Ra mắt cuốn sách “Bác Hồ viết di chúc” bằng tiếng Bengali

(VOV5) - Đây là lần đầu tiên một cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh được dịch sang tiếng Bengali và được phát hành tới các độc giả Bangladesh

Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh vừa chủ trì, phối hợp với Hội Hữu nghị Bangladesh – Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt bản dịch sang tiếng Bengali từ bản tiếng Anh của cuốn sách “Bác Hồ viết Di chúc”, tác giả Vũ Kỳ do Nhà xuất bản Thế giới xuất bản năm 2013. Buổi lễ ra mắt cuốn sách đã được diễn ra trang trọng tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Dhaka. Trước khi buổi lễ diễn ra, các đại biểu đã thắp hương tưởng nhớ và bày tỏ lòng kính trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ra mắt cuốn sách “Bác Hồ viết di chúc” bằng tiếng Bengali - ảnh 1Cuốn sách Bác Hồ viết Di chúc bằng tiếng Bengali

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Nhà báo Ajoy Dasgupta, Phó Tổng Biên tập báo The Daily Samakal chia sẻ: “Tôi đã đọc rất nhiều cuốn sách về Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ có riêng cuốn sách này. Cuối của những năm 60 của thế kỷ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất của Việt Nam đã truyền ngọn lửa cách mạng tới Bangladesh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của chúng tôi. Khi tôi còn là sinh viên, tôi đã được đọc bản di chúc của Người, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được đọc cuốn sách bằng tiếng mẹ đẻ - tiếng Bengali.”

Ra mắt cuốn sách “Bác Hồ viết di chúc” bằng tiếng Bengali - ảnh 2Nhà báo Mostafa Kamal Majumder, người đề xuất ý tưởng dịch cuốn sách phát biểu.

Còn nhà báo Mostafa Kamal Majumder, báo Thế hệ châu Á, người đề xuất ý tưởng dịch cuốn sách về Bác Hồ sang tiếng Bengali, chia sẻ: “Trong một cuộc Hội thảo được tổ chức năm 2015, khi chúng tôi thảo luận về cuộc đời và sự nghiệp của Người, tôi thấy rằng mặc dù hai nước chúng ta có rất nhiều điểm tương đồng, nhưng người dân Bangladesh còn ít thông tin về Việt Nam nói chung và Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng bởi sự khác biệt về ngôn ngữ. Do vậy, tôi đã đề xuất ý tưởng dịch cuốn sách này sang tiếng Bengali để mọi người dân Bangladesh có cơ hội hiểu hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về ý chí quyết tâm và lòng dũng cảm, kiên cường của nhân dân Việt Nam”.

Ra mắt cuốn sách “Bác Hồ viết di chúc” bằng tiếng Bengali - ảnh 3Đại sứ Việt Nam tại Bangladesh Trần Văn Khoa phát biểu

Phát biểu tại Lễ ra mắt cuốn sách, Đại sứ Việt Nam tại Bangladesh Trần Văn Khoa nhấn mạnh: Đây là lần đầu tiên một cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh được dịch sang tiếng Bengali và được phát hành tới các độc giả Bangladesh; sự kiện này có ý nghĩa quan trọng trong việc giới thiệu và tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, giúp cho bạn bè Bangladesh hiểu được cuộc đời và sự nghiệp của Người; đồng thời lan tỏa những tư tưởng cách mạng của Hồ Chủ tịch về hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội tới những người bạn Bangladesh: “Cuốn sách này là một món quà đặc biệt tới người dân Bangladesh, đồng thời thể hiện lòng tôn kính của nhân nhân Bangladesh tới chủ tịch Hồ chí Minh, qua đó đề cao vai trò của chủ tịch Hồ Chí Minh tới sự nghiệp giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước. Đặc biệt nhân dân Bangladesh rất ngưỡng mộ công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay”.

Ra mắt cuốn sách “Bác Hồ viết di chúc” bằng tiếng Bengali - ảnh 4Đại sứ Trần Văn Khoa tặng hoa các khách mời

Việc dịch và xuất bản cuốn sách này là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh và Viện Nawab Salimullah - một tổ chức phi chính phủ của Bangladesh, được thành lập năm 1987 với mục tiêu tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân Bangladesh với nhân dân các nước anh em, bạn bè thông qua các hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, du lịch, thương mại và giáo dục. Ý tưởng dịch cuốn sách này được nêu ra trong một cuộc Hội thảo về quan hệ hai nước vào năm 2015 xuất phát từ tình cảm hữu nghị đặc biệt đối với đất nước, nhân dân Việt Nam nói chung và Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng. Sau một quá trình dày công chuẩn bị và nỗ lực triển khai từ việc dịch, biên tập, hiệu đính và qua nhiều lần trao đổi giữa Đại sứ quán và Viện Nawab Salimullah, đặc biệt kể từ nửa cuối năm 2016, cuốn sách đã được hoàn thành vào đúng dịp kỷ niệm 127 năm ngày sinh nhật chủ tịch Hồ Chí Minh. Quá trình dịch và xuất bản cuốn sách cũng đã nhận được sự hỗ trợ tích cực và tạo điều kiện thuận lợi của các cơ quan trong nước như Bộ Ngoại giao, Nhà Xuất bản Thế giới, Bảo tàng Hồ Chí Minh về vấn đề bản quyền và các tư liệu ảnh gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Ra mắt cuốn sách “Bác Hồ viết di chúc” bằng tiếng Bengali - ảnh 5Các đại biểu trong buổi ra mắt sách "Bác Hồ viết Di chúc" bằng tiếng Bengali 

Ông Muhammad Abdul Jabbar, Chủ tịch Viện Nawab Salimullah (đơn vị triển khai dịch và xuất bản cuốn sách) cho biết: “Thời gian tới, Viện chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều hoạt động nữa, trước mắt vào tháng 7 tới, Viện sẽ tổ chức Hội thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi cũng có kế hoạch tặng cuốn sách “Bác Hồ viết Di chúc” bằng tiếng Bengali cho các đại biểu và khách mời tới tham dự Hội thảo, cũng như tặng cho các nhà lãnh đạo của Bangladesh. Chúng tôi mong muốn thông qua các hoạt động này, sẽ giúp người dân Bangladesh hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Ra mắt cuốn sách “Bác Hồ viết di chúc” bằng tiếng Bengali - ảnh 6 Các cán bộ của ĐSQ trong buổi lễ ra mắt sách.

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Đại sứ quán và Viện Nawab Salimullah, thời gian tới hai bên sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức nhiều hoạt động như tổ chức Hội thảo và Triển lãm tranh vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức Hội thảo nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Bangladesh vào năm 2018. Những hoạt động đầy ý nghĩa này chính là cầu nối hữu nghị nhằm tăng cường sự hiểu biết và thắt chặt hơn nữa tình cảm giữa nhân dân hai nước, đồng thời làm sâu sắc hơn nữa quan hệ truyền thống giữa hai nước.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác