Phụ nữ Việt ở nước ngoài với văn hóa dân tộc

(VOV5) - Học tập, làm việc và tham gia các hoạt động xã hội là cách để phụ nữ có cơ hội quảng bá những nét đẹp của văn hóa Việt Nam. 

Sống và làm việc ở nước ngoài, những người phụ nữ Việt vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Học tập, làm việc và tham gia các hoạt động xã hội là cách để phụ nữ có cơ hội quảng bá những nét đẹp của văn hóa Việt Nam.

 Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Lấy chồng người Italia và định cư mười mấy năm tại thành phố Torino, chị Hà Kim Chi vẫn luôn luôn nhớ tới quê hương. Cách vài năm, chị lại đưa con  về Việt Nam  để giúp trẻ hiểu về những phong tục tập quán và văn hóa. Còn khi ở Italia, chị cũng tham gia rất nhiều hoạt động văn hóa, rồi dạy tiếng Việt như là cách để quảng bá hình ảnh Việt Nam cho bạn bè quốc tế. Chị Kim Chi tâm sự:“ Có những năm thành phố tổ chức chương trình văn nghệ dành cho cộng đồng các nước. Việt nam cũng tham gia và chúng tôi đại diện cho nền văn hóa Việt Nam, hát dân ca, biểu diễn áo dài. Giới thiệu sự phá hoại của chất độc da cam ở Việt Nam thì tôi tham gia biểu diễn ở Rạp Torino để khán giả hiểu được về Việt Nam trong chiến tranh”.

Phụ nữ Việt ở nước ngoài với văn hóa dân tộc - ảnh 1Chị Hà Kim Chi, giáo viên dạy tiếng Việt ở Italia

Tham gia giảng dạy tiếng Việt không phải cho người Việt mà chị muốn giúp những người Italia mong muốn được tìm hiểu về Việt Nam qua ngôn ngữ, rồi những gia đình Italia nhận nuôi các em nhỏ người Việt muốn con em của họ hiểu về nguồn gốc dân tộc. Đó cũng chính là điều chị làm trong gia đình của mình: “Con gái nói tiếng Việt được, nghe được, nhưng phát âm chưa chuẩn. Ẩm thực thì tôi nói với con, nên thích  ẩm thực Việt Nam, thích về Việt Nam và cháu cũng hỏi tại sao có phong tục này…”

Do ở nhiều khu vực, cộng đồng người Việt ít, hoặc sống rải rác, hoặc nhiều gia đình chưa ý thức được việc gìn giữ ngôn ngữ, văn hóa ở nước ngoài, nên việc duy trì văn hóa trong cộng đồng và ngay trong từng gia đình còn nhiều khó khăn. Nhiều chị đã thường xuyên vận động con em tham gia các lớp tiếng Việt, học trong gia đình, nói chuyện với con, làm các món ăn và động viên con tham gia các chuyến trại hè dành cho con em kiều bào để được khám phá, trải nghiệm về mảnh đất nơi cha mẹ mình sinh ra.

Hoàng Việt Nga, cô bé người Việt sống ở Belarus trong lần trở về quê hương đã chia sẻ niềm vui, sự thích thú khi được khám phá nhiều địa danh của đất nước từ Văn Miếu ở Hà Nội, đến Đền Hùng ở Phú Thọ rồi nhiều danh lam thắng cảnh ở miền Nam. Nga cũng cảm thấy, người Việt Nam ngày càng năng động, thân thiện. Yêu Việt Nam, Nga đã tích cực tham gia vào nhiều hoạt động tại Belarus để giới thiệu hình ảnh của đất nước mình: “Trường tổ chức sự kiện văn hóa, bọn em mặc áo dài, làm món nem, rồi giới thiệu văn hóa Việt Nam. ở nhà bố mẹ ăn món Việt, nói chuyện bằng tiếng Việt. Con em cộng đồng cùng nhau tập văn nghệ, múa hát cùng nhau. Khi đi ra ngoài em nói tiếng nước sở tại, về nhà dùng tiếng Việt nói với bố mẹ. Hè vẫn học tiếng Việt và bọn em có 1 group trên facebook nên không xa lạ về Việt Nam, kết nối được mọi người với nhau".

Phụ nữ Việt ở nước ngoài với văn hóa dân tộc - ảnh 2 Chị Phạm Trần Thùy Linh tham gia lớp tập huấn tiếng Việt tại Hà Nội

Giới thiệu về văn hóa Việt Nam cho người dân ở nước sở tại, với bạn bè nước ngoài là mong muốn của hầu hết phụ nữ Việt sống xa Tổ quốc. Phạm Trần Thùy Linh, một giáo viên dạy tiếng Việt ở Đài Loan ( Trung Quốc) cũng không nằm ngoài số này. Không chỉ dạy tiếng việt cho những chị em tân di dân hoặc người Đài Loan chưa hiểu về văn hóa Việt Nam, Linh còn cùng một số chị em tổ chức hội chợ triển lãm giới thiệu nét đẹp về văn hóa, con người và ẩm thực Việt. Linh cho biết:“Sau khi tham gia, tổ chức hội chợ triển lãm, người Đài Loan làm được thì sẽ đi trưng bày, sau đó, tổ chức cuộc thi nếu người Đài Loan nói được tiếng Việt, hiểu được nội dung trả lời thì được nhận 5 quà.  Chúng tôi tổ chức các trò chơi dân gian  Việt Nam, các trò chơi nhận được phiếu thì sẽ được đổi ẩm thực Việt Nam”.

Những việc làm của phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài đang giúp cho họ hòa nhập tốt, xóa dần những rào cản văn hóa và quan trọng hơn là giúp cho bạn bè nước ngoài biết đến Việt Nam, giúp cho con em họ hiểu được cội nguồn.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác