Bác sĩ gốc Việt được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Parkinson quốc tế

(VOV5)-  Trung tuần tháng 12/2015, bác sĩ Daniel Trương (người Việt ở Mỹ), chuyên gia thần kinh học nổi tiếng đã được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Parkinson quốc tế và những bệnh liên quan (IAPRD).

Bác sĩ gốc Việt được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Parkinson quốc tế  - ảnh 1
Bác sĩ Daniel Trương được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Parkinson quốc tế IAPRD


Nghe âm thanh tại đây:

Là một chuyên gia nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực điều trị các rối loạn vận động, bác sĩ Daniel Trương đã viết bảy cuốn sách và đã được xuất bản tại hơn 140 tạp chí y khoa trên toàn thế giới; cũng như liên tục tổ chức các hội nghị thần kinh học quốc tế tại các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển để trao đổi những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực này. Mới đây, ông vừa được đại học y khoa Kazakh tại thành phố Almaty, Kazakhstan, trao bằng giáo sư danh dự.

Bác sĩ Daniel Trương cho biết: "Tôi đã tổ chức những hội nghị thần kinh học quốc tế tại các quốc gia đang phát triển trong những năm gần đây, trên 10 nước. Đó là những bài học mà tôi học từ những chương trình tại Việt Nam. Trước đó, chúng tôi thường mang bác sĩ của các quốc gia đến Mỹ hoặc những nơi khác huấn luyện, nhưng sau đó chúng tôi thấy làm những điều này không lợi – Thí dụ chúng tôi lấy một người Anh qua Mỹ huấn luyện thay vì quẹo trái thì học quẹo phải, và ở bên Mỹ họ quẹo phải nhưng khi về Anh họ tiếp tục quẹo trái lại vì đa số những người khác quẹo trái. Tức là họ về họ tiếp tục làm những chuyện như cũ mà không thay đổi. Còn nếu chúng tôi mang rất nhiều (chuyên gia) đến một nước nào đó tổ chức một khóa huấn luyện nhiều người, thì khi trở về trong đa số những người quay ra sẽ quay phải, như thế có thể thay đổi được cách làm việc một cách hiệu quả hơn."


Hiệp hội Parkinson quốc tế và những bệnh liên quan IAPRD là một hiệp hội thiện nguyện quốc tế dành cho những chuyên gia thần kinh về bệnh parkinson và rối loạn vận động. Hơn 50 năm trước, Hiệp hội được thành lập bởi Liên đoàn Thần kinh học thế giới, nhưng hiện nay đây là một hiệp hội hoạt động độc lập của các bác sĩ, các nhà khoa học và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác – liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu, điều trị về rối loạn thoái hóa thần kinh (như bệnh Parkinson, rối loạn vận động và nói chung bất kỳ rối loạn thần kinh nào ảnh hưởng đến trương lực)


Hội có 3000 thành viên, trong đó có 150 thành viên toàn phần (là những người có quyền ứng cử hoặc bầu cử). Muốn là thành viên toàn phần phải được 5 thành viên toàn phần khác đề cử và được hội đồng những hội viên toàn phần chấp nhận tại Đại hội đồng mỗi năm. Vị trí Chủ tịch của Hiệp hội được bầu 4 năm một lần; và vị chủ tịch có thể tái ứng cử một lần.

Bác sĩ gốc Việt được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Parkinson quốc tế  - ảnh 2
Bàn giao búa chủ tọa từ cựu Chủ tịch cho Chủ tịch mới của Hiệp hội.


Trong kỳ họp lần này, hai thành viên được đề cử là bác sĩ Daniel Trương (khi đó là Chủ tịch Ủy ban Giáo dục của Hiệp hội) và Giáo sư Heinz Reichman (trưởng khoa trường Đại học Dressden, Đức, cựu Chủ tịch Hội thần kinh Đức và cũng từng là Chủ tịch Hội thần kinh Châu Âu). Bác sĩ Daniel Trương đã trúng cử với số phiếu vượt trội. Việc ông trúng cử thể hiện sự tin tưởng đối với những chương trình huấn luyện về ngành này ở nhiều nước trên thế giới mà ông đã làm trong 8 năm qua.

Bác sĩ gốc Việt được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Parkinson quốc tế  - ảnh 3


Cứ hai năm, một Hội nghị thế giới về bệnh Parkinson và các rối loạn liên quan được tổ chức, trong đó đánh giá tiến độ và xác định các lĩnh vực đầy hứa hẹn cho các nghiên cứu trong ngành này. Hội nghị gần đây nhất được tổ chức tại Milan, Italia vào 5- 9/12/2015.


IAPRD cũng sẽ tổ chức Hội nghị thần kinh học thế giới tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2017 (chương trình này được lựa chọn cùng bảng bầu cử từ năm 2014). Cơ quan phụ trách tổ chức là một hãng chuyên tổ chức hội nghị Organizzazione Internazionale Congressi (OIC) đảm trách. Ban tổ chức tại Việt Nam sẽ có sự cộng tác của các giáo sư trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Chương trình hội nghị sẽ do một tiểu ban quốc tế đề nghị với sự tham dự của các giáo sư nổi tiếng từ những đại học Y lớn trên thế giới. Theo  ban tổ chức hội nghị, tất cả những bác sĩ thần kinh học hay nhà khoa học nghiên cứu chuyên ngành này đều có thể tham dự hội nghị.

Trả lời phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, bác sĩ Daniel Trương cho biết: "Hội nghị tại Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 12 - 15/11/2017. Những vấn đề chính trong hội nghị 2017 sẽ tiếp tục những tiến triển của việc nghiên cứu về bệnh parkinson. Nhưng khi đến các quốc gia chúng tôi cũng có những chương trình đặc biệt cho những quốc gia đang phát triển về vấn đề chữa trị bệnh parkinson ở những nơi này sẽ ra sao, và sẽ giúp họ để tiếp thu những thông tin mới. Cái này không chỉ có mục đích là để giúp đỡ Việt Nam, mà những việc chúng tôi đã làm ở Việt Nam và những việc Việt Nam đã làm với chúng tôi sẽ trở thành những mô hình mà những nơi khác có thể tiếp nhận được và có thể dùng nó để cải tiến thêm."


IAPRD không chỉ phát triển các hoạt động giáo dục như các hội thảo và hội nghị (bao gồm cả các Hội nghị Thế Giới về bệnh Parkinson và rối loạn liên quan), mà còn thúc đẩy ra mắt các ấn phẩm, tạp chí, sách giáo khoa về lĩnh vực này, cung cấp miễn phí cho các thành viên IAPRD thông qua NXB Đại học Free Press – Amsterdam. Bác sĩ Daniel Trương rất hy vọng các hội nghị thần kinh học quốc tế được tổ chức ở Việt Nam sẽ giúp ích nhiều hơn cho các bác sĩ chuyên ngành này ở trong nước, từ các hoạt động hội thảo đến các ấn phẩm chuyên ngành.

Phản hồi

Các tin/bài khác