Chùa Nisshinkutsu – một nét văn hóa Việt Nam ở đất nước mặt trời mọc

(VOV5) - Tình yêu với đất nước Việt Nam của Hòa thượng Yoshimizu Daichi, cùng sự nhiệt thành của sư cô Thích Tâm Trí đã tạo nên niềm tin, an yên cho bà con phật tử Việt Nam trên đất Nhật.

Chùa Nisshinkutsu – một nét văn hóa Việt Nam ở đất nước mặt trời mọc - ảnh 1

Ảnh: facebook Nishin Kutsu

Tại Tokyo, Nhật Bản có một ngôi chùa, dù vị trụ trì là một Hòa thượng người Nhật Bản, và ngôi chùa cũng không mang tên Việt Nam, nhưng nơi đây  đã trở thành nơi quần tụ của bà con người Việt mỗi khi có những buồn vui trong cuộc sống.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Tọa lạc tại khu Minatoku, một trong những khu vực trung tâm của Thủ đô Tokyo, Nhật Bản, chùa Nisshinkutsu được thiết kế một cách khoa học, ấm cúng nhưng không mất đi vẻ trang nghiêm và tĩnh tại như các ngôi chùa Việt. Trụ trì ngôi chùa là Hòa thượng Yoshimizu Daichi, một người dành rất nhiều tình cảm cho Việt Nam, kể từ khi ông biết và tìm hiểu về đất nước hình chữ S này qua những người cùng tu tập, trong đó có Thượng tọa Thích Trí Quảng. Hơn nửa thế kỷ nay, Thượng tọa đã rất nhiều lần về Việt Nam để thi hành Phật sự, làm từ thiện, và hỗ trợ những tăng ni trẻ có ước nguyện sang Nhật Bản tu tập. Yêu Việt Nam, Hòa thượng Yoshimizu Daichi mong muốn xây dựng ngôi chùa Nisshinkutsu thành một nơi đi về của các phật tử Việt Nam ở nơi xa xứ.

Chùa Nisshinkutsu – một nét văn hóa Việt Nam ở đất nước mặt trời mọc - ảnh 2

Hòa thượng Yoshimizu Daichi (đứng giữa) thực hiện nghi lễ Tắm Phật tại chùa Nisshin Kutsu (Ảnh: facebook Nisshin Kutshu)

Sư cô Thích Tâm Trí, người đã được Hòa thượng tin tưởng giao phó cho việc kết nối người Việt với ngôi chùa này, chia sẻ: "Người Việt Nam tại Nhật Bản rất khao khát về tâm linh. Ở Nhật, người Việt mình sinh sống rải rác ở khắp nơi chứ không tập trung như một số nước Mỹ, Đức, Pháp… Vì thế khi làm tâm linh, tức là khi mở đạo tràng hoặc mở chùa để cộng đồng hướng về là rất khó. Mỗi nơi mỗi cách khác nhau, bản thân tôi ở Tokyo, được sự hỗ trợ của Hòa thượng Daichi nên chúng tôi mới có một nơi sinh hoạt ổn định và thường xuyên là ngôi chùa Nisshinkustu nằm tại Tokyo".

Sư cô Thích Tâm Trí sang Nhật tu tập từ năm 2000, và 7 năm sau, khi hoàn thành việc tu tập, Sư cô đã được Hòa thượng Daichi về chùa Nisshinkutsu làm Phật sự và truyền bá Phật pháp cho cộng đồng phật tử Việt Nam. Ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản là người hiểu rõ những gì mà chùa Nisshinkutsu đã làm cho cộng đồng người Việt tại đây. Khi đó, Đại sứ quán đã tặng cho nhà chùa những tác phẩm về Phật pháp Việt Nam Sứ quán đã mang sang Nhật để triển lãm. Những tác phẩm này được dành riêng một không gian trang trọng, như một góc Việt Nam trong ngôi chùa Nhật. Và từ đó, những người Việt dần biết đến chùa Nisshinkutsu nhiều hơn. Tại ngôi chùa này đã diễn ra các khóa tu, các buổi hướng dẫn phật tử sinh hoạt tụng kinh, thuyết pháp, hướng dẫn sinh viên trẻ quy hướng Tam Bảo, học giáo lý và duy trì truyền thống Việt Nam, các ngày lễ của Việt Nam như Tết Nguyên đán, Lễ Phật đản, Vu lan, Trung thu cũng được tổ chức. Chùa cũng liên kết với các tông phái Nhật Bản để giao lưu học hỏi, tổ chức các sinh hoạt tương tế và từ thiện… Nhưng dấu ấn nhân nghĩa sâu đậm nhất mà chùa Nisshinkutsu đã để lại trong lòng các phật tử, đó là giúp đỡ cộng đồng người Việt trong cơn động đất sóng thần tàn phá Nhật Bản năm 2011.

Chùa Nisshinkutsu – một nét văn hóa Việt Nam ở đất nước mặt trời mọc - ảnh 3

Sư cô Thích Tâm Trí và các em sinh viên Việt Nam trong ngày lễ tại chùa (Ảnh: facebook Nisshin Kutsu)

Ông Nguyễn Phú Bình kể lại: "Năm 2011 khi xảy ra trận động đất khủng khiếp, chúng tôi đã quyết định phải sơ tán một số công dân Việt Nam sống ở những vùng có nguy cơ bị nhiễm phóng xạ, nhưng chưa biết sẽ đưa về đâu. Khi trao đổi với Hòa Thượng Daichi, Ngài đã bảo hãy đưa về Chùa. Và đợt đó, 84 người Việt đã được Đại sứ quán đưa về chùa để lánh nạn trong một khoảng thời gian. Kể từ đó, người VN không những ở Nhật Bản, mà cả những người VN khi sang Nhật Bản đều tìm đến chùa. Mọi người gọi đó là Chùa Việt Nam, là nơi gắn bó, là chỗ dựa tinh thần cho bà con. Chùa cũng là cầu nối trong quan hệ giữa hai nước".

Chính từ hoạt động của ngôi chùa Nisshinkutsu, Hòa thượng Thích Trí Quảng và Hòa thượng Daichi đã khích lệ sư cô Thích Tâm Trí thúc đẩy việc thành lập Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản. Tháng 10/2014, Hội đã được chính thức ra mắt và từ đó đến nay luôn duy trì hoạt động theo phương châm tạo mối đoàn kết gắn bó chặt chẽ trong cộng đồng, phát triển tiếng Việt cho con em người Việt, duy trì các nét đẹp trong phong tục tập quán, bản sắc dân tộc và truyền thống văn hóa của quê hương; hỗ trợ các học sinh, sinh viên đang du học tại Nhật Bản gặp hoàn cảnh khó khăn; hướng dẫn phật tử Việt Nam trong công tác phật sự, tham gia các công tác xã hội… 

Chùa Nisshinkutsu – một nét văn hóa Việt Nam ở đất nước mặt trời mọc - ảnh 4

Ảnh: facebook Nisshin Kutsu

Sư cô Tâm Trí chia sẻ: "Người Việt Nam ta tuy có khó khăn nhưng lại có phước được ăn tết 2 lần, Tết tây và Tết ta. Ở chùa Nisshinkustu hầu như sinh hoạt dưới dạng văn hóa VN, ăn cơm VN, tượng phật VN, kinh kệ cũng VN. Bà con đến chùa là nói tiếng Việt, ăn cơm chay như là ở VN. Không khí chuẩn bị rất vui, quây quần cả cộng đồng ở đó và các em học sinh sinh viên người Việt. Nhiều người nói rằng chùa Nisshinkustu như một cái biển cả để các sông đổ về. Như thế, chùa Nisshinkustu là nơi nương tựa cho cộng đồng bà con".

Trên trang cá nhân của Sư cô Tâm Trí luôn có những thông tin về tình hình bà con cộng đồng tại Nhật, những niềm vui và cả những nỗi buồn… đều có sự hỗ trợ của chùa Nisshinkutsu cả về vật chất và tinh thần. Tình yêu với đất nước Việt Nam của Hòa thượng Yoshimizu Daichi, cùng sự nhiệt thành của sư cô Thích Tâm Trí đã tạo nên niềm tin, an yên cho bà con phật tử Việt Nam trên đất Nhật.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác