Những chuyên gia Hoa Kỳ giúp đỡ phát triển ngành tâm lý học đường Việt Nam

(VOV5) - Họ đã sát cánh cùng các đồng nghiệp Việt Nam, vì trẻ em cũng như vì khoa học và những bước tiến mới trong ngành này tại Việt Nam.

Như tin chúng tôi đã đưa, trong gần chục năm trở lại đây, có một cây cầu chắc nhịp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ giúp đỡ phát triển, đào tạo về ngành tâm lý học đường Việt Nam, đó là tổ chức Liên hiệp Phát triển Tâm lý Học đường Quốc tế CASP-I do tiến sĩ Lê Nguyên Phương, người Việt tại Mỹ sáng lập.

Tổ chức này, có sự tham gia của những trường đại học chuyên ngành sư phạm và khoa học xã hội hàng đầu của Việt Nam, cũng như ở Hoa Kỳ, thông qua các chuyên gia đầu ngành tâm lý học đường Hoa Kỳ.

Những chuyên gia Hoa Kỳ giúp đỡ phát triển ngành tâm lý học đường Việt Nam - ảnh 1Các chuyên gia Hoa Kỳ cùng các đồng nghiệp Việt Nam thành viên CASP-I trong Hội nghị Tâm lý học đường Quốc tế tại Đà Nẵng năm 2016. Các chuyên gia nước ngoài (từ trái qua phả)i: GS TS Michael Hass, GS TS Robert Clark, . . . TS Tracey Scherr, GS TS Jeanne Ann Carrier,  TS Lê Nguyên Phương (ngoài cùng bên phải)

Theo tiến sĩ Lê Nguyên Phương, trong suốt hơn 7 năm trời đi về Việt Nam để vận động xây dựng ngành tâm lý học đường trong nước, bắt đầu từ hội thảo tâm lý học đường quốc tế đầu tiên tổ chức tại Việt Nam năm 2009, và sau này chung sức tập hợp trong Liên hiệp Phát triển Tâm lý Học đường Quốc tế CASP-I,  thì các chuyên gia giáo dục từ Hoa Kỳ vẫn thường xuyên phân tích tình hình, điểm mạnh, điểm yếu của môi trường làm việc, cũng như khả năng của mình để có những đóng góp thích hợp cho công việc chung.

Một thành viên sáng lập và hiện là thành viên hội đồng quản trị của CASP-I là ông Robert Clark, Giáo sư danh dự về tâm lý học và thần kinh học học đường tại Trường Tâm lý học Chuyên nghiệp Chicago, từng công tác tại nhiều vị trí khác nhau tại các trường cao đẳng và đại học ở Hoa Kỳ. Ông còn là cựu thư ký điều hành kiêm chuyên viên lưu trữ của Hiệp hội Tâm lý học Học đường Quốc tế (ISPA).

Thay mặt cho ISPA, ông đã phát triển và hướng dẫn các tiêu chuẩn đào tạo cho ngành tâm lý học học đường trên thế giới. Năm 2013, ông được Hiệp hội Tâm lý học học đường Quốc tế IPSA trao giải thưởng Phục vụ kiệt xuất. Và ông chọn đến Việt Nam, không phải tình cờ.

Những chuyên gia Hoa Kỳ giúp đỡ phát triển ngành tâm lý học đường Việt Nam - ảnh 2GS.TS. Michael Hass (ĐH Chapman - California), GS.TS. Robert Clark (ĐH Tâm Lý Chicago - Illinois), và TS Lê Nguyên Phương tại Hội nghị Tâm lý học đường Quốc tế tại Việt Nam lần thứ IV tổ chức tại Hà Nội 2014.  Họ gắn bó với Việt Nam và liên tiếp tham dự các Hội nghị năm 2012, 2014 và 2016.

Giáo sư Robert Clark cho biết: “Tôi có lý do riêng khi chọn Việt Nam để giúp đỡ. Tôi đã đến Việt Nam vào những năm tôi 20 tuổi (tham gia chiến tranh Việt Nam). Sau chiến tranh, tôi học và tốt nghiệp ngành tâm lý, trở thành chuyên gia tâm lý học trẻ em. 40 năm sau chiến tranh, niềm say mê của tôi vẫn còn. Sau này tôi có cơ hội gặp gỡ tiến sĩ Lê Nguyên Phương và một số đồng nghiệp khác, nên tôi quyết định trở lại Việt Nam để giúp họ phát triển ngành nghiên cứu tâm lý học đường chuyên  nghiệp.”

Tiến sĩ Tracey Scherr là Phó Giáo sư tâm lý học thuộc trường Đại học Wisconsin-Whitewater, là Tổng thư ký của CASP-I. Bà cũng hoạt động như cầu nối giữa CASP-I với Hội tâm lý Học học đường của bang Wisconsin. Bà cho biết, qua hai lần đi về Việt nam dự hai lần hội nghị Quốc tế Tâm lý học đường do CASP-I tổ chức, bà nhận thấy nhu cầu rất lớn trong việc nâng cao năng lực của ngành tâm lý học tại Việt Nam nói chung cũng như nhu cầu của việc hình thành một chuyên ngành tâm lý học đường riêng biệt để giúp đỡ trẻ em.

Những chuyên gia Hoa Kỳ giúp đỡ phát triển ngành tâm lý học đường Việt Nam - ảnh 3

 PGS TS Tracey Scherr trả lời một người tham dự hội nghị năm 2016, trong giờ giải lao

Chia sẻ mối quan tâm của TS Tracey, TS Jeanne Anne Carriere, là giáo sư tại Đại học Chapman, và cũng từng làm việc tại Sở giáo dục thành phố Long Beach kể lại: “Lần đầu tiên tôi biết đến Việt Nam năm 2000, khi ghé chơi thăm, và ngay lập tức tôi yêu mến Việt Nam vì đất nước này rất xinh đẹp, con người đáng yêu và… đồ ăn rất ngon! Sau đó, tôi gặp và làm việc với tiến sĩ Lê Nguyên Phương. Chúng tôi cùng ngồi nói chuyện và tôi kể về sự yêu mến đất nước Việt Nam. Tình cờ, tiến sĩ Lê chia sẻ về việc xây dựng một đề án về việc phát triển ngành tâm lý học chuyên nghiệp tại Việt Nam, và tôi rất vinh dự được hỗ trợ anh ấy trong dự án này."

Ngoài những lần tham gia giảng dạy, trình bày tại các hội thảo, hội nghị tâm lý ở Việt Nam, Giáo sư Đại học Chapman, TS Michael Hass đã từ là chuyên gia Fulbright được thỉnh giảng tại Đại học Giáo dục thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội. Tiến sĩ Hass là tổng biên tập của tạp chí Tâm lý học Học đường Đương đại, biên tập viên của tạp chí Người đào tạo những nhà tâm lý học học đường.  Cùng với TS Jeanne Anne Carriere, ông là đồng tác giả của cuốn sách "Cách viết báo cáo Tâm lý Giáo dục hữu ích, dễ dùng và đúng luật"

Ông kể: "Tôi hứng thú với CASP-I vì tôi đã đi qua nhiều đất nước khắp thế giới và nhận ra mình có sự đam mê và quan tâm sâu sắc với ngành tâm lý học học đường suốt nhiều năm liền. Ngoài ra, từ khi còn là một bác sĩ trẻ, tôi đã có ấn tượng với hình ảnh Việt Nam qua các cuộc chiến tranh.

Tôi từng sống ở bang California, làm việc tại trường đại học ngay gần cộng đồng người Việt di cư sau 1975 nên tôi mong muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, nhiều học sinh của tôi cũng là người Mỹ gốc Việt.  Một lý do nữa, cũng như nhiều người ở đây, tôi đã bị thuyết phục bởi tiến sĩ Lê Nguyên Phương  về ý tưởng rất thú vị là đến Việt Nam  và phát triển ngành tâm lý học học đường tại đây."

Giáo sư Robert Clark cho biết ông đã tham gia và đồng tổ chức nhiều hội thảo và các khóa tập huấn của CASP-I: "Trong thời gian tham gia CASP-I, tôi đã được biết và gặp gỡ rất nhiều chuyên gia tâm lý học người Việt: giáo viên, quản trị viên tại các trường, các khoa, và các sinh viên. Và họ đã cho tôi thấy nhu cầu và sự cần thiết phải có các dịch vụ tâm lý học tại trường học, bao gồm việc gặp và giúp đỡ những trẻ em khuyết tật như có vấn đề với việc tiếp thu, gặp khó khăn về vận động hoặc có vấn đề tâm lý.

Và những chuyên gia này cũng cho tôi thấy sự cần thiết phải gặp các phụ huynh và giáo viên của những trẻ em đó để giúp họ nâng cao ý thức cũng như kiến thức về tâm lý học. Các chuyên gia VN cho tôi biết cộng đồng xung quanh đóng vai trò rất quan trọng với sự phát triển của đứa trẻ, để đảm bảo sự thành công của việc giúp đứa trẻ đó được học tập trong một môi trường lý tưởng nhất và khi trưởng thành sẽ là một cá thể tốt trong xã hội."

Những chuyên gia Hoa Kỳ giúp đỡ phát triển ngành tâm lý học đường Việt Nam - ảnh 4Tập thể sinh viên Đại học Chapman tham dự hội thảo do các GS hướng dẫn đến Việt Nam để học hỏi về văn hóa và sự phát triển ngành nghề tâm lý học đường tại Việt Nam. Đã có tổng cộng 3 đoàn về Việt Nam từ năm 2012. 

Có một điều không phải ai cũng biết, trong hành trình hơn 7 năm trời đó, đến Việt Nam tham gia hội nghị hay tổ chức tập huấn cho giáo viên, sinh viên các trường đại học, các vị chuyên gia đều tự bỏ tiền túi của mình. Tiến sĩ tâm lý học Lê Nguyên Phương cho rằng, cả hai phía Việt Nam và chuyên gia nước ngoài đều nhiệt tình và muốn đưa ngành tâm lý học đường vào Việt Nam trong sự phát triển của ngành tâm lý nói chung tại Việt Nam.

Ông cũng cho biết, với việc nâng cao năng lực của giáo viên trong việc dạy trẻ đặc biệt, cũng như đào tạo các chuyên gia tâm lý học đường, nếu còn nhiều khó khăn về chính sách, tài chính vv…  điều có thể làm sớm là tạo điều kiện cho các chuyên gia tâm lý học đường của CASP-I về tập huấn với những điều kiện căn bản nhất, để các chuyên gia có thể giúp cho Bộ Giáo dục đào tạo nâng cao ngành nghề này: “Một mô hình cùng xem xét những dự án của nhau và lồng ghép, phối hợp cùng làm, là phù hợp nhất với Việt Nam. Vì cá nhân các chuyên gia vào làm nhiều khi không hiểu được chính sách, nếu có đại diện của các cơ quan trong nước giúp chúng tôi hiểu về vấn đề chính sách để làm cho tốt hơn.”

Và người hưởng lợi cuối cùng mà các chuyên gia tâm lý giáo dục nhắm tới, nói như tiến sĩ Lê Nguyên Phương, là các em học sinh Việt Nam, những người sẽ có sự giúp đỡ tốt nhất khi tâm lý học đường thực sự đi vào được từng trường học. Vì thế, họ vui vì được cùng chung sức với các đồng nghiệp Việt Nam trong hành trình, không phải là không còn nhiều khó khăn trở ngại đó.

Các chuyên gia thành viên của CASP-I và đã từng về làm việc tại Việt Nam còn có những tên tuổi như GS.TS. Kristin Powers và GS.TS Kristi Hagans thuộc Đại Học California State Long Beach, GS.TS. Brian Leung thuộc Đại Học Loyola Marymount, GS.TS. Brent Duncan thuộc Đại Học Humbold State University, GS.TS. Gloria Miller thuộc Đại Học Denver, GS.TS. Sharolyn Pollard-Durodola thuộc Đại Học Las Vegas, v.v


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác