Chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc

(VOV5) -  Những năm gần đây, cộng đồng người Việt ở nước ngoài đóng vai trò quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Chính bà con kiều bào đã cất cao tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế trong việc khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.



Chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc - ảnh 1
Kiều bào và các nghệ sĩ trong chuyến công tác Trường Sa 2016. Ảnh: Hiệu Minh


Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Từ năm 2012, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với Quân chủng Hải quân tổ chức thường niên cho đoàn kiều bào ở nhiều nước trên thế giới đi thăm, động viên các cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Chuyến đi đã có tác dụng tốt trong việc nâng cao nhận thức trong bà con kiều bào về công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Ông Vũ Lập, người Việt tại CHLB Đức, được vinh hạnh đi Trường Sa năm nay cho biết: “Chúng tôi thấy rằng cần thiết đến tận nơi ở Trường Sa xem thực tế và có tiếng nói, hành động thiết thực ủng hộ chủ trương của Đảng và Nhà nước. Thông qua chuyến đi này, chúng tôi có thực tế để sáng tác những bài thơ về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Chúng tôi sẽ nói lại với kiều bào bên đó rằng các chiến sĩ ngoài hải đảo đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền của chúng ta. Chúng tôi rất bức xúc về việc việc Trung Quốc có những hành động căng thẳng trên Biển Đông”.

Sống xa Tổ quốc 42 năm, chuyến đi Trường Sa năm 2016 là hải trình ngoài sức tưởng tượng đối với bà Bùi Thu Hòa, Hội phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan: “Chuyến đi này mới cảm nhận được Tổ quốc của mình thật tươi đẹp. Ra đây tôi mới thấy các chiến sĩ của mình dũng cảm kiên cường. Chúng tôi có dịp cảm nhận hơn nữa về Tổ quốc của mình để có trách nhiệm sang bên kia chuyển tải cho các cháu thế hệ thứ hai tiếp nối được giữ gìn được đất nước của mình”.

Trở về nước sở tại sau chuyến đi thăm quần đảo Trường Sa, bà con kiều bào mang trong mình trách nhiệm là sứ giả góp thêm tiếng nói với bạn bè quốc tế để khẳng định Trường Sa và Hoàng Sa là chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam và cũng để kể lại cho người Việt mình về công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông. Bởi vẫn còn có những người Việt do xa quê hương và ít thông tin hoài nghi về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa, rằng “Trường Sa có còn của Việt Nam hay không?, “có phải chúng ta đã bị mất các đảo ở Trường Sa?”.

Những gì được mắt thấy tai nghe trong chuyến thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa của tỉnh Khánh Hòa về một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, về những người lính hải quân gác lại chuyện riêng tư để ngày đêm bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc đã được bà con kiều bào tái hiện lại cho cộng đồng một cách đầy đủ nhất.  Bà Lê Thị Ánh Tuyết, kiều bào ở Mỹ, kể ngay khi đặt chân lên đảo đầu tiên trong chuyến hải trình Trường Sa, bà mong muốn được đồng hành, kề vai sát cánh cùng các chiến sĩ trên đảo: “Tôi rất ngưỡng mộ và thương những người trụ lại ở nơi đây để làm cột mốc chủ quyền. Họ đã thay chúng tôi, thay những kiều bào ở xa  và bà con ở khắp nơi để đứng vững và khẳng định chủ quyền của đất nước ta. Điều đó là một sự hi sinh to lớn của họ mà chúng tôi phải ghi nhận và ghi nhớ. Tôi có một sự quyết tâm từ giờ về sau,  sẽ cố gắng hết sức mình để ủng hộ các chiến sĩ ở trên đảo. Tôi thấy đây là bổn phận và nghĩa vụ của mình”.

Nhiều hội đoàn người Việt ở nước ngoài đã triển khai những hoạt động tuyên truyền khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Trường Sa. Đoàn kiều bào tại Ba Lan tổ chức buổi nói chuyện về Biển Đông. Kiều bào ở Pháp tổ chức triển lãm với những hình ảnh chân thực về hình ảnh Trung Quốc phá vỡ nguyên trạng, xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở Trường Sa. Người Việt ở Hàn Quốc, CHLB Đức tiến hành một số cuộc mít tinh, tuần hành hòa bình để phản đối những hành động sai trái của Trung Quốc tại Biển Đông. Người Việt tại Cộng hòa Séc đã gửi thư tới tòa soạn báo Hálo Noviny để phản đối quan điểm sai trái và những thông tin không đúng với thực tế, xuyên tạc tình hình Biển Đông của bài báo.

Ra với Trường Sa, hiểu được ý chí sắt đá của những người lính kiên trung đang vững tay súng bảo vệ Tổ quốc và đồng cảm với khó khăn, thiếu thốn mà các anh đang gặp phải về nước uống, rau xanh, khí hậu khắc nghiệt, đã có nhiều kiều bào quyết tâm về nước sẽ vận động bà con cộng đồng ủng hộ nhiều hơn đến quân và dân Trường Sa. Bà Bùi Thị Thu Minh, Việt kiều Đức có ý định kêu gọi Hội đồng hương Hải Phòng tại Đức gây quỹ ủng hộ cho con em chiến sĩ Trường Sa đi du học: “Vợ chiến sĩ nuôi con rất vất vả. Nếu con em gia đình chiến sĩ được đi du học, sau này các cháu có tương lai sáng lạn, có cơ hội đổi đời. Khi các cháu được đi du học ở Đức, chúng tôi sẽ giúp đỡ tiền ăn, ở trong ba tháng đầu, mỗi tháng từ 400-500 euro. Sau đó, chúng tôi giúp các cháu tìm công ăn việc làm để có thể tự lo cho bản thân trong việc học tập tại Đức”.

Trở về từ Trường Sa, mỗi kiều bào mang trong một trách nhiệm là sứ giả đem những thông tin mới nhất, chân thực nhất về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đến với cộng đồng người Việt ở nước sở tại và nhiều nước trên thế giới. Họ còn mang theo thông điệp về biển đảo thiêng liêng, kêu gọi người Việt ở nước ngoài và bạn bè quốc tế ủng hộ nhiều hơn nữa trong công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác