Việt Nam ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo

(VOV5) - Công suất lắp đặt các nguồn điện của Việt Nam sẽ lên tới 130.000 MW vào năm 2030 so với mức 47.000 MW hiện nay.

“Phát triển năng lượng tái tạo hướng tới giảm thiểu cacbon tại Việt Nam” là chủ đề của Hội thảo do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Hà Nội tổ chức ngày 12/03, tại Hà Nội.

Việt Nam ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo - ảnh 1Ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhấn mạnh một trong những ưu tiên của Việt Nam là phát triển năng lượng tái tạo 

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, ông Cao Quốc Hưng chỉ rõ cùng với mức tăng trưởng đáng chú ý của Việt Nam trong thời gian vừa qua, nhu cầu về điện năng cũng tăng cao, tạo ra sức ép lớn về đầu tư cho năng lực phát triển phát điện truyền tải và phân phối điện của quốc gia.

Các dự báo chỉ ra rằng từ nay đến năm 2030, nền kinh tế của Việt Nam dự kiến tiếp tục tăng trưởng ở mức cao 6,5 – 7% mỗi năm, do đó, cần phải ưu tiên cho việc đảm bảo nhu cầu năng lượng cho phát triển đất nước một cách bền vững. Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt, công suất lắp đặt các nguồn điện của Việt Nam sẽ lên tới 130.000 MW vào năm 2030 so với mức 47.000 MW hiện nay: “Trong bối cảnh đó, một trong những ưu tiên của Việt Nam là phát triển năng lượng tái tạo để giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng điện truyền thống nhằm bảo vệ môi trường và đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng và góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam và các nước trong khu vực. Việt Nam có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào và đa dạng, có thể khai thác sản xuất năng lượng như thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, nhiên liệu sinh học... Các nghiên cứu đánh giá tiềm năng năng lượng tái tạo cho thấy, đến năm 2030, Việt Nam có khả năng phát triển khoảng 8.000 MW thủy điện nhỏ; 20.000 MW điện gió; 3.000 MW điện sinh khối; 35.000 MW điện mặt trời…”. Ông Cao Quốc Hưng cho biết.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành hàng loạt các cơ chế như biểu giá điện hỗ trợ (Feed-in-Tariff Mechanism) cho điện mặt trời, điện gió, điện sản xuất từ chất thải rắn, điện sinh khối... Chính phủ cũng ban hành các chính sách ưu đãi khác cho các nhà đầu tư như ưu tiên cung cấp tín dụng, miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, sử dụng Hợp đồng mua bán điện mẫu… Với các chính sách này, Việt Nam đang đón "làn sóng" đầu tư vào lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo. Đến cuối năm 2018, cả nước đã đưa vào vận hành phát điện 285 nhà máy thủy điện nhỏ; 8 nhà máy điện gió và 10 nhà máy điện sinh khối.

Cũng tại hội thảo, đại diện gần 30 công ty của Vương quốc Anh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và tài chính xanh tham dự và cùng chia sẻ với đối tác Việt Nam về cách tiếp cận chính sách và phát triển các khung pháp lý; kinh nghiệm về năng lượng hướng tới giảm thiểu cacbon, những biện pháp giảm chi phí và công nghệ của Vương quốc Anh trong phát triển năng lượng tái tạo…

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác