Âm vang giai điệu chiêng, trống Cơtu

(VOV5) - Người Cơ Tu có 3 loại trống khác nhau, trống lớn gọi là k’thu, cha gơr bơh, trống trung là pâr lư, trống nhỏ char gơr katươi.

Người Cơtu ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, sử dụng chiêng, trống khá phổ biến trong các hoạt động cộng đồng. Chiêng,trống vừa là nhạc cụ, vừa là tín hiệu thông báo những hoạt động lễ hội, sinh hoạt trong buôn làng. Ở những ngôi nhà làng truyền thống luôn có những chiếc trống lớn nhỏ đặt trên giá, khi cần thì đồng bào mang ra dùng.

 Nghe âm thanh chương trình tại đây:

Người Cơtu có 3 loại trống khác nhau, trống lớn gọi là k’thu, cha gơr bơh, trống trung là pâr lư, trống nhỏ char gơr katươi. Mặt trống làm từ da sơn dương, da mang, vì các loại da này rất mỏng, tiếng trống mới vang. Da trâu, da bò ít khi dùng vì quá dày, trống không kêu.

Khi làm trống, người ta cần dây mây già, dài đến 20-30m, chọn ra đoạn tốt nhất để làm dây kéo căng mặt trống. Tang trống làm bằng những loại gỗ tốt. Trống lớn khi đánh âm vang vọng, trống nhỏ làm nhịp điệu, phụ hoạ. Trống thường dùng để đánh hoà âm với chiêng làm nhịp điệu trong các vũ điệu tập thể. 

Âm vang giai điệu chiêng, trống Cơtu  - ảnh 1Say sưa trong điệu trống Cowtu-Ảnh Báo dân tộc 

Ông Pnong Plenh ở xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Đối với đồng bào Cơ tu, cái chiêng cái trống là quan trọng. Khi mà bắt đầu vào lễ hội lớn, một là đám cưới, hai là lễ kết nghĩa, ba là đám ma. Cái chiêng đi trước. Cái chiêng xong đến cái thanh la, cái trống cái. Trống cái, trống trung và một cái trống giữa. Thường thường là ba cái trống.

Chiêng, trống có vai trò quan trọng trong các lễ hội cộng đồng của người Cơtu. Có người còn cho rằng, âm thanh của trống khởi nguồn cho điệu múa truyền thống Cơtu. Sau khi giàn trống chiêng ngân lên “tùng…tùng”, “tư…tư”, “tiing toàng…” người con gái Cơtu bước ra trước biểu diễn các động tác múa rồi mới đến đàn ông con trai. Đi trước trong đám múa là nữ, đi sau là nam, nếu múa đông người thì vòng trong là nữ vòng ngoài là nam, thể hiện sự che chở của đàn ông với người đàn bà, con gái.

Ông A Lăng Tưng ở xã  Lăng, huyện Tây Giang, cho biết: "Có trống có chiêng, nhưng trống là chủ đạo. Có 5 đến 6 điệu trống. Chiêng và thanh la thì theo nhịp. Khi đánh trống, đánh chiêng thì quan trọng là đúng nhịp, đều tay. Khi một tiếng trống cất lên thì những tiếng khác cất theo. Người đánh trống là người quan trọng nhất của đội.

Âm vang giai điệu chiêng, trống Cơtu  - ảnh 2Điệu múa trên nền trống chiêng CowTu -Ảnh Báo Dân tộc 

Trống và chiêng là linh hồn sống, là thanh âm gọi mùa màng bội thu, dân làng khỏe mạnh. Thông qua các nghi thức cúng lễ, cầu mùa màng, cầu an trong các tập tục, trong các lễ hội lớn nhỏ của làng, âm thanh của tiếng trống, tiếng chiêng đã trở nên rất đỗi quen thuộc mà mỗi người dân đều hiểu các thông điệp của chúng là gì.

Ông A Lăng Tưng cho biết thêm: "Ngày xưa chưa có điện thoại, bà con sống thưa thớt. Thông qua tiếng chiêng tiếng trống là người ta biết có chuyện gì, là làng hội họp hay bắt được con thú rừng hoặc có ai ốm đau.  Một hồi trống là ký hiệu có chuyện gì, ba hồi trống là tín hiệu gì."

Trống, chiêng là nhạc cụ gắn liền với đời sống tâm linh, văn hóa của đồng bào các dân tộc nói chung, người Cơtu nói riêng. Nó là vật quý giá của buôn làng, làm nên nét đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào như âm nhạc, hát múa, lễ hội truyền thống… Hình ảnh người đàn ông đánh chiêng, gõ trống trong các lễ hội vì thế bao giờ cũng được các nghệ nhân khắc họa một cách cô đọng, sống động để trang trí trong những ngôi nhà Gươl truyền thống của người Cơtu.

Tin liên quan

Phản hồi

Trần bá tân

Trong lễ hội,đánh trống trước rồi chiêng đánh theo hay chiêng đánh trước trống đánh theo?

Các tin/bài khác