Những người đã gặp

(VOV5)- "Những phản ứng của tinh thần” mới thật là lý thú chứ không phải chuyện họ làm được hay không làm được: ngoại trừ những cảm nhận hời hợt họ không hề thất bại.”


Trong một bài viết, tiến sĩ vật lý thiên văn người Việt ở NASA Nguyễn Trọng Hiền đã trích dẫn ghi chép “Chuyến đi tồi tệ nhất thế giới” của Apsley Cherry-Garrard - một trong những thành viên trẻ nhất đoàn thám hiểm Nam Cực đầy bi kịch xưa của Admundsen Scott: “Bất kỳ thời đại nào, mới hay cũ, đều muốn sự dũng cảm và niềm tin. Đối với tôi, và có lẽ với bạn, phần lý thú của câu chuyện là về những con người, và chính là cái tinh thần của con người, “những phản ứng của tinh thần”, mới thật là lý thú chứ không phải chuyện họ làm được hay không làm được: ngoại trừ những cảm nhận hời hợt họ không hề thất bại.”


Nghe âm thanh bài viết tại đây:




             
Những người đã gặp - ảnh 1
Tiến sĩ vật lý thiên văn Nguyễn Trọng Hiền

Tết này là cái tết thứ tư tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền ở Nam Cực trong chuyến quan trắc mấy tuần để tham gia việc đo đạc bức xạ nền vi ba (là bức xạ điện từ còn sót lại từ thời khai sinh của vũ trụ, một trong những vấn đề sôi nổi nhất của vũ trụ học hiện đại). Nhóm thí nghiệm BICEP2 của Nguyễn Trọng Hiền sau công bố chấn động giới khoa học về quan trắc bức xạ nền năm 2014, vẫn đang tiếp tục công trình nghiên cứu tại Nam Cực: "Không biết có phải kinh nghiệm cá nhân tôi hay không, nhưng cả thế hệ người Việt chúng ta ở nước ngoài họ đều làm được chứ không phải chỉ cá nhân tôi. Điều đó không phải vì cá nhân mình giỏi mà vì cách giáo dục, cách người ta tạo điều kiện cho mình làm việc. Các bạn khác ở lứa tuổi tôi họ cũng làm được điều như vậy trong lĩnh vực khác. Tôi nghĩ đây là điều chúng ta nên học tập.


Nếu không phải đi Nam Cực trong cái lạnh cắt da, thì dịp Tết ở căn nhà bên sườn đồi tại Cali, gia đình anh Hiền thế nào cũng rủ thêm vài người bạn, canh nồi bánh chưng. Nguyễn Trọng Hiền từng kể: “Tôi mê Tết, mê từ nhỏ lận. Khi xa quê, điều tôi nghĩ đến đầu tiên là Tết. Lúc ấy tôi không biết khi nào mình mới trở lại quê nhà, nghĩ trong đời mình chắc sẽ không còn Tết nữa...”  


Tết - cái khoảnh khắc để nhớ của tuổi 18 khi xưa,  luôn là cái cớ để gợi về quê hương. Neo vào nỗi nhớ ấy, Nguyễn Trọng Hiền vẫn cùng đồng nghiệp của anh trong cuộc tìm kiếm quyết liệt và cũng là cuộc cạnh tranh khốc liệt trong khoa học vật lý thiên văn,  để tìm câu trả lời mà, có thể thay đổi vũ trụ quan của con người, thay đổi nhận thức về thế giới.


Tết này, với dịch giả - họa sĩ tài hoa Trịnh Lữ , vừa từ Mỹ trở về, có một sự kiện đặc biệt quan trọng, và cũng được những người am tường lịch sử hội họa trong giới đón chờ:  đó là việc ra mắt cuốn sách về cha ông – họa sĩ, nhà thiết kế nội thất nổi tiếng Trịnh Hữu Ngọc “từ những tác phẩm còn lại” tại căn nhà xưa 108 Quán Thánh. 

Những người đã gặp - ảnh 2
Dịch giả, họa sĩ Trịnh Lữ bên tượng của cha ông - họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc,, trong phòng triển lãm tại gia 108 Quán Thánh, Hà Nội nhân dịp ra mắt cuốn sách "Trịnh Hữu Ngọc, từ những tác phẩm để lại"


Trịnh Lữ - vị cựu biên dịch viên, phát thanh viên tiếng Anh nổi tiếng của Đài Tiếng nói Việt Nam một thuở, từng rẽ sang làm các dự án truyền thông cho Liên Hiệp Quốc mấy chục năm ở Mỹ, rồi dịch những cuốn sách đáng đam mê cho người yêu sách, và vẽ những bức tranh phong cảnh khiến người xem phải đứng lặng ngắm nhìn…Tất cả những điều đó, dường như khởi nguyên từ một nhận thức được trao truyền. “Hội họa Trịnh Hữu Ngọc là sự thầm kín đức độ, không thay đổi suốt đời nghệ sĩ” - như nhà nghiên cứu Thái Bá Vân từng nhận xét. Nói như Trịnh Lữ thì: "Cả đời ông chỉ vẽ trực họa, vẽ tại chỗ, trực họa để mà ghi lại cảm xúc tức thời lúc bấy giờ của ông thôi. Thế cho nên mỗi buổi đi vẽ đối với ông Ngọc thì gần như một cử chỉ quên mình đi để đi tìm vào thiên nhiên, để hưởng tất cả những điều mà ông gọi là những điều rất đẹp đẽ và kỳ diệu của thế giới thiên nhiên. Đấy là điều mà từ trẻ đến già ông vẫn giữ như thế. Ông hay dặn tôi là đừng bao giờ lo về vẽ như thế nào, mà chỉ lo trung thực với mình, thì nó sẽ ra cái của mình."

Những người đã gặp - ảnh 3
Giáo sư vật lý thiên văn Lưu Lệ Hằng (Jane Lưu)


Vâng, và cái phần mà Garrard đã nhắc tới: “những phản ứng của tinh thần” trong con người luôn tiến tới trên con đường khai phá, mới thật là lý thú, “chứ không phải chuyện họ làm được hay không làm được, ngoại trừ những cảm nhận hời hợt họ không hề thất bại”. Điều đó lý giải tại sao, dẫu Jane Lưu (tên Việt là Lưu Lệ Hằng) và David Jewitt khám phá mấy chục tiểu hành tinh ở vành đai Kuiper - một vành đai làm rõ hơn lịch sử Hệ Mặt trời; và khám phá của họ đã đoạt giải Kavli - như là “Nobel thiên văn học”, và thêm nữa Jane Lưu đã được đặt tên cho một tiểu hành tinh trong số đó; thì điều nhà nữ khoa học gốc Việt ở Mỹ này muốn nhắc vẫn là hành trình dài trước đó: 'Mới bắt đầu thì thật là mình không biết cái đó nó có hay không. Nhưng nếu tìm được thì thật là thú vị. Còn nếu mà không có thì mình cũng biết à ok ở đó không có gì khác nữa. Cái câu hỏi đó thật là quan trọng! Có,  hay không có, cũng là quan trọng nên mình gắng trả lời. Như vậy tôi mới làm. Trong 5 năm đó ai cũng hỏi là, tại sao mấy năm trời làm không được tại sao cứ tiếp tục, phí thì giờ, phí tiền, tại sao cứ tiếp tục làm như vậy? Nhưng mà tụi tôi nói là cái câu hỏi này quan trọng nên cứ ráng thêm một tí, ráng thêm 1 tí đi."


Những người tôi đã gặp ấy đều chung một cội rễ Việt, và cũng có những thành công sau không ít thất bại nơi xứ người.  Dẫu xa xứ với nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng như quý vị đã thấy, họ đều có chung sự dũng cảm và niềm tin vào giá trị của khoa học và nghệ thuật, gìn giữ những giá trị ấy để phụng sự  cuộc đời, một cách thủy chung.


Và mỗi cái Tết, với họ, là khởi đầu cho một mùa xuân lao động và sáng tạo. Như vẫn từng.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác