Ý kiến của kiều bào về nhận diện mô hình tăng trưởng của Việt Nam

(VOV5) - Đầu tháng 6 vừa qua, Bộ Ngoại giao - Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn Chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập giai đoạn 2016 – 2020. Diễn đàn đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.



Ý kiến của kiều bào về nhận diện mô hình tăng trưởng của Việt Nam  - ảnh 1
Diễn đàn có sự tham gia của đông đảo chuyên gia, trí thức người VN ở nước ngoài. Ảnh: quehuongonline




Nghe nội dung chi tiết tại đây:




Diễn đàn Chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập lần đầu tiên tổ chức tại  VN. Tham dự diễn đàn có 30 đại biểu là các chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, hiện đang nghiên cứu, giảng dạy, làm việc tại các trường đại học của Mỹ, Pháp, Ôxtrâylia, Nhật..., có nhiều kinh nghiệm quốc tế và tâm huyết đóng góp cho đất nước. Có thể kể đến: GS.TS Nguyễn Đức Khương (Pháp), PGS Trần Nam Bình (Ôxtrâylia), GS. Trần Ngọc Anh (Hoa Kỳ), GS Lê Văn Cường (Pháp), GS. Nguyễn Quốc Vọng (Ôxtrâylia), GS. Trần Hải Linh (Hàn Quốc), TS Nguyễn Trí Hiếu (Hoa Kỳ), TS. Nguyễn Minh Hà (Mỹ)...

Với chủ đề: “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu”, diễn đàn đã tập hợp được 16 bài tham luận và 14  ý kiến thảo luận, tập trung vào một số vấn đề. Trong đó, việc nhận diện mô hình tăng trưởng của Việt Nam được khá đông trí thức kiều bào trình bày tham luận và tham gia góp ý kiến. Vấn đề tái cơ cấu hệ thống tài chính – ngân hàng là cần thiết để làm cho nền kinh tế cạnh tranh hơn trong thời điểm khó khăn hiện nay. GS Nguyễn Đức Khương, Đại học Paris, Chủ tịch Hội khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp cho rằng để có một thị trường tài chính ổn định đối với các chủ thể kinh tế đặc biệt trong điều kiện toàn cầu hóa tài chính như hiện nay, Việt Nam phải tham gia vào “cuộc chơi có tính bắt buộc” của tự do hóa tài chính, đồng thời biết cách quản lý các rủi ro đến từ đó: “Tôi nghĩ rằng các chính sách điều phối tài chính của nhà nước cần phải có sự cân đối giữa hệ thống ngân hàng với đơn vị đang cung ứng tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh”.


Ý kiến của kiều bào về nhận diện mô hình tăng trưởng của Việt Nam  - ảnh 2
GS. Nguyễn Đức Khương (Pháp) trình bày tham luận. Ảnh: quehuongonline



Phát biểu tại diễn đàn, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, kiều bào Mỹ, nêu ý kiến, việc chuẩn bị của ngành ngân hàng Việt Nam cho hội nhập đang trở nên cấp thiết. Ông cho rằng ngân hàng trung ương đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành ngân hàng. Ông hoàn toàn đồng ý và hoan nghênh chủ trương của ngân hàng trung ương là  bắt buộc các ngân hàng yếu kém phải tái đầu tư. Tuy nhiên, vốn của các ngân hàng đi vào cạnh tranh trong khu vực ít nhất là trong khu vực Đông Nam Á, nguồn vốn chủ sở hữu phải có 5 tỷ đô la Mỹ để có tổng tài sản 50 tỷ đô la. Như thế mới có khả năng cạnh tranh. Hệ thống ngân hàng Việt Nam cần phải đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Việc tái cơ cấu các ngân hàng không chỉ tập trung vào số lượng mà về thực chất.


Tại diễn đàn, các đại biểu trí thức kiều bào cũng sôi nổi bàn luận về việc phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế. GS Huỳnh Hữu Tuệ, người Việt ở Canada, bày tỏ tâm tư về việc đào tạo nguồn nhân lực hiện nay: “Xây dựng lại tinh thần đào tạo con người để có bản lĩnh có tinh thần trách nhiệm. Muốn làm được điều đó phải có tư duy tự do và tư duy phản biện. Hai điều này sẽ giúp cho từng cá nhân một phát huy cao độ khả năng tư duy sáng tạo của mình”.

Có một số tham luận lại đề cập vấn đề hệ thống y tế cho Việt Nam và những sự hỗ trợ nghĩa tình từ bạn bè quốc tế trong lĩnh vực này. Vì bận không về tham dự Diễn đàn được nhưng GS Ngô Bảo Châu cũng đã gửi một video nêu ý kiến về việc nghiên cứu phương hướng cải cách giáo dục đại học Việt Nam của nhóm đối thoại giáo dục: “Chúng tôi có một số trải nghiệm thực tiễn cả ở Việt Nam và cả ở các trường đại học trong các nước phát triển. Hi vọng nghiên cứu được xuất phát từ các đối sánh giữa đại học Việt Nam và đại học ở các nước phát triển. Trong báo cáo, chúng tôi nêu một số đề mục cải cách giáo dục đại học trong đó nêu rõ tính cấp thiết của cách cung cấp một số cơ sở lý luận đầy đủ và chặt chẽ cho các biện pháp cải cách”.

Tựu chung, các tham luận đều “hiến kế” ở một số lĩnh vực khác nhau nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu. Những chuyên gia, trí thức kiều bào vẫn luôn đau đáu hướng về Tổ quốc, tìm mọi cơ hội có thể để góp sức mình đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước, những mong đất nước đi lên, mạnh và giàu hơn nữa./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác