Hoạt động nghiên cứu khoa học của trí thức trẻ Việt Nam tại Hàn Quốc

(VOV5) - Hội thảo các nhà khoa học trẻ Việt Nam tại Hàn Quốc lần thứ 3 vừa được Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức cuối tháng 5 vừa qua được đánh giá là một hoạt động sinh hoạt học thuật có ý nghĩa đối với sinh viên.

Hoạt động nghiên cứu khoa học của trí thức trẻ Việt Nam tại Hàn Quốc - ảnh 1
Ban tổ chức Hội thảo các nhà khoa học trẻ Việt Nam tại Hàn Quốc  2016



Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Năm nay là năm thứ ba Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức Hội thảo các nhà khoa học trẻ Việt Nam tại Hàn Quốc, trước đó là năm 2010 và 2011. Hội nghị lần này đã quy tụ các giáo sư hàng đầu của hai nước Việt Nam và Hàn Quốc, các nhà khoa học cùng 300 sinh viên và nghiên cứu sinh đang học tập và nghiên cứu tại Hàn Quốc. Anh Phạm Hải Chiến, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, cho biết có gần 70 công trình nghiên cứu của các sinh viên, thạc sĩ, nghiên cứu sinh, tiến sĩ thuộc các trường đại học trên toàn Hàn Quốc gửi tới hội thảo. Trong 9 phiên thảo luận tại đây, thì phiên thảo luận về vấn đề Biển Đông đã thu hút sự quan tâm của nhiều lưu học sinh Việt Nam, Hàn Quốc và quốc tế.

Với chủ đề "Biển Đông và giá trị an toàn hàng hải, hàng không, an ninh môi trường đối với khu vực Đông Bắc, Đông Nam Á và thế giới", 8 đề tài đã được các học giả đưa ra tranh luận, trong đó nổi bật là đề tài "Nền hòa bình bất ổn tại vùng bất ổn: Biển Đông" của giáo sư Choi Soo-Jeon, trường đại học Inje. Thạc sĩ Nguyễn Trung Kiên cũng vạch trần hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép, quân sự hóa của Trung Quốc ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông qua đề tài "Biển Đông - An ninh kinh tế, môi trường và an toàn hàng hải bị xâm phạm một cách nghiêm trọng bởi những hành động phi pháp của chính phủ Trung Quốc". Là phó chủ nhiệm Quỹ “Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam” ở Hàn Quốc, anh Nguyễn Trung Kiên cho biết bà con kiều bào nói chung và thế hệ trẻ người Việt tại Hàn Quốc nói riêng đều quan tâm và có sự ủng hộ thiết thực về vật chất cho biển đảo quê hương thông qua Quỹ: “Quỹ vì chủ quyền biển đảo Việt Nam được thành lập năm 2015. Những hoạt động hội nhóm tại Hàn Quốc như: Lễ hội văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc; Đại hội thể dục thể thao sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc hay sự kiện người Việt tại Hàn Quốc tổ chức biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông… quỹ chúng tôi đều đến tham gia và kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc cho những dự án thiết thực mà chúng tôi đã nêu ra ngay từ đầu. Chính từ hình ảnh thực tế, sự quan tâm của cộng đồng và sự hưởng ứng của cộng đồng đối với Trường Sa rất cao nên hầu hết các sự kiện chúng tôi đến tham gia và kêu gọi đều thu hút sự quyên góp rất lớn của cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc”.

Hoạt động nghiên cứu khoa học của trí thức trẻ Việt Nam tại Hàn Quốc - ảnh 2
Triển lãm về chủ quyền biển đảo Việt Nam diễn ra bên lề hội thảo. Ảnh: VSAK


Bên lề hội thảo, Ban tổ chức cũng đã trưng bày các bức ảnh khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như lên án các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên quy mô lớn của Trung Quốc tại khu vực này.

Ngoài phiên về vấn đề Biển Đông, hội thảo còn có các chuyên đề thảo luận khác như: Khoa học sống; Y - Sinh học; Hóa học; Xây dựng và môi trường; Điện tử viễn thông; Cơ khí & Khoa học Vật liệu; Khoa học Xã hội và Nhân văn... Giáo sư Hong Sun-ryou, Trưởng khoa sau đại học Trường Đại học ChungAng, nhấn mạnh đây là một hoạt động khoa học quan trọng, một biểu tượng của mối quan hệ chặt chẽ giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Hoạt động nghiên cứu khoa học của trí thức trẻ Việt Nam tại Hàn Quốc - ảnh 3
Ban tổ chức trao kỷ niệm chương cho các nhà khoa học hàng đầu trình bày tham luận tại hội thảo.


Bà Hà Thị Lâm Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: “Kể từ khi Luật KH&CN năm 2013 ra đời tạo ra nhiều bước đột phá để các nhà khoa học, trong đó có các nhà khoa học trẻ say mê nghiên cứu”. Nói về đội ngũ trí thức, nhà khoa học trẻ Việt Nam tại Hàn Quốc, ông Trần Hải Linh, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc cho rằng, trong những năm qua, các trí thức trẻ người Việt đã có nhiều nỗ lực và đóng góp trong nghiên cứu khoa học. Tiêu biểu là việc nghiên cứu và cung cấp máy lọc độ ẩm không khí thành nước ngọt, máy phát điện bằng năng lượng mặt trời, giàn rau tưới tiêu tự động cho cán bộ chiến sỹ ở quần đảo Trường Sa...: “Những trí thức trẻ Hàn Quốc có những ý tưởng hướng về Trường Sa và đã thực hiện các dự án hỗ trợ cho Trường Sa như máy chuyển độ ẩm thành nước ngọt. Những món quà mà đoàn Hàn Quốc mang đến Trường Sa trong năm 2016 với mong muốn những món quà đó cải thiện cho đời sống cán bộ, chiến sĩ bao gồm: điện, nước, rau. Quan điểm của đoàn Hàn Quốc là cố gắng từ điện sẽ có nước và từ nước sẽ góp phần trồng rau. Những điều này giúp cải thiện cuộc sống cho cán bộ chiến sĩ và các anh sẽ yên tâm hơn khi ở khu vực mình đang bảo vệ chủ quyền”.

Hoạt động nghiên cứu khoa học của trí thức trẻ Việt Nam tại Hàn Quốc - ảnh 4
Các nhà tài trợ chụp ảnh lưu niệm với Ban tổ chức

Hiện Việt Nam và Hàn Quốc đã hợp tác và thành lập Viện khoa học Việt Nam và Hàn Quốc. Theo bà Hà Thị Lâm Hồng, đây là môi trường tốt để du học sinh, nghiên cứu sinh khi tốt nghiệp trở về nước sẽ có những cơ hội để làm việc tại đây. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, của Bộ Khoa học và công nghệ và các nhà đầu tư trong và ngoài nước, qua các hội thảo, các sinh viên và các nhà khoa học trẻ có ý tưởng có thể có được nguồn lực để hoàn thiện công nghệ của mình, thương mại hoá kết quả nghiên cứu để góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác