Tiếng Việt: tình yêu của các bạn trẻ ở Phần Lan

(VOV5) - Ngoài học tiếng từ cha mẹ, các bạn trẻ có thể học nói tiếng Việt qua những chuyến về nguồn. 

Thế hệ trẻ người Việt được sinh ra và lớn lên ở nước ngoài hầu hết là nói và viết tiếng Việt chưa tốt cho dù các em cũng được giao tiếp trong gia đình hàng ngày. Với những gia đình đa văn hóa thì càng khó hơn. Ngoài học tiếng từ cha mẹ, các bạn trẻ có thể học nói tiếng Việt qua những chuyến về nguồn.

 Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Gặp các bạn trẻ người Việt ở Phần Lan trong một chuyến về nguồn, giữa tiết trời nóng bức của Hà Nội, nhưng các em đều rất vui vì được về và đi thăm nhiều địa danh lịch sử. Nhật Linh, có bố người việt và mẹ người Estonia, sinh ra và lớn lên tại Phần Lan nên cô bé nói tiếng Việt không thạo. Trong câu chuyện với Linh và với sự  giúp đỡ của một số bạn thì được biết, Nhật Linh cũng  được bố dạy tiếng Việt và giao tiếp trong gia đình từ nhỏ. Tuy nhiên, do công việc của bố cô bận bịu nên tiếng Việt không được sử dụng nhiều. Giao tiếp chủ yếu bằng tiếng Phần Lan, tiếng Anh càng làm vốn tiếng Việt trở nên ít ỏi. Được về quê hương, đi cùng với các bạn trẻ người Việt ở khắp nơi đã giúp cho Linh được học hỏi nhiều hơn:“Ở bên kia không dùng tiếng Việt nhiều lắm, nói chuyện với bố thôi. Ở đây nếu nói được với bạn các chuyện khác nhau thì học được nhiều. Nghe kịp những nhiều từ chưa hiểu được”

Tiếng Việt: tình yêu của các bạn trẻ ở Phần Lan - ảnh 1 Người trẻ Việt mê đắm thiên nhiên, cuộc sống ở Phần Lan.

Những bạn trẻ người Việt khi được trở về Việt Nam đều rất vui vì các bạn biết được nhiều điều mới mẻ hơn về quê hương đất nước.  Các bạn nói rằng, vui nhất là được nói tiếng Việt, điều mà ở nước ngoài sẽ rất khó và nhất là trong các gia đình đa văn hóa. Ngay cái tên Tomy của cậu học trò có mẹ là người Việt và bố là người Phần Lan cũng đã cho thấy rằng, những bạn trẻ lớn mang trong mình hai dòng máu với nền văn hóa pha trộn âu á thì việc giữ gìn truyền thống và ngôn ngữ dân tộc không phải là dễ. Mong muốn được nói ngôn ngữ mẹ là khát khao của các bạn trẻ sống ở nước ngoài, đúng như Tomy chia sẻ: : “Cháu muốn nói cùng mẹ tiếng việt thôi, còn không thì thôi cũng chả có lúc nào nói. Học ở trường không nói. Vui và bây giờ có bạn để nói chuyện thì vui hơn. Nhưng cũng chưa nghe nhiều được . Cháu rất  thích ở Việt Nam”.

Tiếng Việt: tình yêu của các bạn trẻ ở Phần Lan - ảnh 2 Các bạn trẻ Việt kiều tại Phần Lan  tranh thủ cơ hội hiếm hoi này để trau dồi tiếng Việt. - Ảnh minh họa: Tienphong.vn

Mỗi chuyến trở về sẽ giúp cho các bạn trau dồi thêm kỹ năng ngôn ngữ, tìm hiểu dần dần về văn hóa dân tộc, những địa danh của đất nước. Các bạn sẽ có thêm những người bạn mới, sẽ được giao tiếp nhiều hơn và các bạn cũng sẽ giúp nhau để cùng nghe và hiểu về những điều mắt thấy, tai nghe. Cũng dễ hiểu vì sao về một lần,  rồi các bạn lại muốn trở về nhiều hơn, thấy nhớ và yêu đất nước của mình hơn.

Cô bạn nhỏ Họa My, trên gương mặt không có nét nào Á Đông nhưng khi cất tiếng nói thì hoàn toàn ngược lại. Thạo tiếng Việt hơn các bạn trẻ khác ở Phần Lan do Họa My thường xuyên trở về Việt Nam thăm người thân và cũng được đến nhiều nơi. Tiếng Việt là ngôn ngữ mà My được mẹ dạy từ nhỏ. Học đọc và học viết, đọc sách và giao tiếp đã giúp cho cô bé sử dụng tiếng Việt khá tốt. Nhưng cũng như nhiều bạn trẻ khác, công việc của mẹ cô bận rộn nên cũng không thể dành nhiều thời gian cho cô. Mỗi lần trở về đối với My thực sự quý giá: Chưa đi học tiếng Việt thì mẹ dạy ở nhà, đọc sách và viết. Những năm trước thì mẹ bắt học nhiều hơn nhưng bây giờ thì cũng ít rồi. Cháu cũng ở Hà Nội nhiều lần rồi nhiều nơi cũng chưa đi qua những đi với họ hàng thì họ cũng quen ở đây rồi thì không đưa đi xem các địa danh. Cháu đọc nhưng không hiểu gì, nên cháu muốn biết nhiều thứ, xem nhiều thứ và học thêm nhiều thứ đi thăm quan những nơi mới và xem những nơi đấy.

Tiếng Việt: tình yêu của các bạn trẻ ở Phần Lan - ảnh 3 Các bạn trẻ được dịp giao lưu và nói tiếng Việt bên hồ Nokia thơ mộng. - Ảnh minh họa. Tienphong.vn

Sống ở nước ngoài, sinh ra trong các gia đình đa văn hóa, nhưng thế hệ trẻ người Việt ở Phần Lan đều mong muốn giữ được tiếng nói. Trong tâm hồn các em luôn có hình ảnh quê hương Việt Nam, có những từ, câu tiếng Việt mà cha mẹ dạy từ tấm bé. Để rồi lớn lên, các em lại mong muốn được tìm về cội nguồn, tìm hiểu và nói ngôn ngữ mẹ bằng tình yêu sâu đậm.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác