Độc đáo ngôi nhà sàn của người Mường Bi, Hòa Bình

(VOV5) - Dù cuộc sống có đổi thay nhưng những ngôi nhà sản của người Mường Bi ở Hòa Bình vẫn được gìn giữ từ cách chọn hướng, dựng nhà cho tới cách bố trí đồ vật trong ngôi nhà. Qua bao thế hệ, người dân tộc Mường vẫn giữ nguyên nét bình dị trong kiến trúc xây cất nhà sàn cổ, nhưng chứa đựng những vẻ đẹp độc đáo.


 Độc đáo ngôi nhà sàn của người Mường Bi, Hòa Bình - ảnh 1


Nghe nội dung chi tiết tại đây:
  


Người Mường Bi ở xóm Ải, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình vẫn giữ nguyên những tập tục sinh hoạt, tín ngưỡng thờ cúng, cách ăn, mặc. Đặc biệt ngôi nhà của người Mường Bi giống như bảo tàng cổ về đời sống của họ. Theo già làng Bùi Văn Khẩn về thăm ngôi nhà của gia đình ông, ngôi nhà sàn đặc trưng của dân tộc Mường Bi. Ngôi nhà đơn sơ, mộc mạc, mọi đồ vật trong nhà đều có ý nghĩa quan trọng đối với các thành viên trong gia đình. Ngôi nhà sàn làm bằng gỗ, nền nhà lát bằng những phên tre, nứa được đập dập. Mùa hè thì gió thổi qua các khe khiến ngôi nhà rất mát nhưng mùa đông thì cũng lạnh buốt nhưng  ông Khẩn cũng như nhiều người dân ở xóm Ải đều muốn không muốn thay đổi: Các nơi làm sàn nhà bằng gỗ nhưng ở đây muốn giữ bản sắc Mường, vì đây là làng cổ mà.  Trong cái làng này có 23 hộ là ở nhà sàn to chưa có ai làm sàn gỗ. 

Với người Mường ngôi nhà là tài sản lớn, là nơi để họ hướng về tổ tiên, cội nguồn. Nên người Mường rất thận trọng khi chọn đất, chọn hướng làm nhà. Chọn hướng sao cho phù hợp với địa hình và khuôn đất, tuy nhiên nhà không được ngược với hướng đồi núi. Người Mường quan niệm làm nhà đúng hướng sẽ đem lại tài lộc, may mắn đến với gia đình. Ông Khẩn cho biết: Vào trong  ngôi nhà  thấy bàn thờ của gia chủ đặt ở hướng nào thì đó là bên trên. Bên cửa số kia là bên dưới. Bàn thờ đặt theo hướng nhà. Nhà hướng nào thì bàn thờ hướng đó. Đa số nhà làm theo hướng Đông nam. 


Nhà của người Mường có hai cầu thang lên xuống. Một  phía trước nhà, một đặt ở cửa sau gần với vại nước, bếp tiện cho việc đi lại, nấu nướng của người phụ nữ. Cũng giống như nhiều dân tộc ở miền núi, nhà sàn của người Mường được làm số lẻ 3, 5, 7, 9 bởi số lẻ sẽ đem lại may mắn, sự sinh sôi nảy nở. Bếp thường được để ở gian giữa và bếp chính là linh hồn của nhà sàn Mường, nó không chỉ là nơi để nấu ăn đơn thuần mà còn là nơi để tâm tình, chia sẻ. Khi mùa đông đến, cả nhà ngồi quây quần bên bếp lửa, chia sẻ  những chuyện thường ngày.Ngày nay, bếp được người Mường làm thành một gian riêng để ở phía sau để tiện cho việc sinh hoạt, nấu nướng. Một ngôi nhà sàn thường được chia thành các gian, nhà càng nhiều gian chứng tỏ gia đình đó càng khá giả. Mỗi gian bày biện những đồ vật khác nhau, có những ý nghĩa nhất định. Mỗi thành viên trong gia đình cũng được phân chia ở theo thứ tự và có nguyên tắc nhất định. Ông Bùi Văn Hai, ở xóm Ải nói: Đôi vợ chồng mới cưới nhau được ngủ gian trong cùng. Ai chưa có vợ, chồng thì ở gian giữa còn bố mẹ ở gian ngoài. Còn nếu có khách thì ngủ gian ngoài cùng. Còn ăn cơm có khách thì ngồi ăn ở gian ngoài còn chỉ có gia đình bình thường thì ăn ở gian giữa. Ngồi ăn cơm thì những ai hơn tuổi thì ngồi ở trên phía hướng ra cửa sổ còn còn cháu ngồi lần lượt theo tuổi ở phía dưới. Nếp sống sinh hoạt là như thế. Kể cả ngồi uống nước, sinh hoạt, làm việc gì  cũng vậy, lấy cửa sổ làm hướng chính. 

Cửa sổ ở ngôi nhà của người Mường được gọi là voóng. Mỗi gian có từ 1 đến 2 cửa voóng. Mỗi voóng trong ngôi nhà đều có tên và có ý nghĩa riêng. Có một điều cấm kỵ là con dâu, côn rể không được phép ngồi lên cửa số. Họ chỉ được ngồi khi nào bố mẹ qua đời, lúc đó họ trở thành người chủ của gia đình. Ông Hai cho hay: Cửa sổ cũng có tên cửa. Người Mường đặt tên tính từ cửa sổ đầu tiên là voóng toong, voóng hai, voóng khựa, voóng coong, voóng tốt, voóng lèo. Mỗi voóng liên quan đến việc thờ cúng. Thờ cúng tổ tiên thì ở ỏ voóng toong. Còn để cầu nguyện cho con trâu bò thì cúng ở voóng lèo. Còn các cụ già đến tuổi gần quá cố cúng làm vía thì cúng ở voóng khựa, còn các cháu mới sinh cúng mụ ở voóng coong. 

Thời gian người Mường làm nhà thường vào tháng giêng, hai, ba, năm. Ông Hai cho biết mỗi khi trong làng có người làm nhà thì cả làng đều xúm vào giúp: Hôm dựng nhà thì đánh trống hô làng tập trung làm. Bây giờ điều kiện phát triển chứ trước cả làng có quy định lợp gianh thì mỗi nhà chuẩn bị bao nhiêu phiên đóng góp. Đóng góp lần lượt đến nhà nào cũng vậy, cộng đồng giúp đỡ lẫn nhau. Có người thì còn giúp cái cột, cái kèo, sau này họ làm nhà thì mình lại trả lại. Làm nhà mất 1000 phên gianh thì trong làng có 30 hộ thì phải lo 300 phên. Đến ngày thì họ tự lên đồi cắt gianh về phơi, đánh thành từng phên. 


Trải qua bao thế hệ, đến nay mỗi ngôi nhà sàn của người Mường Bi ở Hòa Bình vẫn giữ được đầy đủ những đặc điểm kiến trúc cổ xưa, thể hiện được dáng dấp của một nền văn hóa có từ lâu đời. Bởi mỗi ngôi nhà sàn là minh chứng rõ nét nhất về cuộc sống và những phong tục, tập quán của người Mường Bi./.

Phản hồi

ngo trong vang

cho hỏi có thợ lắp nhà sàn ko

Các tin/bài khác