Nghề rèn người Nùng An Cao Bằng

(VOV5) -Phúc Sen là làng rèn có lịch sử phát triển hơn 200 năm về trước.

Phúc Sen là một xã vùng cao của đồng bào dân tộc Nùng thuộc huyện Quảng Uyên tỉnh Cao Bằng. Phúc Sen hiện có 420 hộ với khoảng 2000 người dân tộc Nùng chia ra nhiều nhánh nhỏ như Nùng An, Nùng Inh, Nùng Lòi… Đồng bào dân tộc Nùng ở đây có lịch sử phát triển lâu đời có  kho tàng phong tục văn hóa độc đáo. Đặc biệt, người Nùng An ở đây có nghề rèn thủ công truyền thống nổi tiếng cả nước.

Nghề rèn người Nùng An Cao Bằng - ảnh 1Lễ đón nhận Bằng công nhận nghề rèn của người Nùng An là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.-Ảnh ND 

Dọc quốc lộ 3 cách thành phố Cao Bằng khoảng 30 km, không khó để du khách nhận ra làng rèn Phúc Sen ở Quảng Uyên. Bên những bễ lò rèn luôn đỏ lửa luôn vang lên tiếng đe, tiếng búa vang vọng cả núi rừng..

Phúc Sen là làng rèn có lịch sử phát triển hơn 200 năm về trước. Ban đầu, làng rèn chỉ rèn các nông cụ, đồ dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Nhờ chất lượng tốt, danh tiếng làng nghề dần vươn xa, sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng. Sản phẩm của làng nghề hiện nay là các loại dao, kéo, công cụ sản xuất nông nghiệp và các sảm phẩm làng nghề được tiêu thụ mạnh ở các tỉnh khu vực phía bắc, Tây Nguyên.

Ông Lương Văn Cường một thợ cả trong làng rèn cho biết: Gia  đình ông làm nghề rèn truyền thống từ cha ông để lại. Hiện nay ba anh em ông lại tiếp tục làm việc tại bễ lò rèn của gia đình. Ông Lương Văn Cường cho biết: một ngày ba anh rèn được 13-15 sản phẩm dao và nông cụ. Ông Lương Văn Cường chia sẻ: "Ba anh em chia cặp thay nhau làm, để làm được con dao cần ít nhất 2 người làm, mỗi đợt làm được khoảng 4 dao và một số nông cụ ở 2 lò thời gian làm mất khoảng 3 tiếng.

Nghề rèn người Nùng An Cao Bằng - ảnh 2Phụ nữ cũng tham gia nghề rèn ở xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên (Cao Bằng). 

 Theo ông Cường, để làm ra một con dao sắc, người Nùng có những bí quyết làm riêng. Bí quết ấy bắt đầu từ nguyên liệu. Nguyên liệu rèn dao được làm từ những miếng nhíp ô tô đã hỏng, đặc biệt từ nhíp xe U Oát là tốt nhất. Bên cạnh đó phải có chủng loại sắt và than tôi luyện đủ tiêu chuẩn. Nguồn sắt nguyên liệu thu mua từ tỉnh Vĩnh Phúc nơi có các bãi xe cũ và nguồn than nung. Ở những nơi khác người ta thường dùng than đá nung cho nhiệt độ cao thì ở làng Phúc Sen lại dung than củi từ các loại gỗ cứng như gỗ nghiến mới giúp giữ nhiệt và làm than mau đỏ. Theo những người làm nghề, dùng than củi để tôi thường dễ làm và cho ra màu thép đặc trưng. Để giữ được nhiệt, lò nung thép cũng phải làm bằng đá, rồi dùng rơm và trấu tạo nên chất liệu xây lò.

Bên cạnh đó còn phải kể đến kỹ thuật dùng đe búa, gõ đều tay và để rèn một con dao cũng phải tôi luyện, gõ búa chừng 24-30 lần mới cho ra sản phẩm theo ý muốn. Theo những người làm nghề lâu năm trong làng, nghề rèn thủ công ở Phúc Sem hầu như không có công thức mà chủ yếu nhờ cảm nhận  tinh tế của tai, đôi mắt của người thợ cùng kinh nghiệm, trong đó có kỹ năng riêng của làng nghề đó là rèn dao bằng mắt, khả năng cảm nhận sản phẩm qua ánh nhìn. Ông Ngọc Văn Kim một thợ giỏi của làng nghề cho biết: ngay từ nguồn nguyên liệu đầu tiên cũng phải chọn kích cơ chiếc nhíp để làm ra loại sản phẩm nào, quá trình tôi luyện người thợ rèn cũng phải đạt trình độ quai búa, dùng mắt nhìn để tạo độ phẳng, tới mức nào mới đạt yêu cầu, tất cả các công đoạn chỉ có thể dựa vào kinh nghiệm của người thợ rèn.

Ông Ngọc Văn Kim, cho biết: Phải tôi thép cho đến khi đỏ hồng vừa đủ, chứ tôi quá lửa cũng không tốt, khi tôi không kể thời gian mà chỉ quan sát bằng mắt để đạt đỏ hồng đúng tầm của nó, không cho nó chảy, có như vậy dao mới có độ cứng và sắc

Đến nay, xã Phúc Sen có 6/10 xóm làm nghề rèn, với 157 lò rèn, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động, với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng, góp phân cải thiện đời sống của người dân trong vùng. Nghề rèn xã Phúc Sen có nhiều nét độc đáo, từ cấu trúc lò rèn, cách quai búa, kỹ thuật rèn, đến chất lượng sản phẩm. Có thể nói đây là một trong những làng nghề độc đáo nhất ở tỉnh Cao Bằng cũng như ở cả Việt Nam.

Cũng chính vì có nghề rèn độc đáo này mà hàng năm lượng khách du lịch đến với xã Phúc Sen tương đối lớn, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân. Với ý nghĩa lịch sử, văn hóa quan trọng trong đời sống người Nùng An, ngày 29-1-2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định số 446 công nhận nghè rèn của người Nùng An, xã Phúc Sen là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác