Xuất khẩu bền vững: hướng tới giá trị gia tăng cao hơn

(VOV5) - Hiện nay cơ cấu trong các mặt hàng xuất khẩu đã thay đổi lớn, mặt hàng công nghiệp vươn lên chiếm 80% giá trị xuất khẩu.

4 tháng đầu năm, Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu trên 43 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 13% so với  cùng kỳ năm ngoái. Thời gian tới, Việt Nam đứng trước cơ hội lớn để gia tăng kim ngạch xuất khẩu khi hàng loạt các Hiệp  định  tự do hóa thương mại   dần có hiệu lực. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội do các Hiệp định này đem lại, vẫn cần những giải pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu để tăng giá trị xuất khẩu và hướng tới xuất khẩu bền vững.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

Xuất khẩu bền vững: hướng tới giá trị gia tăng cao hơn - ảnh 1

Mặt hàng công nghiệp vươn lên chiếm 80% giá trị xuất khẩu

 Những năm gần đây, Việt Nam đã dần trở thành quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn. Tuy nhiên, giá trị gia tăng nhiều ngành hàng xuất khẩu còn ở mức khiêm tốn và chưa bền vững. Nguyên nhân chủ yếu phần lớn vẫn xuất khẩu ở dạng thô hoặc sơ chế.  Mặc dù Việt Nam đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, song chưa có nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực mang lại gia trị gia tăng cao và có khả năng chi phối trên thị trường. Để thành công trên thương trường các doanh nghiệp cần có chiến lược, hướng đi nhất định trong việc tìm hiểu thị trường.  Là một trong số ít những doanh nghiệp thành công trong công tác xúc tiến thương mại tại gần 40 nước trên thế giới, ông Nguyễn Quang Phi Tín, Giám đốc kinh doanh của công ty TH True milk, chia sẻ: "Chúng tôi đang nghiên cứu và tìm hiểu thêm một số thị trường như : Lào, Myanmar, Indonesia, những thị trường gần đây để tìm kiếm thêm cơ hội để xuất khẩu và xúc tiến thương mại… Khi đã xác định đầu tư một mặt hàng nào, nhóm hàng nào thì đều phải tuân thủ  những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của quốc tế . Khi bắt đầu bán sản phẩm đó trên thị trường là phải đạt mọi tiêu chí cũng như các tiêu chuẩn của WTO cũng như của thế giới…"

Xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc khá nhiều vào thị trường thế giới, bởi vậy, khi nhu cầu thế giới sụt giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Vấn đề đặt ra là đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu trong xuất khẩu. Hiện nay cơ cấu trong các mặt hàng xuất khẩu đã thay đổi lớn, mặt hàng công nghiệp vươn lên chiếm 80% giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, hàng công nghiệp vẫn chủ yếu dưới dạng gia công, trong khi các mặt hàng nông sản còn hạn chế về khâu chế biến, nên gia trị gia tăng thấp.  Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng gặp một số vấn đề liên quan đến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu Bộ Công thương cho rằng để xuất khẩu bền vững thì việc cải thiện giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu đang được đặt ra cấp thiết. Theo đó, cần ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ; đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển thị trường: "Về phía doanh nghiệp thì công tác phát triển thị trường sẽ chủ yếu nằm ở vấn đề xúc tiến thương mại, quảng bá và xây dựng thương hiệu. Đây là vấn đề Nhà nước không thể làm thay. Doanh nghiệp sẽ phải tự tìm hiểu, tự xây dựng và có các chiến lược riêng để phát triển thương hiệu, phát triển thị trường của mình. Bên cạnh đó đẩy mạnh sự liên kết giữa các doanh nghiệp, liên kết để làm sao cả một cộng đồng của chúng ta có thể cùng lớn mạnh".

Ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng: Nhà nước cần có thêm các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các ngành công nghiệp cơ khí, sản xuất linh kiện, dệt may, da giày… nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa. Để nâng cao giá trị xuất khẩu trong nông nghiệp cần tổ chức theo chuỗi liên kết thông qua các hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, năng suất cao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, từ đó nâng cao giá trị cho hàng hóa xuất khẩu: "Vai trò của xúc tiến thương mại rất quan trọng. Với giai đoạn hiện nay, quan trọng hơn cả là biết kết nối. Kết nối với cả những nước lớn, nước mạnh, nước giỏi. Tất cả những việc ấy vì một mục tiêu nâng cao thương hiêụ và giá trị gia tăng của hàng hóa Việt, đặc biệt là hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu. Muốn như vậy thì việc cần cải thiện nhất bên cạnh nguồn lực là kết nối. Kết nối địa phương, kết nối doanh nghiệp và đặc biệt là kết nối với các đối tác ở bên ngoài".

Để đẩy mạnh xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng cũng cần sự phối hợp giữa các Bộ, ngành trong cải cách các thủ tục xuất nhập khẩu thông thoáng nhằm tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh. Đây cũng là yếu tố quan trọng, bảo đảm cho xuất khẩu của Việt Nam hướng đến phát triển ổn định và bền vững.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác