Xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho cây sâm Ngọc Linh

(VOV5) - Sáng 12/6, tại Thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, diễn ra Hội thảo “Giải pháp phát triển sâm Ngọc Linh” với sự tham dự của hơn 100 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và các hộ gia đình trồng sâm Ngọc Linh. 

Cây sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) là cây thuốc đặc hữu của Việt Nam và chỉ có ở trong các khu rừng nguyên sinh, có độ cao khoảng 2.000m của hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Sâm Ngọc Linh được các nhà khoa học được xếp vào 1 trong 5 loại sâm tốt nhất thế giới và có nhiều công dụng quý đối với  sức khỏe cộng đồng và có giá trị kinh tế cao.

Xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho cây sâm Ngọc Linh - ảnh 1 Hội thảo Giải pháp phát triển sâm Ngọc Linh

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: Tỉnh Quảng Nam đã ban hành cơ chế khuyến khích, bảo tồn và phát triển sâm núi Ngọc Linh, giai đoạn 2014 - 2020 và tổ chức quy hoạch diện tích trồng sâm dưới tán rừng trên địa bàn huyện Nam Trà My đến năm 2030, với tổng diện tích hơn 15.000ha. "Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành trung ương, xây dựng thương hiệu của Quốc gia của Sâm Ngọc Linh cũng như ban hành các quy định về vùng trồng sâm để đảm bảo giữ được giống sâm gốc. Trong các loại sâm hiện nay, Sâm Ngọc Linh, Sâm Việt Nam, được đánh giá trị kinh tế cao nhất, hàm lượng saponin tốt nhất, nhiều nhất… Chính vì vậy nếu được nghiên cứu khoa học, thực hiện bài bản thì Sâm Ngọc Linh hoàn toàn có thể cạnh tranh với các loại sâm trên thế giới."

Thời gian đến, Quảng Nam sẽ ưu tiên nhiều nguồn lực để đầu tư nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh gắn với việc chọn các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kết hợp chế biến sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, góp phần nâng cao giá trị gia tăng từ sản phẩm quý hiếm này.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác