“Dạy con trong hoang mang 2”: Đường hy vọng vẫn còn chưa chậm

(VOV5) - Có một cuốn sách tâm lý học vừa ra mắt bạn đọc Việt Nam nhưng đã gây nhiều sự chú ý, đó là phần 2 cuốn Dạy con trong hoang mang, của tiến sĩ tâm lý học người Việt tại Mỹ Lê Nguyên Phương.
“Dạy con trong hoang mang 2”: Đường hy vọng vẫn còn chưa chậm - ảnh 1 Tiến sĩ Lê Nguyên Phương và các thành viên nhà sách Anbooks tại buổi giao lưu ra mắt sách - Ảnh: FB nhân vật.

Sự đón nhận của các bậc phụ huynh, các nhà giáo dục, tâm lý … đã cho thấy sức thu hút âm thầm nhưng mãnh liệt của Dạy con trong hoang mang 2, khi giải đáp được một cách khoa học nhưng đậm chất văn, thấm lâu, với những vấn đề khó trong việc giáo dục con trẻ - vốn là mối quan tâm rất lớn của các bậc phụ huynh Việt hiện nay.

Lời mở đầu của tác giả Lê Nguyên Phương trong cuốn “Dạy con trong hoang mang 2” đã nói lên nhiều điều: “Có một câu thơ của thế hệ cũ đã ám ảnh tôi 35 năm nay: Đường hy vọng nếu ta về quá chậm-Đau nhức này lại đổ xuống tuổi thơ. Nhìn lại để hoá giải những nội kết và chấn thương của đời mình chắc hẳn không dễ dàng gì vì cũng đau đớn lắm, nhưng nỗi đớn đau sẽ còn lớn hơn khi chúng ta thấy con cháu của mình lại tiếp tục gánh chịu hậu quả của những vô minh này. Quả thật những chương sách của tôi có vẻ mang đầy nỗi khổ đau, nhưng tôi tin rằng nó cũng chính là con đường hi vọng để chúng ta và con trẻ chứng nghiệm hạnh phúc của cõi nhân sinh."

Vẫn tiếp tục chủ đề các bậc phụ huynh phải tự đổi thay, tự chuyển hóa chính mình, mở rộng, đón nhận những tri thức mới để có thể dạy con tốt hơn, cuốn sách thứ hai này của tiến sĩ Lê Nguyên Phương được viết với giọng văn tâm tình, đi vào lòng người.

Sách bao gồm 29 bài viết dựa trên trục các chủ đề được bố mẹ Việt Nam quan tâm, gửi thắc mắc và cần hỗ trợ: mở rộng từ gia đình đến nhà trường, từ gia đình đến xã hội, đề cập đến nhiều vấn đề tâm lý của trẻ nhỏ và cha mẹ. Chính vì thế, cuốn sách đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc.

“Dạy con trong hoang mang 2”: Đường hy vọng vẫn còn chưa chậm - ảnh 2

Ban biên tập của nhà sách Anbooks cho biết: “Trong hai buổi giao lưu ra mắt sách tại TP.HCM và Hà Nội, Anbooks đã nhận được không chỉ rất nhiều lá thư tay đầy tình cảm như vậy mà còn là những giọt nước mắt, những vòng tay ôm, những chia sẻ,... đầy xúc động”.

Trên mạng xã hội. độc giả Hà Thái đã phản hồi: “Đang đọc và rất cảm phục sự uyên bác của tác giả, từ "Mẹ là thượng đế" đến "Cha, người dẫn đường" và sau cùng "Con là chân sư"! Giữa muôn ngàn kiểu dạy con thì sách giúp m hiểu ra gốc rễ căn bản. Sách viết theo chuyên môn tâm lý nên hơi khó đọc, không đọc liền hết ngay được”.  

Minh Nguyên, một độc giả tham dự buổi ra mắt sách cho rằng: “Phải nói là sách cũng không dễ đọc hoàn toàn đâu, nhưng tôi đã đọc cuốn sách này một mạch. Nó rất là thấm thía và xúc động”.

Hồng Tiệm, một độc giả nhận xét: “bằng tấm lòng và thấu cảm sâu sắc cùng chuyên môn lâu năm trong nghề tham vấn trị liệu tâm lý Thầy Lê Nguyên Phương đã "bắt mạch" khơi dậy, lý giải căn nguyên và mở lối cho rất nhiều những vấn đề thuộc về tâm lý và cảm xúc từ những chấn thương, nội kết phức tạp”.

Chị Ngô Phương Thảo, Giám đốc Anbooks, người đã đặt ra “đề bài” cho tiến sĩ Lê Nguyên Phương viết loạt sách Dạy con trong hoang mang kể: "Vào một ngày đẹp trời anh Phương nói: anh có thể nói chuyện với em nửa tiếng đồng hồ trên skype được không? Anh nói, anh muốn viết tiếp cuốn Dạy con trong hoang mang 2. Lúc đó tôi hết sức ngạc nhiên vì anh vừa mới từ Việt Nam về. Anh giải thích: vì khi làm live stream cho độc giả hỏi, anh trả lời, thì anh thấy thời lượng trên live stream không đủ để trả lời sâu sắc cho việc đó, cho nên anh phải viết."

Như tác giả đã viết: "Như một cánh tay nứt gãy, nếu không chữa đúng cách thì khi lành sẽ trở thành cong quẹo. Một tâm hồn và thể xác trải qua chấn thương, nếu không chữa chạy đúng cách cũng trở nên lệch lạc què quặt, những đặc thù mà đôi khi tự dối lòng, chúng ta gọi là cá tính và bám víu vào đấy như khiên giáp chống đỡ với cuộc đời.

Nếu chúng ta tin cuộc sống là một cuộc hành trình chuyển hoá và và thăng tiến để mỗi cá thể có thể trở thành con người toàn vẹn và hân hưởng cuộc đời trong sự phong phú và diệu kỳ của nó, chúng ta cần chữa lành cho chính mình và cho trẻ thơ."

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương chia sẻ: "Không phải là hiện đại mà bỏ hết những gì tốt đẹp trong nền văn hóa Việt Nam. Nhưng làm sao biết cái gì cái gì hay để giữ và biết cái gì dở để bỏ, thì cái đó chúng ta có thể dùng khoa học để soi rọi lại. Trong cuốn sách độc giả có thể nhìn thấy nhiều giọng nói khác nhau. Nhưng đó là bản chất con người thật của tôi. Có thể một lúc nào đó trong đó có châm biếm nhẹ nhàng, có những đoạn tức giận vì phụ huynh đã dùng nhục hình với con trẻ, có những đoạn rất tình cảm, tôi không dám dùng từ ở Việt Nam gọi là "sến súa quá" (cười)..nhưng tất cả đó là những khía cạnh con người tôi".

Tham dự buổi ra mắt sách, độc giả Lien Nguyen phản hồi: "Tham dự một buổi ra mắt sách đầy ý nghĩa. Dạy con trong hoang mang là những trải nghiệm thật của chính tác giả. Sách mang hơi thở cuộc sống và chúng ta sẽ bắt gặp mình trong đó."

Tiếp tục những thế mạnh riêng khi làm cuốn Dạy con trong hoang mang đầu tiên, khi kết nối được bạn đọc và tác giả cũng như chạm tới nguồn gốc các tài liệu chuyên ngành, nhà sách Anbooks đã làm cho nhiều độc giả, giống như Lien Nguyen: “ngỡ ngàng với hình thức sách tương tác của Anbooks để kết nối người đọc với tác giả và các chuyên gia. Một ý tưởng hay và độc đáo nhưng cũng rất tinh tế”.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác