Ngàn năm mây trắng: Rưng rưng về cội nguồn văn hóa dân tộc

(VOV5) - Khi ánh đèn sân khấu bừng lên, lời ru ngọt ngào, đằm thắm, trong trẻo, da diết, day dứt của nàng Tô Thị ru con làm nước mắt tôi tự nhiên trào ra...

Không biết bao nhiêu năm tôi không đến Nhà hát chèo Việt Nam tọa lạc trên phố Kim Mã và chắc cũng bấy nhiêu năm tôi không nghe chèo và những loại hình nghệ thuật truyền thống (tuồng, chèo, cải lương, xẩm...). Tôi cũng không nghĩ chèo vẫn được diễn ở Hà Nội. Vậy nên khi lướt Facebook, thấy chị bạn nói về vở diễn "Ngàn năm mây trắng" được diễn ở Nhà hát chèo Việt Nam vào chiều tối 11/8, tôi hỏi luôn chị thông tin về lịch diễn. Nhận lời mời của chị, tôi không ngần ngại hủy mọi công việc theo lịch và có mặt ở nhà Hát chèo Việt Nam đúng giờ hẹn.

Ngàn năm mây trắng: Rưng rưng về cội nguồn văn hóa dân tộc - ảnh 1

Khi ánh đèn sân khấu bừng lên, lời ru ngọt ngào, đằm thắm, trong trẻo, da diết, day dứt của nàng Tô Thị ru con làm nước mắt tôi tự nhiên trào ra. Bao năm không nghe câu hát ru, dù chỉ là lời ru đã được sân khấu hóa, những lời hát ru da diết của người nghệ sĩ mở đầu vở diễn thực sự làm tôi xúc động trào nước mắt. Chị hát hay quá, lời hát ru con ngọt ngào thấm vào lòng người rưng rưng.

Ngàn năm mây trắng: Rưng rưng về cội nguồn văn hóa dân tộc - ảnh 2

Nàng Tô Thị đẹp! vẻ đẹp bừng sáng trên khuôn mặt, trong ánh mắt, trong trang phục rất nền nã của người phụ nữ Việt Nam. Hóa trang sân khấu đẹp quá! Và giọng hát đẹp cuốn hút người xem ngay khi vở diễn vừa mới bắt đầu.

Nàng Tô Thị bế con vượt suối sâu, đèo cao đi tìm chồng. Đi đến đâu nàng cũng tha thiết hỏi xem có ai biết Trần Khôi, chồng mình ở đâu không? Mỗi câu trả lời là một câu chuyện được diễn tả bằng một loại hình nghệ thuật khác nhau: Cải lương, chèo, xẩm, hát văn Huế. Cách bố cục đơn giản nhưng nhờ đó tác giả có thể đưa vào đồng thời trong cùng một vở diễn nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đã ít nhiều bị phôi pha theo năm tháng và dường như đôi lúc bị lãng quên. Điều đặc biệt là các nghệ sĩ đều có giọng hát tuyệt vời: từ ca cải lương, đến hát chèo, hát xẩm và hát văn Huế. Khán giả như chìm đắm vào từng câu hát với ca từ đẹp, tinh tế, sắc sảo và vẻ đẹp của nghệ thuật truyền thống được lột tả trong vở diễn làm xúc động khán giả.

Ngàn năm mây trắng: Rưng rưng về cội nguồn văn hóa dân tộc - ảnh 3
Ngàn năm mây trắng: Rưng rưng về cội nguồn văn hóa dân tộc - ảnh 4
Ngàn năm mây trắng: Rưng rưng về cội nguồn văn hóa dân tộc - ảnh 5
Ngàn năm mây trắng: Rưng rưng về cội nguồn văn hóa dân tộc - ảnh 6

Khán giả cũng mãn nhãn với dàn diễn viên của 3 nhà hát: Nhà hát Cải lương Trung ương, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhiều bạn còn rất trẻ, diễn duyên, thần thái tuyệt vời, biểu cảm trên khuôn mặt đạt tới trình độ của người làm nghệ thuật lâu năm, có nghề, chạm được đến trái tim khán giả. 

Công nghệ được sử dụng khá nhuyễn trong vở diễn khiến tôi đắm chìm trong những không gian được tạo ra bằng màn hình 3D. Đẹp, huyền ảo, lung linh và truyền tải được xúc cảm tới người xem.

Nhưng điều thực sự gây ấn tượng với tôi là nội dung tác phẩm.

Hưởng ứng Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ IV, Hà Nội - 2019 do Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng và đăng kí tham dự Liên hoan với vở Kịch hát "Ngàn năm mây trắng". Vở kịch hát này đồng thời là công trình kỷ niệm 74 năm thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam và 70 năm thành lập Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ viết vở Kịch thơ này từ đề tài và cảm hứng lấy từ các câu chuyện cổ tích, các truyền thuyết về Hòn Vọng Phu, về Nàng Tô Thị.

Mô típ truyền thống về một nàng Tô Thị hóa đá chờ chồng đã quá quen thuộc trong dân gian Việt Nam. Vẫn là nàng Tô Thị ấy, nhưng không bị động như trong truyền thuyết. Với niềm tin sắt đá rằng chồng mình vẫn còn đâu đó trong cõi nhân gian, rằng chồng mình chưa thể chết, nàng bồng con vượt núi cao, rừng sâu quyết đi tìm chồng. Cho đến khi vô vọng, nàng mới hóa đá. Dù chưa thể tạo ra một sự đột phá nhưng kịch bản đầy tính sáng tạo đã hé mở một hướng đi mới trong việc khai thác các đề tài từ kho huyền thoại phong phú trong kho tàng cổ tích dân gian Việt Nam. Và chính sự sáng tạo câu chuyện về nàng Tô Thị bế con đi tìm chồng đã là khởi đầu cho một bố cục cho phép tác giả kịch bản có thể lồng vào trong cùng một vở diễn nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc đến như vậy.

Một chi tiết khác cũng gây ấn tượng là việc công chúa tha thiết xin vua cha cho cưới người mình yêu thương. Văn hóa phương Đông với truyền thống lâu đời “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, cha mẹ đi tìm chồng cho con, vua cha kén phò mã cho công chúa đã trở thành một mặc định. Việc một công chúa cành vàng lá ngọc, liễu yếu đào tơ bất chấp sự khác biệt về dân tộc, về đẳng cấp cầu xin vua cha cho cưới người mình yêu là một điều thực sự gây bất ngờ và tạo nên sự thú vị cho vở diễn.

Vở diễn là một câu chuyện dài về nàng Tô Thị bế con đi tìm chồng với nhiều câu chuyện nhỏ. Mỗi câu chuyện nhỏ là một thông điệp khá rõ ràng, mạnh mẽ mà cá nhân tôi cảm nhận.

Câu chuyện đầu tiên, thông điệp mạnh mẽ đầy ấn tượng mà tôi cảm nhận: Không nghe lời “Thiên triều”, tất yếu sẽ chết. Sự khảng khái của “Trần Khôi” đã giết chết anh. Giữ gìn nghĩa phu thê, tình chung thủy vợ chồng, thẳng thắn chối từ mệnh lệnh của nhà vua muốn anh trở thành phò mã, anh đã bị giết chết. “Tên man di mọi rợ” đã bị lính nhà vua giết chết vì đã dám trái lời của một siêu quyền lực.

Câu chuyện thứ 2, thông điệp tôi nhận được là: nếu như biết vâng lời “Thiên triều”, một tương lai no đủ, giàu sang sẽ mở ra trước mắt. Tương lai thực sự chưa biết sẽ ra sao, nhưng lời hứa hẹn đầy mời gọi. Và chi phí cơ hội cho một tương lai với tiền tài đầy túi, nhung lụa giàu sang là sự chà đạp lên những giá trị văn hóa muôn đời của Người Việt. Tình nghĩa trở nên phù phiếm, rẻ mạt, nghĩa vợ tình chồng, sự thủy chung không còn chút giá trị nào. Những giá trị văn hóa tốt đẹp sẽ biến mất khi chạy theo lời hứa hẹn của Thiên triều về một tương lai đầy mơ hồ, mù mịt. Anh lái buôn Tàu là một điểm nhấn ấn tượng cho vở diễn. Diễn viên diễn xuất thật sự xuất sắc, hấp dẫn, lôi cuốn.

Câu chuyện thứ 3, một thông điệp truyền thống: "Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm ai đo cho cùng". Ai ngờ nổi kẻ thù ở ngay bên cạnh, người mà nàng Tô Thị tin cậy và đồng hành cùng nàng suốt dặm dài gian khó đi tìm chồng lại chính là người đã giết chết chồng nàng với dã tâm cướp người vợ yêu của anh. Tuy nhiên, điều làm ta thực sự bất ngờ không chỉ là tình tiết Trương Lỗ chính là kẻ đã giết chết Trần Khôi mà là cách thức tìm ra thủ phạm: Nhờ vào Đức Phật, đấng tối cao có thể nhìn thấu chúng sinh, nhìn thấu nhân gian. Khi còn phải nương tựa vào những đấng tối cao để tìm ra chân lý, đời sống chúng sinh về mọi mặt thực sự đáng buồn.

Vở diễn là sự kết hợp của cả một ê kip lớn với nhiệt huyết, tài năng, công sức, trái tim, mồ hôi, nước mắt của biết bao người. Tôi ước giá như ông Thầy múa chèo dẻo hơn, xuất thần hơn (dù Thầy diễn xuất, biểu cảm khuôn mặt rất tuyệt) thì chắc nghệ thuật chèo sẽ được lột tả tinh tế hơn trong vở diễn. Xẩm đằm hơn chút, ma mị hơn chút thì chất lượng vở diễn sẽ được nâng lên. Còn lại nghệ thuật cải lương, hát văn Huế được thể hiện quá tuyệt vời, không chê vào đâu được.

Đoạn kết nàng Tô Thị hoá đá, nếu như được đầu tư kỹ lưỡng hơn, kéo dài khoảng vài phút với sự hỗ trợ, kết hợp của âm thanh, ánh sáng sẽ tạo ra một điểm nhấn ấn tượng cho vở diễn.

Phải nói thêm, dàn nhạc dân tộc, những nghệ sĩ thầm lặng giấu mặt đã góp phần không nhỏ cho thành công của vở diễn. Âm thanh, ánh sáng, diễn xuất, lời ca, trang trí sân khấu,... Tất cả hoà quyện trong một tổng thể hài hoà đã làm nên một vở diễn đáng giá về nhiều mặt.

"Ngàn năm mây trắng" vẫn bay. Tên vở diễn bất chợt làm tôi gợi nhớ đến một tác phẩm khá nổi tiếng của thiền sư Thích Nhất Hạnh “Đường xưa mây trắng”. Một chút phiêu diêu, một chút bồng bềnh trong đêm tháng Tám, khi mùa thu đang ở đâu đây thật gần. Đời có gì tuyệt hơn!

Khép lại một tuần đầy ắp trải nghiệm không thể thi vị hơn!

Ngàn năm mây trắng: Rưng rưng về cội nguồn văn hóa dân tộc - ảnh 7

Kịch thơ "Ngàn năm mây trắng" là một thể loại khá sở trường của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ (4 vở kịch thơ trong số 7 vở kịch nói, kịch hát đã dàn dựng và công diễn của ông, bao gồm Chuyện tình Khau Vai, Mai Hắc Đế, Thầy Ba Đợi, Ngàn năm mây trắng), tình huống kịch, số phận các nhân vật dựa chủ yếu vào bài thơ nêu trên. 
Ba nhân vật chính của vở kịch thơ là Tô Thị (người vợ), Trần Khôi (người chồng), Trương Lỗ (kết nghĩa huynh đệ với Trần Khôi, cuối cùng lộ rõ là kẻ thủ ác). Các nhân vật của tác phẩm được thể hiện số phận, tính cách một cách rõ nét thông qua tài năng, năng khiếu nghệ thuật của các diễn viên thể hiện qua các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát Chèo, Cải Lương, hát Xẩm, hát văn Huế.

Cũng vì điều này, vở diễn có cùng lúc hai đạo diễn đó là Đạo diễn - NSƯT Thanh Ngoan phụ trách phần chèo, xẩm, hát văn Huế; Đạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên phụ trách phần cải lương. Người xem sẽ thú vị và ngạc nhiên khi các ca sỹ (hát truyền thống và hát nhạc mới) của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam hóa thân trên sân khấu với những đòi hỏi khắt khe của Kịch hát, Kịch nói, Múa.

Vì vậy, có thể nói "Ngàn năm mây trắng" vừa là vở Kịch thơ, Kịch hát tham gia Liên hoan quốc tế Sân khấu Thử nghiệm, vừa là sự thử nghiệm có tính “lột xác” của chính các nghệ sỹ và của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam.
Khi xem "Ngàn năm mây trắng" người xem trong nước và Quốc tế sẽ có trải nghiệm thú vị khi cùng lúc được thưởng thức nhiều loại hình âm nhạc và nghệ thuật truyền thống của Việt Nam...

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác