Độc đáo “tín vật” tình yêu của dân tộc Chu ru

(VOV5) - Vùng đất Tây Nguyên lôi cuốn du khách bởi phong cảnh hùng vỹ cùng những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc, trong đó có đồng bào các dân tộc Chu ru. Dân tộc Chu ru có những phong tục tập quán mang bản sắc riêng, nhất là trong phong tục hôn nhân, lễ cưới, đặc biệt là đôi nhẫn cưới - tín vật trao duyên của những cặp nam nữ nên duyên vợ chồng.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Đối với người Churu chiếc nhẫn bạc là loại trang sức mà ai cũng có, từ già trẻ đến trai gái, không phân biệt giàu nghèo và không thể thiếu trong các dịp lễ quan trọng như lễ, tết, cưới, hỏi… Dân tộc Churu theo chế độ mẫu hệ nên khi nhà gái đi hỏi chồng cho con thì không thể thiếu đôi nhẫn bạc là sính lễ chính theo yêu cầu của nhà trai, nếu không có nhẫn bạc thì sẽ không làm đám hỏi được. Đối với họ, chiếc nhẫn bạc này như một kỉ vật quan trọng, nó là minh chứng cho tình yêu cũng như trách nhiệm vợ chồng trong gia đình.Bà Lương Thanh Sơn, Nhà nghiên cứu dân tộc Tây Nguyên, chia sẻ: Cặp nhẫn được đôi trai gái trao cho nhau cũng thể hiện sự gắn kết bền chặt và thuận hòa giữa hai dòng họ bởi nhà trai chấp thuận gả con cho nhà gái không đòi hỏi sính lễ cao sang mà chỉ cần một đôi nhẫn bạc làm tin, họ sẽ giữ làm kỉ niệm ghi nhớ ngày nên duyên chồng vợ của đôi trẻ: Cặp nhẫn đó thể hiện cho tình yêu đôi lứa và trong hôi nhân không thể không có cặp nhẫn này. Cặp nhẫn như một thứ bắt buộc và cặp nhẫn luôn luôn phải cùng nhau, thiếu một cái là cuộc hôn nhân gặp trắc trở.

Độc đáo “tín vật” tình yêu của dân tộc Chu ru - ảnh 1
Anh Kajong Ja Tuất đang chế tác và những sản phẩm nhẫn bạc đã hoàn thiện. Ảnh: baolam dong.vn



Nhẫn cưới của người Churu là hai chiếc khác nhau có tên là “srí”(nhẫn mái) là chiếc nhẫn dành cho nữ giới và “sră” là chiếc nhẫn dành cho nam giới (nhẫn trống). Khi trai gái trao nhau chiếc srí, sră được chạm khắc tinh vi bằng bạc, họ cùng nguyện cầu sẽ không bao giờ chia xa. Vì đối với họ, chiếc nhẫn bạc này là biểu tượng cho một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc vẹn tròn… Người Churu có câu “Thích anh rồi, em tặng chiếc nhẫn thiêng/ Mong sớm ngày nên duyên chồng vợ” vì vậy đôi nhẫn mang một giá trị văn hóa tinh thần to lớn, khiến du khách trong nước và nước ngoài tò mò, khám phá: Những chiếc nhẫn đều do chính đôi bàn tay của đồng bào dân tộc Chu ru làm ra. Hiện đã có một làng nghề làm nhẫn. Đồng bào Chu ru hay gọi là “nhẫn trống”, “nhẫn mái”, nó được coi như những chiếc vòng tay cầu hôn của các dân tộc khác ở Tây Nguyên. Tên gọi “nhẫn trống”, “nhẫn mái” cũng như các dân tộc ở Tây nguyên gọi, ví dụ như người dân tộc Ê Đê gọi hai dòng sông Krong Ana và Krong Nô nghĩa là “dòng sông mẹ” và “dòng sông cha”. Nhẫn trống và nhẫn mái hiểu đơn giản như là nhẫn cho người chồng và người vợ.

Độc đáo “tín vật” tình yêu của dân tộc Chu ru - ảnh 2
Kiểu dáng nhẫn độc đáo. Ảnh: vanhien.vn


Hiện đồng bào Churu vẫn duy trì nghề truyền thống và ngày càng nhiều người tiếp nối nghề làm nhẫn bạc của dân tộc, trong đó có nghệ nhân Ya Tuất, ở xã Tu Tra – huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Nghệ nhân Ya Tuất cho biết nguyên liệu chính để tạo khuôn đúc là sáp ong rừng, đất sét và phân trâu. Đầu tiên, sáp ong được nấu chảy, lấy dùi gỗ nhúng vào sáp nóng, để nguội sẽ cho ra một ống sáp tròn. Tùy theo kích thước của ngón tay mà nghệ nhân cắt thành những chiếc khoen tròn lớn nhỏ. Tiếp đến, phần hoa văn trên nhẫn được nghệ nhân vê từ sáp ong, cứ ba sợi sáp tạo nên một viền hoa văn. Cuống nhẫn cũng được làm từ sáp, dài khoảng 2cm, bên trên có gắn chiếc phễu bằng lá cây để rót bạc. Tạo dáng cho nhẫn sáp xong, người làm đem nhúng đều vào dung dịch phân trâu trộn lẫn với đất sét rồi đưa đi phơi nắng chừng nửa ngày đến một ngày cho khô hoàn toàn. Kế tiếp, nghệ nhân mang khuôn sáp đã phơi khô nung trên than lửa, sáp ong nóng chảy, phần dung dịch phân trâu đất sét còn lại sẽ tạo thành một khuôn đúc. Sau đó đem bạc nấu chảy đổ vào khuôn, chiếc nhẫn hình thành. Sau đó người làm mài rửa, đánh bóng cẩn thận, và đính thêm hạt kơnia màu đỏ tươi hoặc đỏ sậm vào mặt trên của nhẫn dành cho nam; còn nhẫn dành cho nữ, chỉ cần đánh bóng phần hoa văn và bề mặt là được. Nghệ nhân Ya Tuất chia sẻ: Làm nhẫn khó nhất là khâu làm khuôn. Học nghề làm nhẫn rất khó bởi người làm tinh mắt, đôi bàn tay khéo léo. Bản thân ông đã làm nhẫn 20 năm, trong đó phải học 3 năm mới làm được chiếc nhẫn đầu tiên:Cuộc đời tôi đã gắn bó rất lâu với nghề làm nhẫn. Tôi cũng đã truyền dạy lại nghề cho các học viên và những học viên cũng đang từng ngày ngắn bó với nghề làm nhẫn.


Ngoài đôi nhẫn cưới hoặc những cặp nhẫn dành cho những đôi trai gái có tình cảm trao cho nhau khi hẹn hò… đối với đồng bào Chu ru, chiếc nhẫn bạc như một loại trang sức mà ai cũng muốn có. Người Churu rất tin vào yếu tố tâm linh của chiếc nhẫn chính vì vậy, họ đang từng ngày cùng nhau giữ gìn nghề làm nhẫn, cũng như những phong tục, tập quán tốt đẹp trong hôn nhân của dân tộc mình.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác