Nghề truyền thống của người Hà Nhì

(VOV5)- Là cư dân bản địa có bề dày cư trú hàng trăm năm trên vùng núi cao Tây Bắc, sống chủ yếu dựa vào sản  xuất nông nghiệp, đồng bào Hà Nhì sớm biết xây dựng công trình thủy lợi và giỏi kỹ thuật canh tác ruộng bậc thang. Cùng với sản xuất nông nghiệp, nhiều ngành nghề thủ công truyền thống của đồng bào Hà Nhì vẫn được bảo tồn, phát huy. 


Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Người Hà Nhì là lớp cư dân từ phía Bắc di cư đến Việt Nam khoảng 300 năm trở lại đây. Người Hà Nhì sinh sống chủ yếu trên vùng rừng, núi cao phía Bắc Việt Nam, nên vẫn giữ được nhiều phong tục, tập quán văn hóa truyền thống độc đáo. Ngày nay, việc săn bắt, hái lượm không còn là nguồn sống chính của người Hà Nhì, nhưng vẫn để lại dấu ấn quen thuộc trong đời sống của đồng bào, thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa con người với thiên nhiên. Người Hà Nhì rất giỏi trong sản xuất nông nghiệp, có kinh nghiệm khai phá sườn núi thành những thửa ruộng hẹp, đắp đập, đào mương lấy nước vào ruộng. Đặc biệt là người Hà Nhì có bề dày kinh nghiệm canh tác trên đất dốc, làm thủy lợi, đào mương, bắc máng lấy nước làm ruộng bậc thang. Ông Nguyễn Hùng Vỹ, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, cho biết: Người Hà Nhì là một trong số cư dân làm ruộng bậc thang  rất thành thạo. Đặc biệt đông bào có kỹ năng sử dụng nước và chú trọng nguồn nước, bởi vậy trong cuộc sống ruộng bậc thang và nước đối với người Hà Nhì có ý nghĩa thiêng liêng.


Ở các bản làng người Hà Nhì, nghề chăn nuôi rất phát triển. Người Hà Nhì chăn nuôi gia súc, gia cầm theo lối chăn thả tự nhiên. Ðàn trâu nuôi thả rông trong rừng có đến hàng trăm con.


Nghề truyền thống của người Hà Nhì   - ảnh 1
Người Hà Nhì ở xã Y Tý, huyện Bát Xát - Lào Cai có nghề đan mây tre truyên thống nổi tiếng trong vùng - Ảnh: Thanh Hà - Báo Ảnh Dân tộc và miền núi


Do điều kiện sống ở vùng rừng núi, có nguồn nguyên liệu tự nhiên phong phú, nên nghề thủ công đan lát khá phổ biến trong các gia đình ở đồng bào Hà Nhì. Người Hà Nhì làm nghề thủ công từ tre, mây, nứa, các loại dây rừng để tạo ra các sản phẩm như: rổ, rá, gùi, mâm...đan bằng mây, tre vừa đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, vừa làm hàng hoá trao đổi. Đến các bản của người Hà Nhì, không chỉ thấy người lớn làm nghề đan lát đồ thủ công, mà ngay cả các em nhỏ cũng được truyền dạy nghề để lưu giữ nghề tổ tiên để lại. Có lẽ bởi vậy, nên các sản phẩm mây, tre đan của người Hà Nhì rất đẹp và vô cùng tinh xảo. Ông Lý Hô Sy ở xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, cho biết: "Mình làm nghề thì cũng phải dạy cho các cháu sau này. Các cháu học đan theo để giữ lại bản sắc dân tộc của mình. Mình làm nhưng cũng phải truyền lại cho các cháu”  


Cùng với nghề thủ công đan lát, nghề dệt vải cũng là nghề có lâu đời của người Hà Nhì. Theo truyền thống, người Hà Nhì tự trồng bông dệt vải và may trang phục cho dân tộc mình. Học và biết dệt vải đã trở thành quy định bắt buộc đối với người phụ nữ Hà Nhì, do vậy hầu hết các em gái ngay từ lúc còn nhỏ đã được người mẹ chỉ bảo cách trồng bông dệt vải để khi lớn lên họ có thể tự dệt được những tấm vải và may áo cho mình. Trong các bản của người Hà Nhì, hầu như gia đình nào cũng có khung cửi, bộ phận tách bông, xe sợi...Để tạo nên một sản phẩm dệt hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn. Công việc dệt vải đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và kiên trì cao, vì vậy chủ yếu là do người phụ nữ đảm nhiệm.Phụ nữ Hà Nhì dệt vải trên khung cửi nhỏ, kỹ thuật dệt khá cao, sợi lại được nhuộm chàm nhiều lần nên rất bền đẹp. Đôi tay tài hoa của người phụ nữ Hà Nhì đã tạo ra những sản phẩm dệt độc đáo, tinh tế mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Mỗi sản phẩm được tạo nên đều có nét độc đáo riêng. Có lẽ bởi vậy trang phục của phụ nữ Hà Nhì  là một trong những bộ trang phục đẹp trong cộng đồng các dân tộc phía Bắc Việt nam. Những năm gần đây, những bản làng của người Hà Nhì ở xã Y Tý , huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai được biết đến là một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tới tham quan. Trong đó, nhiều khách du lịch đặc biệt thích thú với các công đoạn làm ra các sản phẩm dệt truyền thống của người Hà Nhì. Chị Tú Anh, du khách từ Hà Nội, cho biết: Có dịp được tìm hiểu nền văn hoá của người Hà Nhì, mình rất thích tìm tòi từng hoa văn, nghệ thuật trên các bộ trang phục của họ. Điều thích nhất là trực tiếp nhìn thấy họ làm, thêu, bôi màu, nhuộm màu rồi may thành cái cái áo, cái váy rất đẹp. Mình nghĩ nếu khách du lịch đến mua nhiều thì họ sẽ tiếp tục làm các công việc thêu thùa may các bộ đồ trang phục truyền thông. Qua đó giúp họ giữ lại và phát huy nghề dệt truyền thống độc đáo của dân tộc mình.         


Ngày nay đời sống văn hóa của người Hà Nhì bị ảnh hưởng nhiều bởi sự du nhập của những nền văn hoá khác, nhưng nhiều phong tục tập quán và những nét văn hóa truyền thống độc đáo, hấp dẫn của dân tộc Hà Nhì vẫn luôn được gìn giữ. Dẫu có nhiều thay đổi song không gian sống Hà Nhì vẫn còn đó những giá trị truyền thống tốt đẹp. Đặc biệt nhiều ngành nghề truyền thống của người Hà Nhì vẫn được bảo tồn, phát huy, làm phong phú thêm nét văn hóa truyền thống trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Phản hồi

Các tin/bài khác