Khán giả Hà Nội đội mưa đi xem vở cải lương “Thầy Ba Đợi“

(VOV5) - Sau những đêm diễn thành công tại miền Nam, tối 27/5, vở cải lương “Thầy Ba Đợi” đã công diễn đêm đầu tiên tại Nhà hát Lớn, Hà Nội. 

Mặc dù trời mưa tầm tã, khán giả vẫn đến chật ních khán phòng để thưởng thức vở diễn đặc biệt chào mừng "Một thế kỷ sân khấu cải lương Việt Nam (1918-2018). Vở diễn được dàn dựng công phu, với sự tham gia diễn xuất của 86 nghệ sĩ tài danh của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, đến từ Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang...

 ““Thầy Ba Đợi” có thể nói là một vở cải lương mang đến công chúng tiếng nói từ trái tim của những người dân Việt luôn thấm đẫm tinh thần yêu nước, luôn có ý thức gìn giữ những di sản văn hóa quý báu của ông cha, thông qua hình ảnh một “Thầy đờn”, nhạc sư, nhạc quan triều Nguyễn tên Nguyễn Quang Đại - “Thầy Ba Đợi” cùng với những bể dâu của giang sơn Việt khi triều Nguyễn buông xuôi quy hàng thực dân Pháp dâng lục tỉnh Nam Kỳ…” – Nhà văn Hoài Hương nhận xét.

Vở cải lương “Thầy Ba Đợi” là một đề tài ấp ủ lâu năm, một trăn trở khôn nguôi về việc “uống nước nhớ nguồn”, vinh danh nhân tài nghệ thuật dân tộc, nhằm bảo tồn phát triền nghệ thuật cải lương Việt Nam, mà PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ (Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương) như rút ruột, mang tâm huyết để viết thành kịch bản văn học.

Như một đồng điệu, soạn giả Hoàng Song Việt và Phạm Văn Đằng đã chuyển thể kịch bản cải lương, hai đạo diễn xuất sắc NSƯT Triệu Trung Kiên và nghệ sĩ Lê Trung Thảo thực hiện, dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của NSND Trần Ngọc Giàu. Một vở cải lương tuyệt vời với sự diễn xuất nhập tâm đầy tâm huyết của các nghệ sĩ đã mang đến những tràng vỗ tay tán thưởng từ khán giả mỗi khi những giọng ca đẹp dứt tiếng ngân.

Khán giả Hà Nội đội mưa đi xem vở cải lương “Thầy Ba Đợi“ - ảnh 1Một cảnh trong vở cải lương "Thầy Ba Đợi". 

 

Có lẽ chưa khi nào có một vở cải lương được hòa giọng của nghệ sĩ Ba miền Bắc - Trung - Nam “nhuyễn” như trong “Thầy Ba Đợi”. Mỗi nhân vật đều có “giọng” riêng theo đúng “gốc” của mình, thậm chí nhân vật Thầy Ba Đợi gồm 4 nghệ sĩ vào vai qua 4 thời kỳ cũng có “giọng” rất hợp với hoàn cảnh, bối cảnh thời gian.

Một trong những điều gây ấn tượng của vở diễn là phần âm nhạc, trong đó nổi bật là bài hát chủ đề được nhạc sĩ Trọng Đài khéo léo phổ nhạc rất hay từ bài thơ Gập ghềnh ngũ cung của PSG.TS Nguyễn Thế Kỷ. Giọng hát của NSƯT Mai Hoa vừa hiện đại vừa da diết trên nền nhạc cải lương đã làm cho bài hát trở nên đầy cảm xúc trong lòng khán giả: “Câu dân ca hoa xoan tím ngõ/Những màn xướng hương khói ẩn hiện chốn cung đình vọng tiếng nhạc ngân Đinh – Lý – Trần – Lê – Nguyễn những say mê/ Điệu ngũ cung máu nhuộm trời chiều/ Đường thiên lý hoa tàn trăng khuyết/ Nước non ngàn dặm ra đi/ Đất phương Nam biển rộng sông dài/Triệu triệu phù sa châu thổ bồi đắp/Những đêm trăng câu ca lay động/Trương Định, Đốc binh Kiều ngạo nghễ/Kinh hồn nghịch tặc, máu đỏ tướng quân/Chấn hưng văn hiến, vun nhạc lễ/Hồn cốt cha ông mãi lưu truyền”.

Buổi công diễn thứ hai vở cải lương "Thầy Ba Đợi" tại Hà Nội diễn ra vào tối nay (28/5), cũng tại Nhà hát Lớn./.

Phản hồi

Các tin/bài khác