Gìn giữ nghệ thuật đan gùi của đồng bào dân tộc Churu

(VOV5) Sự kỳ công, giá trị của chiếc gùi hoa đã nói lên sự tài hoa, khéo léo của đôi bài tay những người dân Churu, những người đang nỗ lực bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Với các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có dân tộc Churu, gùi là một vật dụng quen thuộc luôn gắn bó với đồng bào trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Đối với họ, chiếc gùi chứa đựng những yếu tố văn hóa và là đồ vật gửi gắm tình cảm cũng như sự cảm nhận về thiên nhiên, cuộc sống theo cách nhìn, cách nghĩ của riêng mình. 


Gìn giữ nghệ thuật đan gùi của đồng bào dân tộc Churu - ảnh 1
Người dân trong làng Kala, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh ngồi chuốt từng sợi lồ ô để đan nong, đan gùi. Ảnh: Phan Nhân


Nghe âm thanh bài viết tại đây:






Đến với vùng đất Tây Nguyên, chúng ta thường thấy các cụ già, đàn ông, phụ nữ, trẻ em, đeo những chiếc gùi trên lưng đi lên nương rẫy, đi chợ. Với 2 quai đeo trên hai vai, chiếc gùi rất thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển đồ dùng hằng ngày cho đồng bào các dân tộc. Với đồng bào Churu, chiếc gùi không chỉ là vật dụng hằng ngày mà còn là một tác phẩm nghệ thuật được gọi là “gùi hoa” bởi nó được trang trí bằng những hoa văn, họa tiết được đan khéo léo bởi đôi bàn tay tài hoa của đồng bào… 


Để đan được một chiếc gùi, đặc biệt là gùi hoa, đồng bào Churu phải chuẩn bị công phu từ khâu chọn nguyên liệu đến các bước tạo hoa văn và hoàn thành sản phẩm. Nguyên liệu để đan gùi thường là cây lồ ô, nứ, dây mây, cây sim rừng cùng nhiều loại vỏ cây khác. Khi đan đến phần thân gùi, người làm bắt đầu dùng nan để tạo nên những họa tiết hoa văn xung quanh. Đồng bào Churu thường lấy chính màu của nan nứa, lồ ô để tạo màu các đường nét hoa văn. Sau khi đan xong, gác gùi lên trên giàn bếp một thời gian, khi đó gùi sẽ có những màu đậm nhạt rõ rệt. Anh Nguyễn Văn Đức, một du khách Hà Nội, đang chọn mua một chiếc gùi hoa, chia sẻ: “Ở các dân tộc khác, ví dụ như ở miền núi phía Bắc, những chiếc gùi được đan trơn, gần như không có hoa văn trang trí, nhưng chiếc gùi của đồng bào Churu Tây Nguyên được đan rất đẹp. Từ cách đan, kỹ thuật kết nan đến cách trang trí đều rất công phu. Những hoa văn hình chữ V, quả trám được đan khéo léo, màu sắc sặc sỡ…làm chiếc gùi luôn nổi bật nhưng cũng rất bền”.


Gìn giữ nghệ thuật đan gùi của đồng bào dân tộc Churu - ảnh 2
Già làng Ya Hiêng thôn Pré Ti-yong, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, mạnh dạn đi đầu trong việc gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa của người Churu.


Chị Ma Bấn, Thôn P'ré, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ: Trước đây chỉ những người cao tuổi biết đan gùi hoa nhưng hiện nay, nhưng chàng trai, cô gái của dân tộc Churu đã được truyền dạy cách làm và những kỹ thuật tinh xảo của đan gùi hoa. Việc mở những lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ đã góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo này: “Trước đây rất ít bạn biết đan gùi… Sau đó huyện, xã đã tổ chức các lớp tập huấn, dạy cho các bạn trẻ cách đan gùi. Nhiều bạn trẻ Churu đã đến với lớp học. Ngoài ra, các già làng cũng tổ chức các lớp học, nhiều thanh niên đã đến học cách đan gùi”.


Tại thôn Préh Tiyong, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, nghệ nhân Ya Hiêng là người đi đầu trong việc truyền lại những nghề truyền thống của dân tộc Churu cho thế hệ trẻ. Biết đan lát lúc 8 tuổi, gần 60 năm qua, Nghệ nhân Ya Hiêng hằng ngày vẫn vào rừng chặt từng cây lồ ô, cây mây, để làm nên những chiếc gùi. Nghệ nhân Ya Hiêng cho rằng việc truyền dạy cho thế hệ trẻ cách đan giỏ, đan gùi không chỉ giúp họ có thêm thu nhập, mà quan trọng hơn là giữ được nghề truyền thống của dân tộc Chu ru. Thời gian qua, ngoài việc truyền dạy cho 8 người con của mình, ông Ya Hiêng cũng đã dạy nghề cho người dân trong thôn biết cách đan lát để họ có thể tự tay đan lát những vật dụng trong gia đình. Nghệ nhân Ya Hiêng chia sẻ: “Gìn giữ để làm lại nghề đan lát, đan gùi của dân tộc Churu là điều tôi luôn suy nghĩ và sợ nghề này sẽ mai một đi. Hiện Nhà nước đã mở ra các lớp học cho bà con học nghề này. Chính vì sợ nghề đan lát mất đi mà phải mở lớp dạy các con cháu, người già, người trẻ phải tập trung học lại để giữ nghề”.

Không chỉ sử dụng khi lên nương làm rẫy, đi chợ, gùi hoa của đồng bào dân tộc Churu còn được sử dụng trong các dịp lễ hội, khi đi đám cưới, đi chơi và những chiếc gùi nhỏ được sử dụng trong lễ đặt tên cho em bé. Sự kỳ công, giá trị của chiếc gùi hoa đã nói lên sự tài hoa, khéo léo của đôi bài tay những người dân Churu, những người đang nỗ lực bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác