Dân tộc Vân Kiều

(VOV5) -  Người Vân Kiều vốn có nền văn hóa, văn nghệ dân gian rất phong phú. Họ dùng nhiều loại nhạc cụ như cồng, chiêng, đàn ta lư, kê amam, kèn pi, đàn môi, trống, sáo.


Quảng Trị là nơi cư trú chủ yếu của dân tộc Vân Kiều, Pa Cô, trong đó đông nhất là dân tộc Vân Kiều, cư trú tập trung tại huyện Hướng Hóa, Đakrông, thị trấn Lao Bảo. Người Vân Kiều còn có tên gọi khác như Tri, Khùa, Ma Coong, còn tên tự gọi là Bru. Cộng đồng dân tộc Vân Kiều ở Quảng Trị có truyền thống đoàn kết xây dựng quê hương. Trong kháng chiến người Vân Kiều một lòng một dạ đi theo cách mạng và Chủ tịch Hồ Chí Minh và họ tự hào lấy họ Hồ làm họ của mình.



Dân tộc Vân Kiều - ảnh 1
Trong các lễ hội của người Bru Vân Kiều không thể thiếu bình rượu cần. Ảnh: dantocviet.vn



Nghe nội dung chi tiết tại đây:




Từ bao đời nay, người Vân Kiều sinh sống chủ yếu bằng canh tác ruộng, rẫy. Họ thường tìm đất canh tác ở nơi có rừng già, nhiều cây cối, ít gió, bảo đảm cho việc sản xuất. Người Vân Kiều cấy lúa, ngoài ra trồng thêm sắn, ngô, khoai, bầu, bí và chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà. Người Vân Kiều định cư lâu đời men theo dọc quốc lộ 9, còn phần đông họ sống biệt lập trên những quả đồi hoặc lưng chừng núi. Các nhà trong làng thường được xếp đặt theo chiều dài của các khúc sông, hoặc con suối, có nơi làng được bố trí theo hình bầu dục, tròn. Mỗi làng có một hoặc nhiều dòng họ cư trú. Gia đình Vân Kiều là gia đình phụ quyền, người đàn ông cao tuổi trong gia đình là người làm chủ gia đình. Khi người chủ gia đình chết, mọi quyền hành và tài sản được giao cho người con trai cả.

 Người Vân Kiều vốn có nền văn hóa, văn nghệ dân gian rất phong phú. Họ dùng nhiều loại nhạc cụ như cồng, chiêng, đàn ta lư, kê amam, kèn pi, đàn môi, trống, sáo. Người Vân Kiều có nhiều truyện cổ truyền miệng kể về sự tích loài người, dòng họ, nguồn gốc tổ tiên. Ông Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc Sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Quảng Trị, cho biết các làn điệu dân ca của người Vân Kiều cũng đặc sắc và có nhiều nét riêng: “Kho tàng văn hóa của các dân tộc Vân Kiều có những nét rất độc đáo. Ví dụ như dân ca có các làn điệu mang bản sắc riêng,  thanh niên nam nữ trong những mùa yêu nhau dùng những làn điệu riêng trong giao lưu. Thứ 2 là những làn điệu mừng lúa mới, mừng nhà mới, cũng có những làn điệu rất riêng như lễ hội đâm trâu, lễ hội vào mùa. Chúng tôi thông qua những hội diễn để lưu giữ những làn điệu này và phong trào truyền dạy dân ca cũng đang được triển khai tốt”.

Theo truyền thống, người Vân Kiều coi trọng việc thờ cúng tổ tiên, ngoài ra còn thờ các thần linh như thần lúa, thần bếp, thần núi, thần đất, thần sông nước. Người Vân Kiều nhận thức về thế giới quan cho rằng vạn vật hữu linh. Vì vậy thần lúa, thần sông được sắp xếp thứ tự để thờ trong nhà và ngoài rừng với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Đặc biệt là thần lúa được nâng lên cao nhất, được sùng bái với nhiều lễ thức quan trọng. Người Vân Kiều khi thu hoạch phải có sự đồng ý của Kăn Tro tức là mẹ lúa. Trước và sau thu hoạch họ cúng mẹ lúa mừng cơm mới. Với người Vân Kiều, thờ họ hàng bên gia đình nhà vợ cũng là nghĩa vụ và bổn phận của người con rể.

Trong sinh hoạt cộng đồng, người Vân Kiều cởi mở, chân thật và quý trọng khách. Họ quan niệm gia đình nào có khách ngủ lại, gia đình đó trong năm gặp nhiều may mắn, làm ăn phát  đạt. Mỗi khi có khách đến nhà, cả làng, cả bản đều thân thiện có khi cùng chung nhau tiếp khách. Tập tục ăn uống của người Vân Kiều chủ yếu là sản phẩm từ tự nhiên như lúa nếp sắn khoai, các loại rau. Cách chế biến đơn giản, tươi sống, tổng hợp, các nguồn thức ăn dự trữ thì làm mắm, hơ bếp lửa hoặc xông khói. Hàng năm đồng bào thường tổ chức uống rượu cần, mở hội múa hát vào các dịp cúng mùa, lúa mới, lễ phong trần. Ông Hồ Thanh Bình, người Vân Kiều ở Lao Bảo, Quảng Trị cho biết: “Ngày lễ vẫn giữ gìn các loại nhạc cụ của dân tộc vân Kiều. Trong lúc cúng phải có cồng chiêng nổi lên. Người tập trung cúng để mùa được tốt, con người phải vui vẻ mà vui vẻ thì phải nhảy, múa, hát hò”.

Nhà ở  của người Vân Kiều chủ yếu là nhà sàn. Nhà của người Vân Kiều có quy mô nhỏ, là nơi sinh hoạt cho từng gia đình, nhà  làm theo kiểu hai mái tròn hoặc mái vuông hai đầu. Chiều dài của một ngôi nhà dài hoặc ngắn tùy thuộc vào lượng người sống trong gia đình, có khi phụ thuộc vào kinh tế gia đình. Hai bên đầu hồi có những hình trang trí bằng gỗ theo kiểu sừng trâu hay đôi chim vừa để khỏi tốc mái vừa mang tính thẩm mỹ. Cách bố trí trong nhà tuân theo một trật tự nhất định. Kể từ phải sang trái buồng đầu tiên là chỗ tiếp khách, tiếp đến là các buồng ở, thứ tự người già, vợ chồng, con cái và cuối cùng là gian để đồ đạc…Mỗi buồng cách nhau tấm liếp, có cửa ra vào nhưng không có cánh cửa. Trong nhà thường xuyên có bếp lửa để nấu nướng, mùa đông có bếp phụ ở gian phòng khách để nam giới và khách nam sưởi ấm. So với người Thái, Tày thì kỹ thuật làm nhà sàn của người vân Kiều đơn giản hơn rất nhiều, vật liệu chủ yếu lấy từ rừng. Khi nhà đã hoàn thành và chuẩn bị chuyển lên ở, người Vân Kiều thực hiện đầy đủ các nghi lễ bắt buộc như: chọn ngày giờ cúng ma nhà mới, tạ ơn giàng, trình báo với gia tiên, cảm ơn dân làng đã giúp đỡ gia đình trong thời gian dựng nhà...  Trong cách thức dựng nhà sàn xưa của người Vân Kiều luôn tuân theo những quy tắc riêng rất chặt chẽ. Tạo sự thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, không có những điềm xấu xảy ra trong suốt quá trình ở. Ngày nay dù cuộc sống có thay đổi nhưng người Vân Kiều ở Quảng Trị vẫn giữ lại nhiều nghi lễ, nét sinh hoạt đặc trưng của dân tộc mình./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác