Bữa cơm sum vầy ở nơi tuyết trắng

(VOV5) - Tuyết hôm nay rơi dày nhất trong chuỗi ngày lạnh vừa qua. Ngoài trời nhiệt độ -8 độ C, nhưng trong căn phòng nhỏ xinh của nhà chị Nguyễn Thị Tuyết Lan ở thành phố Ansan, quận Sangnokgu, Hàn Quốc rộn vang tiếng cười và ấm tình người của những người phụ nữ xa xứ. Họ những người phụ nữ xinh đẹp sinh ra ở nhiều vùng quê khác nhau ở các tỉnh như Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Nai nhưng lại gặp gỡ và cùng sinh sống nơi xứ người vì thế Tết là dịp họ được gặp gỡ, cười đùa và cùng nhau trổ tài những món ăn mang đặc trưng quê nhà. 


Bữa cơm sum vầy ở nơi tuyết trắng - ảnh 1
 Đầm ấm bữa cơm cuối năm ở xứ sở Kim Chi

Trong phòng khách nhỏ, dù nhà có trẻ con nhưng mọi vật dụng đều được sắp xếp ngăn nắp. Trên chiếc bàn đặt nơi góc nhà đặt cây mai vàng, là loài hoa biểu tượng cho ngày Tết Việt. Cây mai phù hợp với khí hậu miền trung và miền nam. Hoa mai vàng có 5 cánh tượng trưng cho năm thần cát tường là Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh. Màu vàng của hoa mai tượng trưng cho sự vinh hiển cao sang... Mà nhóm các chị em quây quần ở khu vực thành phố Ansan đều là người sinh ra và lớn lên ở phía Nam vì vậy dù không có cây mai thật, họ cũng phải sắm sanh từ Việt Nam ít mai nhựa để trang trí cho căn phòng thêm ấm áp trong mấy ngày Tết cổ truyền.


Bữa cơm sum vầy ở nơi tuyết trắng - ảnh 2
Những đứa trẻ mang hai dòng máu Việt – Hàn cùng mẹ háo hức trang trí cây mai đón Tết


Bữa cơm sum vầy ở nơi tuyết trắng - ảnh 3
Những nét văn hóa truyền thống luôn được người lớn truyền cảm hứng cho con trẻ. Khi được giới thiệu áo dài là trang phục truyền thống của người Việt Nam và thường được mặc vào các dịp lễ Tết, bọn trẻ đứa nào cũng thích thú. 

Nhóm bạn của Tuyết Lan làm dâu xứ Hàn người ít cũng được 5 năm, người nhiều cũng 9 đến 10 năm. Cuộc sống của họ cũng giống như bao người phụ nữ khác ở đây là chăm lo chồng con, chu toàn với gia đình nhà chồng và thu vén gia đình. Ngoài thời gian dành cho gia đình, họ tham gia các câu lạc bộ văn hóa, dạy tiếng Việt cho những người mới sang. Ai cũng trải qua thời gian đầu gian khó, chính vì điều đó các chị càng đùm bọc và thương yêu nhau hơn. 


Bữa cơm sum vầy ở nơi tuyết trắng - ảnh 4
Bữa cơm cũng đủ các món ăn đặc trưng các vùng miền trong ngày Tết như giò, bánh chưng, nem cuốn…được các chị chuẩn bị công phu. 


Bữa cơm sum vầy ở nơi tuyết trắng - ảnh 5
Những người con xa quê mong muốn ở nơi quê nhà, có bố mẹ, anh chị em hãy yên tâm. Ở đây dù không đón Tết giống Việt Nam nhưng những tình cảm chân quý của mọi người cũng khiến họ ấm lòng. 


Bữa cơm sum vầy ở nơi tuyết trắng - ảnh 6


Tuyết Lan, cô gái người Cần Thơ, có khuôn mặt bầu bĩnh, nụ cười tươi rói, bảo rằng ngày đầu sang đây ai cũng bỡ ngỡ và gặp nhiều khó khăn do chưa biết nhiều tiếng, nếp sinh hoạt trong gia đình nhà chồng cũng có đôi phần khác người Việt khiến cho họ thấy bối rối. Phải mất hai năm đầu làm quen, giờ thì họ đã được cả gia đình nhà chồng và người chồng hết mực thương yêu và quý mến. Họ quý cô con dâu người Việt chăm chỉ nết na. 


Bữa cơm sum vầy ở nơi tuyết trắng - ảnh 7
Bữa cơm sum vầy cuối năm rôm rả hơn khi các các ca khúc về quê hương đất nước được cất lên trong căn phòng nhỏ. Tuyết Lan, cô gái người Cần Thơ đang say sưa thể hiện bài hát yêu thích. 

Trong số mấy chị em có chị Phạm Thị Bích Liễu là người có nhiều kinh nghiệm nhất. Khi sang bất đồng ngôn ngữ chị Liễu nghĩ mình phải quyết tâm học bằng được tiếng Hàn để sau này còn đi thông dịch, tham gia vào các trung tâm văn hóa giúp đỡ cộng đồng người Việt. Nghĩ là làm, không ngại khó, chị Liễu dành hết thời gian rảnh để học hành tuy nhiên chị vẫn làm tròn bổn phận của người con dâu trong gia đình. Đến giờ mọi ước mong của chị cũng đã thực hiện được. Chị Liễu tâm sự khi đã chấp nhận xa gia đình người than, xa Tổ Quốc thì mình không nên để phí thời gian mà hãy sống và hòa nhập thật tốt để không trở nên đơn độc trong chính gia đình nhà chồng của mình. 


Bữa cơm sum vầy ở nơi tuyết trắng - ảnh 8
Trong vòng tay ông

Mấy chị em đều trải qua những gian khó giống nhau nhưng bù lại giờ thực sự thấy hạnh phúc trong tổ ấm nơi xứ sở Kim Chi, bên người chồng người Hàn và những đứa con mang hai dòng máu. Hạnh phúc thật đấy nhưng họ đôi lúc vẫn chạnh lòng và giấu đi đôi mắt đỏ hoe khi biết ở quê nhà bố mẹ, anh chị em đang sắm sanh đón Tết và mong các chị về thăm. 

Bữa cơm sum vầy ở nơi tuyết trắng - ảnh 9
Phía trước tòa nhà của gia đình Tuyết Lan sinh sống 

Với người Việt, Tết là sự trở về cội nguồn, về với cha mẹ, người thân. Chỉ có nơi đó họ mới tìm thấy được những giá trị của cuộc sống của chính bản thân. Vì vậy, dù ở đâu, làm gì thì ngày Tết ai cũng mong về với gia đình. Càng trưởng thành càng hiểu được ngọn nguồn của những giá trị đó nên những người phụ nữ xa quê như Tuyết Lan, hay Bích Liễu đều cảm thấy cái buồn man mác bủa vây. Và họ tìm đến nhau để cùng tìm lại hương vị của quê nhà. Những món ăn thân thuộc như nem cuốn, thịt kho tàu, bún trộn và càng không thể thiếu bánh chưng xanh và giò lụa. 


Bữa cơm sum vầy ở nơi tuyết trắng - ảnh 10
Món cuốn là món ăn không thể thiếu trong các ngày lễ của người miền Nam. 


Bữa cơm sum vầy ở nơi tuyết trắng - ảnh 11
Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, quê ở Vĩnh Long, trổ tài làm thịt kho tàu, một món ăn đặc trưng ngày Tết của người miền Nam.

Trong căn bếp nhỏ, mỗi người phụ trách một món, tiếng cười nói rộn vang, át đi cái lạnh đến tê người phía ngoài chỉ ngăn cách bởi bức tường. Họ gặp nhau, cùng làm và cùng ngồi thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị quê nhà thân thuộc với họ từ tấm bé. Câu chuyện về gia đình, con cái, về quê nhà cứ thế nối tiếp nhau. Hai tiếng Việt Nam sao mà thân thương đến vậy. Lại một cái Tết xa quê. 

Phản hồi

Các tin/bài khác