Hội Trợ giúp trẻ em nghèo vượt khó của Pháp với những chương trình hướng về VN

(VOV5) - Hội Trợ giúp trẻ em nghèo vượt khó của Pháp là một trong những hội từ thiện quốc tế đã và đang có nhiều chương trình hoạt động hữu ích hướng về Việt Nam. Tham gia Hội là đông đảo Việt kiều, những người có gắn bó với Việt Nam và cả những người bạn Pháp.

Nhân dịp ông Michel Phạm - Việt kiều ở Pháp, Chủ tịch Hội vừa có chuyến công tác tại một số địa phương của Việt Nam, phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với ông về một số hoạt động của Hội và những kế hoạch trong thời gian tới.

Hội Trợ giúp trẻ em nghèo vượt khó của Pháp với những chương trình hướng về VN - ảnh 1
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Michel Phạm

PV: Thưa ông, hoạt động từ thiện hướng về Việt Nam của Hội thời gian qua được nhiều người quan tâm. Ông có thể giới thiệu đôi nét về những hoạt động đó?

Ông Michel Phạm: Hội Trợ giúp trẻ em nghèo vượt khó của Pháp được thành lập năm 2000, đến nay vừa tròn 12 năm, với ý tưởng của một số người Pháp có vợ hoặc chồng là người gốc Việt. Ngay từ sau khi thành lập, chúng tôi đã có những chương trình hỗ trợ từ thiện và đỡ đầu một số trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam, giúp các em có thêm điều kiện để đi học tốt hơn. Đến nay, Hội đã đỡ đầu cho gần 600 trẻ em Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, chúng tôi còn hỗ trợ xây dựng nhà cửa cho một số gia đình đặc biệt khó khăn; xây dựng một trung tâm cấp phát thuốc y tế cho người dân; xây một số cầu nhỏ cho người dân tại một số làng; xây một trường nội trú cho một số học sinh học giỏi nhưng ở xa nhà và có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn… Chúng tôi còn phát triển hỗ trợ giáo dục, đào tạo nghề cho trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn. Hội cũng đang triển khai các dự án tại một số địa phương ở miền Nam, Đà Lạt, Sơn Tây…

PV: Ông có đánh giá thế nào về kết quả các chương trình từ thiện của Hội được triển khai tại Việt Nam?

Ông Michel Phạm: Chúng tôi hài lòng về kết quả các chương trình của Hội như: hỗ trợ từ thiện hiệu quả cho một số người dân, nhất là trẻ em nghèo vượt khó tại Ấp Cái Rắn (Phú Hưng, Cái Nước, Cà Mau), giúp một số người dân gặp khó khăn có cơ hội và thêm điều kiện để phát triển kinh tế gia đình, giúp họ thêm một số vốn nhỏ để có thể phát triển kinh tế. Hiện nay, chúng tôi đang tích cực kêu gọi các nguồn tài trợ cho Hội. Đến nay đã có nhiều doanh nghiệp ủng hộ cho hoạt động của Hội trong thời gian qua.

PV: Ông có thể cho biết, Hội Trợ giúp trẻ em nghèo vượt khó của Pháp tập trung vào những hoạt động cụ thể nào trong thời gian tới?

Ông Michel Phạm: Kế hoạch trong thời gian giới của Hội chúng tôi là tăng cường cho dự án hỗ trợ giáo dục cho trẻ em nghèo tại một số vùng ở Việt Nam, nhất là tại những khu vực nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, chúng tôi tập trung mở thêm các dự án trong lĩnh vực giáo dục, nông thôn, trồng trọt. Trong hơn 1 năm qua, các dự án của Hội chúng tôi tập trung nhiều trong lĩnh vực phát triển trồng trọt cho một số hộ nông dân nghèo và bắt đầu có kết quả. Chúng tôi cũng quan tâm nhiều tới việc quản lý nguồn nước hiện nay tại các vùng nông thôn miền núi ở Việt Nam.

PV: Sau mỗi lần về Việt Nam, cảm nhận của ông về sự đổi thay trên quê hương như thế nào? Điều gì tạo cho ông nhiều ấn tượng nhất?

Ông Michel Phạm: Thời gian qua, Việt Nam thực sự có nhiều đổi thay nhanh chóng, trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế xảy ra tại khu vực châu Âu và nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đã có những biện pháp kịp thời và liên tục duy trì tăng trưởng khá trong khi không ít quốc gia gặp khó khăn. Đây là điều quan trọng đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam. Hàng năm, chúng tôi đều về Việt Nam để đánh giá kết quả các dự án. Trong các chuyến công tác, chúng tôi đi thăm nhiều vùng từ Bắc vào Nam. Chúng tôi luôn ấn tượng bởi vẻ đẹp của các vùng miền ở Việt Nam. Tại những nơi chúng tôi tới tham quan, chúng tôi đều nhận được sự tiếp đón nhiệt tình của người dân địa phương. Chúng tôi cũng luôn nhận được sự giúp đỡ, hướng dẫn nhiệt tình ở các địa phương; được thưởng thức những đồ ăn thức uống truyền thống của các vùng miền. Tôi là người Việt Nam. Vì thế, về Việt Nam tôi cảm nhận như về nhà, cảm thấy gần gũi với quê hương và càng thấy yêu quý nơi chôn nhau cắt rốn. Tôi càng cảm thấy mình cần có những đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của Việt Nam cũng như hỗ trợ những người còn gặp khó khăn trên quê hương.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Phản hồi

Các tin/bài khác