Trẻ em nơi sóng nước Trường Sa

(VOV5) - Tình yêu biển đảo của những công dân nhí Trường Sa sẽ lan tỏa đến các bạn nhỏ trong đất liền qua những câu chuyện kể dung dị nhưng đầy tự hào về một miền quê mà các em yêu thương ở Trường Sa.

Cuộc sống ngoài đảo xa gặp nhiều khó khăn về vật chất, thiếu thốn về tinh thần nhưng những em nhỏ trên quần đảo Trường Sa vẫn lớn lên khỏe khoắn, cứng cáp như những mầm cây phong ba vươn lên đón ánh nắng mặt trời trước sóng gió khơi xa.

Trẻ em nơi sóng nước Trường Sa - ảnh 1

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Những lớp học trên quần đảo Trường Sa đều được gọi là những lớp học đặc biệt. Vì sí số học sinh trong một lớp học không đông, lại nhiều độ tuổi khác nhau, cả mầm non và tiểu học. Các thầy giáo mới ra đảo, sau thời gian ban đầu bỡ ngỡ, đã nhanh chóng ổn định và đưa lớp vào nề nếp, giảng dạy theo đúng chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Dù thực hiện theo chế độ lớp ghép, nhưng các học sinh ở đây coi mỗi ngày đến lớp là một ngày vui.

Những khuôn mặt bầu bĩnh, thơ ngây vẫn rạng rỡ, tươi vui. Tiếng cười vẫn rộn rã vang xa trên mảnh đất đầy nắng gió mặn mòi của biển cả. Thầy giáo Lê Văn Mạnh, Trường tiểu học xã đảo Song Tử Tây, cho biết các em trên đảo luôn chăm ngoan và cố gắng học tập. Những học sinh sau khi học xong bậc tiểu học, trở về đất liền đều có thành tích học tập tốt: “Hiện tại ở đảo Song Tử Tây, các cháu học ngày hai buổi như trong đất liền. Các cháu sống và học tập ở ngoài này nên học tập theo tấm gương của các chú bộ đội. Thông thường sau khi tan học hoặc thứ bảy, chủ nhật, các cháu thường đến các đơn vị các chú bộ đội chơi, thăm và được nghe các chú kể những câu chuyện nên các cháu rất yêu quý các chú bộ đội”.

Học tập theo tấm gương của các chú bộ đội đang canh giữ biển trời Tổ quốc, các công dân nhí cũng sớm ý thức được việc bảo vệ và giữ gìn biển đảo của đất nước. Các em từ mầm non đến tiểu học đều thuộc làu bài thơ “Quê em Trường Sa”: "Quê em ở Trường Sa/ Những đảo chìm đảo nổi/ Quê em có biển trời/ Bốn mùa xanh bao la/ Sinh ra ở Trường Sa/ Em là con của biển/ Những chuyến tàu quê hương/ Mang hơi ấm đất liền…/ Yêu lắm chú bộ đội/ Dạy em hát em chơi/ Các bạn đất liền ơi/ Một lần ra đảo nhé/ Tự hào em sẽ kể/ Quê em ở Trường Sa".

Giọng đọc ngân vang của lũ trẻ ở nơi muôn trùng sóng gió khơi xa khiến những cô bác kiều bào ra thăm đảo không khỏi ngỡ ngàng. Trường Sa tưởng xa xôi mà nay thấy xiết bao gần gũi qua những câu thơ lấp lánh ánh nhạc trên môi trẻ nhỏ. Chị Nguyễn Phương Thủy, kiều bào Malaysia, tâm sự những lúc như thế này tình yêu Tổ quốc lại trào dâng mãnh liệt trong tim: “Tôi không nghĩ là tôi lại có được một chuyến đi dài như thế này. Khi bước chân lên đảo, cuộc sống ở đây có cơ sở vật chất được xây dựng khang trang Trẻ nhỏ có trường lớp học hành. Thực sự cảm thấy xúc động, mừng và hạnh phúc. Trước khi đi, tôi đọc báo, xem đài và hỏi thăm những người bạn đã đi trước nhưng thực sự vẫn không thể nghĩ được ở Trường Sa như thế này khi được mắt thấy tai nghe. Tôi sẽ chuyển tải cho bà con ở bên kia cuộc sống ở đây như thế nào và con cháu mình luôn luôn nhớ rằng Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam”.

Trò chuyện với những công dân nhỏ tuổi, trong đó có cô bé Nguyễn Ngọc Kiều Yến được sinh ra tại đảo Song Tử Tây hai năm trước với khuôn mặt rạng rỡ, tươi vui, những người con Việt xa quê hẳn yên lòng bởi đây chính là minh chứng cho sức sống của Trường Sa, là sự nối tiếp truyền thống của các thế hệ người Việt, nay mai sẽ tiếp bước bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trẻ em nơi sóng nước Trường Sa - ảnh 2
Trẻ em nơi sóng nước Trường Sa - ảnh 3 Những cậu học sinh ở đảo Sinh Tồn rất thích vẽ tranh. Các em thường vẽ biển và những con tàu.

 Nhiều năm nay, trong những chuyến ra thăm quần đảo Trường Sa, người Việt ở nhiều nước trên thế giới đã trực tiếp hoặc nhờ chuyển quà tặng cho các em nhỏ trên các đảo. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hạ đã giảng dạy 5 năm tại Trường Tiểu học xã đảo Sinh Tồn cho biết bà con kiều bào đặc biệt là các cô giáo lớp tiếng Việt ở Berlin, CHLB Đức, từ nhiều năm nay luôn có những tình cảm đặc biệt cho trẻ nhỏ Trường Sa: “Kiều bào luôn quan tâm động viên hỗ trợ vật chất cần thiết cho các học sinh ở đây. Tôi rất là cảm kích  đối với những người con xa xứ dành cho các cháu và Trường Sa. Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến các cô giáo của lớp tiếng Việt Sao Mai trước kia và nay là các cô giáo lớp tiếng Việt Hoa Ban, Berlin đã góp phần vào công tác giáo dục đào tạo ở Trường Sa từng bước được nâng cao hơn và đạt được những kết quả ngày càng tốt hơn”.

Trẻ em nơi sóng nước Trường Sa - ảnh 4 Những  ánh mắt trẻ thơ trong veo ở đảo Song Tử Tây khi được nhận quà yêu thích

Trong chuyến về thăm quê, biết tin có đoàn kiều bào ra thăm Trường Sa năm 2018, bà Tống Bích Thanh, đại diện cho câu lạc bộ tình bạn e.W ở Berlin, CHLB Đức, cũng nhờ gửi quà tặng cho các chồi non ngoài đảo. Từ đảo xa Song Tử Tây, Nguyễn Trương Quỳnh Thư, học sinh lớp ba, đã gửi lời cảm ơn đến các cô bác kiều bào: “Khi nhìn thấy các món quà, con thấy rất vui. Con sẽ giữ gìn nó. Con cảm ơn bà Tống Bích Thanh đã tặng cho con bút chì màu đa năng hộp gỗ này. Con xin chúc bà mạnh khỏe, thành công trong mọi việc. Con sẽ dùng bút này để vẽ phong cảnh biển, cây cối và các chú bộ đội”.

Trẻ em nơi sóng nước Trường Sa - ảnh 5 Các cháu bé cùng đoàn công tác biểu diễn văn nghệ tại cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa.

Lớn lên bên tiếng sóng vỗ ì ầm, những mầm non của khơi xa đều thích biển, yêu biển và ước mơ lớn lên sẽ góp sức bảo vệ và xây dựng biển đảo to đẹp và lớn mạnh. Tình yêu biển đảo ấy sẽ lan tỏa đến các bạn nhỏ trong đất liền qua những câu chuyện kể dung dị nhưng đầy tự hào về một miền quê mà các em yêu thương ở Trường Sa.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác