Thế hệ trẻ người Việt tài danh tại Bungari

(VOV5) - Học sinh, sinh viên gốc Việt tại Bungari đa phần có năng lực học tập khá tốt. Điều này là nhờ sự thông minh cũng như bản chất chăm chỉ, cần cù vốn có và truyền thống hiếu học của người Việt Nam.


Thế hệ trẻ người Việt tài danh tại Bungari - ảnh 1
Các cháu học sinh gốc Việt cùng các thầy cô trước Trung tâm tiếng Việt Lạc Hồng tại Sofia.



Nghe nội dung chi tiết tại đây:




Trong một buổi nói chuyện bên lề Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu tổ chức tại Bungari, ông Lê Hồ Khang, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Bungari, cho biết thế hệ trẻ người Việt sinh sống tại đây đang là niềm vinh dự, tự hào cho cộng đồng người Việt và nhà trường Bun. Các em học sinh sau khi học hết lớp 12 đều thi đỗ vào đại học ở Bungari, thậm chí với điểm số cao. Ông Nguyễn Đình Hùng, có gần hai chục năm dạy Toán cho học sinh gốc Việt tại Trung tâm Tiếng Việt Lạc Hồng, nhận thấy nhìn chung học sinh Việt Nam có sức học rất khá và phong trào học tập của các em cũng rất tốt: “Tôi rất mừng, trong năm 2015, có học sinh gốc Việt thi đỗ trường Đại học Y và trường Đại học Kiến trúc ở Bungari. Hai trường này thi rất khó, đặc biệt là trường Đại học Y”.

Một trong hai học sinh giỏi mà thầy Nguyễn Đình Hùng vừa nhắc đến là Triệu Thị Hoàng Liễu. Năm 2015, Liễu thi đỗ vào Đại học Y ở Sofia trong niềm vui của gia đình và cộng đồng người Việt ở đây: “Ở Bun có 5 đến 6 đại học Y, nằm rải rác ở một số thành phố. Đại học Y ở Sofia là đại học cổ nhất, nổi tiếng nhất nên khá khó để thi đỗ vào trường này. Trước đây, em học cấp 3 ở trường chuyên Anh 1. Đó là một trường khá nổi tiếng ở đây. Em học 5 năm cấp ba từ lớp 8 đến lớp 12 nên quen học nhiều rồi. Ở nhà cũng phải rèn luyện rất nhiều, học khá vất vả. Em rất vui khi đỗ vào trường Đại học Y”.

Liễu tự hào nói không chỉ những bạn cùng lứa với Liễu mà các em nhỏ tuổi hơn cũng đều học tốt. Nhiều em đã thi vào được các trường chuyên Đức, chuyên Pháp, chuyên Toán, là những trường đáng mơ ước của học sinh người Bun.

Để thế hệ trẻ gốc Việt tại Bun có được những thành tích đáng nể đó còn phải kể đến hậu phương vững chắc là các phụ huynh người Việt. Những ông bố, bà mẹ rất quan tâm đến việc học hành của con cái và luôn đầu tư cho con học hành đến nơi đến chốn. Như lời chị Nguyễn Thanh Hoa, một doanh nhân người Việt tại Sofia: “Sự quan tâm lớn nhất của các bậc phụ huynh là việc học hành và sự nghiệp của các cháu. Với tôi, cuộc sống ở Bun rất yên bình. Các cháu học ở đây rất thoải mái, áp lực không nặng nề. Con gái lớn của tôi là Nguyễn Bích Thủy Tiên đang học năm thứ hai Đại học Tổng hợp Sofia”.

Các hội đoàn người Việt tại Bun cũng tham gia tích cực và ủng hộ cho việc học của thế hệ trẻ gốc Việt. Ngay từ ngày đầu lập Hội người Việt Nam tại Bungari, ông Nguyễn Văn Đệ, khi ấy là Chủ tịch hội, đã đề xuất việc lập Trung tâm tiếng Việt Lạc Hồng với mục đích tạo không gian cho các cháu người Việt cùng nhau học tập tiến bộ: “Lúc đó chủ trương đặt ra, ngoài việc học tiếng Việt, chúng tôi gọi thêm các cháu có năng khiếu trong các lĩnh vực cùng vào học. Ngoài ra, cũng có lớp học để bổ trợ cho các cháu học còn yếu”.

Từ Trung tâm tiếng Việt Lạc Hồng này, dưới sự động viên, hướng dẫn, dìu dắt của các cô, bác người Việt trong đó có ông đồ Nguyễn Đình Hùng, đã có nhiều học sinh mang vinh quang về cho cộng đồng cũng như đất nước Bun. Có thể kể ra đây em Nguyễn Chí Dũng, con trai thứ hai của ông Nguyễn Văn Đệ, 6 năm liền ở trong đội tuyển Toán quốc gia Bungari và đã giành nhiều huy chương Toán học trong nhiều cuộc thi quốc tế tổ chức ở Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Nepal, Trung Quốc… Do giành nhiều thành tích cao tại các kỳ thi quốc tế, Nhà nước Bungari đặc cách trao quyền công dân cho em. Hiện nay, Nguyễn Chí Dũng đang là sinh viên trường Đại học Colombia ở New York, Mỹ với học bổng toàn phần.

Những thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam, cứ nối tiếp nhau phát huy truyền thống học tốt, đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho người địa phương và chính quyền ở đây. Hiệu trưởng trường Trung học chuyên Toán Sofia, bà Mariana Todorova luôn tự hào về các học trò Việt Nam đã và đang học tập tại trường. Bà khoe, nhiều thế hệ học sinh gốc Việt ở đây đã giành giải cao trong các cuộc thi Toán cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Đó là những cái tên như Đinh Văn Ngọc, Phan Anh, Nguyễn Chí Dũng và nhiều học sinh Việt Nam khác. Nhắc đến học sinh, sinh viên Việt Nam, bà Svetla Rakadjiska, giảng viên Trường Đại học Kinh tế Varna, Bungari, cho rằng, bà ngạc nhiên về khả năng toán học của các bạn trẻ Việt Nam và khâm phục tinh thần chịu khó học hỏi của các em.

Không những có thành tích cao trong học tập, nhiều em còn có ý thức hướng về cội rễ của mình bằng việc hưởng ứng sôi nổi các phong trào do Ban Bí thư trung ương đoàn phát động. Gần đây nhất, năm 2015, Hội sinh viên Việt Nam tại Bungari đã đóng góp kinh phí xây dựng một trường học của tỉnh Tuyên Quang, nơi cơ quan Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc (nay là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) đặt trụ sở trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Có em tâm sự, sau khi học xong, các em muốn về Việt Nam để phục vụ đất nước. Thế hệ trẻ gốc Việt tại đây đang là niềm tự hào, sự hãnh diện không chỉ của cộng đồng người Việt tại Bun mà còn tô thắm truyền thống hiếu học cũng như làm rạng danh đất nước Việt Nam trong lòng bè bạn của xứ sở hoa hồng.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác