Nguyễn Quang Thạch, người đi "ăn mày" sách

(VOV5) - Tự nhận mình là kẻ đi ăn mày sách, anh Nguyễn Quang Thạch đang cố gắng thực hiện dự án “Sách hóa nông thôn” nhằm gây dựng văn hóa đọc tại những vùng quê nghèo của Việt Nam. Anh Thạch kỳ vọng 7 năm nữa sẽ có thêm 200.000 tủ sách lớp học, 70.000 tủ sách dòng họ và 7000 tủ sách giáo xứ đến với các miền quê Việt Nam.  

Nguyễn Quang Thạch, người đi
Anh Nguyễn Quang Thạch - người miệt mài đem sách về nông thôn

“Tôi sống một cuộc sống thanh đạm. Tôi không uống rượu, không hút thuốc. Thỉnh thoảng ngồi cà phê với những người tham vấn tủ sách và tôi cũng xin trả tiền nước. Ăn cơm bụi.Tôi thuê nhà ở Hà Nội, còn chủ yếu sống nhờ nhà người bạn ở nông thôn”. Những chia sẻ của anh Thạch về cuộc sống khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Anh không màng tới những nhu cầu danh vọng, vật chất. Khát vọng, lý tưởng sống của anh đều dồn vào dự án “Sách hóa nông thôn”.

Anh Thạch nhớ lại: “Năm 22 tuổi tôi  nghiên cứu thiết kế các mô hình thư viện. Sau 10 năm tôi áp dụng vào thực địa. Năm 2007 khai hoá tủ sách dòng họ. 2010 làm tủ sách phụ huynh. Năm 2012 khởi động tủ sách giáo sứ. Vì mục tiêu của tôi là tạo ra một hệ thống thư viện do dân tự cấp, tự quản và tự phục vụ. Cho đến nay, tôi đã làm được 1.100 tủ nối kết và thúc đẩy mọi nguồn lực xã hội để có từng đó tủ sách ra đời”.

Sinh ra trên mảnh đất nghèo khó Hương Sơn, Hà Tĩnh, bố mẹ là những nhà giáo nghèo nhưng anh may mắn được đọc sách từ khi còn rất nhỏ. 18 tuổi anh tích lũy cho mình trên 800 đầu sách. Với anh, tình thương, sự rung cảm bắt đầu từ những cuốn sách và anh quyết tâm trở thành nhà cách mạng thư viện. Anh chia sẻ: “Có một điều khi chúng ta xác định mình là ai trong cuộc đời, mình có mục tiêu trong cuộc đời thì người ta sẽ kiên định theo đuổi mục tiêu đó. Mà mục tiêu sách hóa nông thôn, mục tiêu nâng cao dân trí là mục tiêu tạo ra sự bền vững cho đất nước, tạo ra những cú hích cho sự thay đổi cho đất nước trong tương lai. Đó là nguồn cảm hứng vô tận cho cá nhân tôi và cho nhiều người khác trên đất nước này để làm cho đất nước mình ngày thêm giàu mạnh”.

Anh Thạch làm việc này một phần là lý tưởng cá nhân, nhưng cũng là để thực hiện di nguyện của tổ tiên. “Ông nội tôi và những người anh em, trước cách mạng đã bỏ tiền ra, bán ruộng đất xây dựng trường cho dân học. Đó cũng là thông điệp để con cháu tiếp tục công việc này. Thứ hai là bố tôi là người kiên trì dạy toán 20 năm nay rồi. Bố làm thế tại sao con không làm được - cho nên tôi đeo đuổi chuyện này và chưa bao giờ nghĩ là từ bỏ nó” – anh Thạch tâm sự.

Cuộc sống nghèo khó nên anh biết nhiều người ở nông thôn không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận với sách. Nhất là những gia đình nghèo, cái ăn còn chưa đủ thì mấy ai còn quan tâm đến sách vở. Những suy nghĩ như vậy thôi thúc anh thành lập tủ sách cho các làng quê. Nhưng làm cách nào để đưa sách về quê là bài toán khó với anh lúc bấy giờ. Anh dùng tiền tiết kiệm rong ruổi khắp các làng quê. Lời giải anh tìm thấy lại xuất phát từ nghĩa địa. Anh Thạch kể, trong một lần ngắm nghĩa địa, anh phát hiện ra việc quy tập mộ chí theo dòng họ luôn được chú trọng. Và cũng từ đó anh quyết định đầu tư cho các dòng họ, nơi mà anh tin rằng sách của mình mang tới sẽ có hiệu quả cao: “Thúc đẩy các nguồn lực từ những người xa quê để đưa sách về gia đình, lớp học, ngôi chùa, ngôi làng của mình. Thông thường con người ta có rất nhiều lý tưởng nhưng để hiện thực hóa câu chuyện dài về sự kiên trì, kiên nhẫn, tôi đã bắt đầu làm tủ sách dòng họ bằng nguồn tiền riêng của mình, sau đó làm được 11 tủ có sự ủng hộ của xã hội, Nhờ đó tôi có cảm hứng hơn tiếp tục triển khai tủ sách phụ huynh, tủ sách giáo xứ”.

Điều anh Thạch muốn là việc làm của anh tạo sự thúc đẩy cho cả xã hội cùng làm. Anh chỉ là người xây dựng bộ khung. Từ bộ khung đó, đến nay ở Thái Bình có những người nông dân viết ra kịch bản khuyến học diễn ra ở nhà trường, có những học sinh hàng tuần đứng lên giới thiệu cuốn sách mình đã đọc, đó là sáng tạo của người dân.  

Hình ảnh những em nhỏ lao vào đọc sách, những cụ già ngồi lặng lẽ dưới gốc cây chăm chú càng thúc đẩy anh làm việc hăng say. Anh vui vì mình đã phá bỏ được những suy nghĩ lạc hậu không coi trọng về việc đọc sách và ngày càng có nhiều người đồng hành cùng anh. “Giờ có những người bỏ ra 50 triệu làm cho quê mình hàng chục tủ sách. Có người bỏ ra 30 triệu để làm tủ sách dòng họ. Có anh Bùi Thế Dũng ở Kiến Xương Thái Bình đưa ra 30 triệu để làm 30 tủ sách lớp học cho quê. Anh Bùi Danh Huế ở xã Vũ Hà huyện Kiến Xương về khởi động 10 tủ sách trong lớp học cho quê của mình” – anh Thạch cho biết.

Việc làm của anh đã chạm tới trái tim của rất nhiều người. Trước đây nhiều người thân, bạn bè nói anh là hâm, dở thì nay lại bắt tay, bỏ tiền giúp anh xây dựng tủ sách. Anh đi tới các nhà xuất bản tìm kiếm sự hỗ trợ. Vì thế con đường anh đi giờ không đơn đọc, có bạn bè, người thân và đặc biệt có các nhà xuất bản sách. Chị Trần Phương Thảo, phó giám đốc công ty sách Thái Hà, cho biết: “Tủ sách nông thôn khá thành công, anh Thạch có cụm từ rất hay - anh không dùng “từ thiện” mà là “trách nhiệm xã hội”. Cụm từ đó rất đúng. Chương trình rất thành công. Anh Thạch là con người tâm huyết, hy sinh nhiều thứ để làm chương trình dài hơi. Anh còn có dự định đi vòng quanh thế giới để kêu gọi Việt Kiều làm sách hóa nông thôn. Thực sự anh Thạch là người tâm huyết”.

Để hoàn thành giấc mơ, trong những năm tới, anh thực hiện chuyến đi xe máy giới thiệu tủ sách lớp học, tủ sách phụ huynh cho rất cả các sở giáo dục. Anh tham vọng thực hiện chuyến đạp xe vòng quanh thế giới “Vì sách cho nông thôn VN”.Anh mong muốn mọi người VN trong và ngoài nước đều có trách nhiệm bằng việc xây dựng hệ thống thư viện sánh với Nhật Bản, Singapore, Mỹ và người dân Việt Nam có đủ năng lực làm điều đó vì cộng đồng./.


Phản hồi

Các tin/bài khác