Hát Soọng Cô: Nét độc đáo của dân tộc Sán Dìu

(VOV5) - Soọng Cô là làn điệu dân ca đặc sắc của đồng bào dân tộc Sán Dìu, được lưu giữ hàng trăm năm qua.

Cũng như những dân tộc anh em khác, đồng bào dân tộc Sán Dìu ở các tỉnh miền núi trung du phía Bắc Việt Nam có tiếng nói, chữ viết và kho tàng văn hóa nghệ thuật mang bản sắc riêng. Trong đó Soọng Cô là làn điệu dân ca đặc sắc của đồng bào dân tộc Sán Dìu, được lưu giữ hàng trăm năm qua.

Hát Soọng Cô: Nét độc đáo của dân tộc Sán Dìu - ảnh 1 Làn điệu Soọng Cô ở nhiều địa phương được bà con Sán Sìu gìn giữ - Ảnh: baothainguyen

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Theo tiếng Sán Dìu thì Soọng có nghĩa là hát, còn Cô là ca. Đây là điệu hát truyền tải những tâm tư, tình cảm và ước muốn của người Sán Dìu trong đời sống thường ngày được thể hiện qua lời ca, tiếng hát, không gian hát Soọng Cô là môi trường gìn giữ văn hóa tộc. Soọng Cô là thể loại dân ca trữ tình với lời hát đối đáp nam nữ, được lưu truyền từ nhiều thế hệ. Người Sán Dìu say mê hát bởi Soọng Cô bắt nguồn từ cuộc sống bình dị, chất phác, nói lên tâm tư, tình cảm, ước vọng của người dân lao động.

Trong nhiều lời bài hát cổ người Sán Dìu vẫn nhớ về cội nguồn của làn điệu dân tộc mình. Truyền thuyết kể lại rằng trời đất còn gần nhau, có một làng quê đông đúc trù phú soi bóng xuống dòng sông thơ mộng. Bỗng một hôm ông trời nổi giận cho nước sông dâng cao làm chết muôn loài. Trong làng có hai chị em họ nhanh chân chui vào quả bầu khô, nổi lên theo dòng nước nên sống sót. Khi nước rút vì trong vùng không còn ai nên họ đành lấy nhau sinh nhiều con cháu làm cho người Sán Dìu hồi sinh trở lại. Tuy làng đông người nhưng đều là con cháu cùng huyết thống không thể lấy nhau nên phải sang làng khác tìm hiểu. Để bạn tình ở làng bên rung động, họ dùng tiếng hát để diễn tả lòng mình. Điệu hát Soọng Cô ra đời từ đó và tồn tại đến nay. Ông Nguyễn Phong Doanh, nhà nghiên cứu các điệu múa và dân ca các dân tộc thiểu số, cho biết: “Sán Dìu là dân tộc có lịch sử văn hóa truyền thống lâu đời. Hiện nay các làn điệu dân ca Soong cô cổ hầu như chỉ còn lưu giữ trong một số người làm nghề thày cúng, bởi họ được học chữ Nôm Sán Dìu. Hiện các sưu tầm cũng đã in thành sách dày khoảng 300-400 trang dân ca dân tộc Sán Dìu”.

Lời ca và giai điệu của Soọng Cô không hề khô cứng mà mềm dẻo đầy sức lan tỏa, diễn tả tâm tư tình cảm của người hát, làm mê đắm lòng người. Họ hát những câu hát nói về tình yêu lứa đôi, thiên nhiên, ca ngợi tình nghĩa thuỷ chung vợ chồng, ca ngợi công lao ông bà, cha mẹ, răn dạy con người sống có đức, có nhân, có hiếu… khi cất lên nghe thật dặt dìu, réo rắt, lúc ngân cao, lúc trầm ấm làm say đắm lòng người. Hát Soọng Cô chủ yếu là phần đối đáp giao duyên, sau đó là phần hát trong đám cưới. Soọng Cô được hát theo sách, có bài bản sẵn. Người đi hát phải thuộc sách hát, họ dẫn câu hát trong sách ra để hát đố, người đáp cũng trích ra những câu hợp cảnh hợp tình để hát đáp câu hỏi. Ông Hoàng Văn Thạch nhà nghiên cứu hát dân ca dân tộc Sán Dìu cho biết: “Đặc điểm các bài hát dân ca của dân tộc Sán Dìu thường có 4 câu 7 chữ, gọi là “ thất ngôn tứ tuyệt hoặc 28 chữ hay 24 chữ. Những bài hát chủ yếu sử dụng ngôn ngữ Hán Nôm. Lời bài hát có nhiều ẩn ý nhiều khi phải suy ra nên lời bài hát rất uyên thâm”.

Những câu hát Soọng Cô không bị giới hạn bởi không gian, thời gian, hoàn cảnh. Người ta có thể hát một đêm, nhiều đêm, hát trong nhà, hát khi đi làm nương hay trong các lễ hội. Chính vì vậy, hát Soọng Cô đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào dân tộc Sán Dìu. Tuy nhiên hiện nay, một số bài hát truyền khẩu đang đứng trước nguy cơ thất truyền, do những người biết hát Soọng Cô đều đã ở tuổi xế chiều, đặc biệt lớp trẻ của đồng bào dân tộc Sán Dìu không sử dụng thành thạo ngôn ngữ của dân tộc mình nên việc học hát cũng là một khó khăn lớn để bảo tồn loại hình dân gian này. Trước thực trạng này, nhiều địa phương đã tổ chức các câu lạc bô, mời các nghệ nhân mở các lớp truyền dạy hát Soong cô cho lớp trẻ. Bà Đào Thị Nghi, nghệ nhân hát Soọng Cô ở tỉnh Bắc Giang, cho biết: “Tôi cố gắng mở lớp truyền dạy cho các cháu để các cháu hiểu bài hát, hiểu lời ăn tiếng nói của dân tộc mình và từ đó giúp các cháu giữ bản sắc văn hóa. Một số bài hát cổ chúng tôi dịch ra tiếng phổ thông giúp các cháu hiểu”.

Để bảo tồn và phát huy giá trị của làn điệu hát Soọng Cô, nhiều nơi khuyến khích thành lập nhiều CLB văn nghệ quần chúng ở các địa phương, đồng thời sưu tầm, dàn dựng, lồng ghép các tiết mục hát Soọng Cô vào các chương trình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật. Đưa môn nghệ thuật này phục vụ thường xuyên đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác