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt, đó là sự cạnh tranh gay gắt với các mặt hàng nhập khẩu từ phía Liên minh để có thể trụ vững trên sân nhà. Ông Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Kinh tế Việt Nam, cho rằng: Khi thâm nhập vaò một thị trường thì cần tiếp tục tìm hiểu thêm về nhu cầu của thị trường đó, những đặc tính, quy định mà thị trường đó đòi hỏi phải tuân thủ. Cùng với đó là xuất xứ của sản phẩm hàng hóa. Đối với một thị trường mới thì cần tìm hiểu cặn kẽ về thị hiếu và những yêu cầu về chất lượng sản phẩm, các rào cản kỹ thuật có thể xuất hiện. Nhà nước cũng cần hỗ trợ về mặt pháp lý, chứng nhận về xuất xứ hàng hóa, nhãn hiệu để cho sản phẩm của Việt Nam có thể xâm nhập vào những thị trường tiềm năng này và tiến tới có thể vươn tới các thị trường khác nữa.


Thị trường liên minh kinh tế Á-Âu được dự báo là thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam. Việc FTA EAEU có hiệu lực đánh dấu một bước ngoặt lớn trong tiến trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam với các nước lớn trên thế giới. Để tận dụng hiệu quả lợi ích mà Hiệp định mang lại, mỗi doanh nghiệp cần nỗ lực vươn lên, xác định chiến lược, giải pháp mới trong việc tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, đủ sức cạnh tranh với các đối tác nước ngoài và trụ vững trên thị trường trong nước.

Phản hồi

Các tin/bài khác