Hình ảnh Việt Nam từ người Việt xa xứ

(VOV5) - Người Việt Nam ở nước ngoài là những người tiếp thị hình ảnh Việt Nam thường xuyên

Cộng đồng người Việt Nam được xã hội sở tại nhìn nhận như là một hình ảnh thu nhỏ, một tấm gương phản chiếu hình ảnh Việt Nam. Những ấn tượng, quan niệm, hoặc định kiến, mặc cảm đầu tiên về Việt Nam thường thông qua hình ảnh thu nhỏ này, tác động của hành vi, ứng xử, hoạt động văn hoá, xã hội, kinh tế, khoa học, chính trị của những người Việt Nam sống trong lòng xã hội đó.

Hình ảnh Việt Nam từ người Việt xa xứ - ảnh 1Buổi hoà nhạc mang tên “CHẠM” để quảng bá âm nhạc và văn hoá Việt Nam tại Pháp đã diễn ra thành công tại Trung tâm văn hoá Cosmopolis (thành phố Nantes), với sự trình diễn của các nghệ sĩ không chuyên là trẻ em, du học sinh và Việt kiều   - Ảnh: polaris

Có thể nói người Việt Nam ở nước ngoài là những người tiếp thị hình ảnh Việt Nam thường xuyên, có thể thụ động hoặc có ý thức, vừa trực quan vừa gián tiếp đối với nhân dân các nước nơi họ sinh sống, làm ăn. Việc quảng bá hình ảnh Việt Nam có thể thông qua nhiều kênh, dưới nhiều hình thức nhưng thông qua cộng đồng người Việt ở chính xã hội sở tại để bảo đảm sự tiếp nhận tích cực của xã hội này về Việt Nam luôn là một phương thức rất hiệu quả.

Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Australia hận xét: “Mỗi lần phái đoàn cao cấp của chính phủ Việt Nam qua thăm, đều được nhận lời khen ngợi từ chính phủ Australia, là cộng đồng Việt Nam không phải một cộng đồng sắc tộc lâu năm ở đây, rất mới, nhưng rất thành công, rất hội nhập và làm việc rất có năng lực để đóng góp vào xã hội”

Trong những năm qua, ngoài những nỗ lực cá nhân đầy ý nghĩa của các văn nghệ sĩ, trí thức người Việt ở nước ngoài, thì những hội đoàn cộng đồng Việt Nam ở nhiều nước đã làm rất nhiều công việc tự nguyện, tự thân để Việt Nam được biết tới nhiều hơn trong lòng bạn bè quốc tế.

Đó là những Hội người Việt Nam tại Pháp với các hoạt động quảng bá văn hoá, hỗ trợ sinh viên Việt Nam, tuyên truyền cho người Pháp hiểu hơn về nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam vv…, hoặc các hội đoàn người Việt, hội phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan hàng năm thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá với Ba Lan, Hội người sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc với các chương trình văn hóa, gắn kết sinh viên, kết nối cộng đồng và bà con nước sở tại Hội phụ nữ Việt Nam tại Hungary với nhiều hoạt động văn hoá có ý nghĩa.

Chị Phan Bích Thiện, chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam tại Hungary cho biết: Người Việt ở nước ngoài luôn hướng về quê hương. Vì thế, khi tổ chức các hoạt động thì sẽ rất nhiều người tham gia, hưởng ứng và người dân nước sở tại cũng hiểu hơn về Việt Nam.

Mối quan hệ giữa cộng đồng với cội nguồn Việt Nam bao giờ cũng rất sâu sắc. Đó là việc duy trì bản sắc văn hoá, truyền thống của dân tộc trong sự đa dạng của xứ người là một nhu cầu tự thân, có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại của người Việt Nam ở nước ngoài với tư cách là một cộng đồng. Cộng đồng càng giữ gìn được bản sắc văn hoá, truyền thống dân tộc, càng gắn bó với cội nguồn, càng thể hiện khách quan và tích cực các giá trị của một Việt Nam thu nhỏ, thì cộng đồng ấy càng được xã hội sở tại coi trọng.

Ông Trần Bà Phúc cho rằng: "Tôi thấy tất cả những người Việt Nam ở nước ngoài 5 năm, 10 năm, 20 năm, 30 năm, thậm chí có người đã ở hơn cả đời người, gần cả đời người, nhưng mà trái tim Việt Nam không đem ra khỏi con người của họ được. Lúc nào họ cũng gắn bó với tình cảm quê hương, dân tộc. Bằng chứng là khi hội Doanh nhân Việt Nam ở Australia đứng ra kêu gọi kiều bào ủng hộ, góp tay xây dựng trường học ở Trường Sa cho học sinh thân yêu, thì sự hưởng ứng của kiều bào rất mạnh mẽ. Tôi mới thấy sự ủng hộ mạnh mẽ xuất phát từ tình cảm quê hương, dân tộc mà ra."

Cũng chính vì vậy, thúc đẩy mạnh mẽ quảng bá hình ảnh Việt Nam thông qua cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vừa có tính chiến lược, vừa có khả năng thực tiễn cao và có thể thực hiện ngay với những hình thức thiết thực, linh hoạt và cách tiếp cận vừa nhất quán, đồng bộ, vừa tinh tế, với các bước đi phù hợp với các đặc thù của từng địa bàn có người Việt Nam sinh sống.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác