Người Ê Đê ủ rượu cần – đánh thức hương xuân

(VOV5) - Đặc biệt, uống rượu cần còn thể hiện sự gắn kết, đùm bọc lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình nhất là trong dịp đầu xuân năm mới.

 

Rượu cần là thức uống không thể thiếu trong các dịp lễ Tết của các dân tộc Tây Nguyên. Với người Ê Đê, uống rượu ngày Tết cũng là một phong tục. Để có được những ché rượu thơm ngon cho gia đình, bạn bè, người thân vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, nhiều gia đình người Ê đê tại buôn Ea Tiêu, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk đã bắt tay vào công việc ủ rượu.

Người Ê Đê ủ rượu cần – đánh thức hương xuân - ảnh 1Rượu cần hiện nay được xem là thức uống“đặc sản” của đồng bào Tây Nguyên nói chung trong đó có người Ê Đê - Ảnh Truyenthongnguoi Ede

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Tại nhà chị H Nương Byă ở Buôn Ea Tiêu, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk, vụ thu hoạch cà phê, vừa kết thúc, cả gia đình đang chuẩn bị các nguyên liệu để ủ rượu cần. Các thành viên khác trong gia đình thì làm sạch sẽ các ché lớn, ché bé đựng rượu, kiểm tra men, trấu, lá chuối…

Năm nay, nhà chị H Nương làm 8 ché rượu cần lớn, nhỏ đủ loại để gia đình, họ hàng cùng thưởng thức vào dịp Tết Nguyên đán. Chị cho biết: để có một ché rượu cần thơm ngon phải chuẩn bị từ nguyên liệu đến cách thức chế biến, tính toán thời gian phù hợp, sao cho vừa kịp sử dụng và rượu đạt chất lượng cao nhất. Mỗi gia đình có những cách ủ rượu khác nhau để tạo ra những hương vị đặc trưng riêng. Nguyên liệu chính vẫn là gạo nấu chín để nguội hoặc ấm (tùy thuộc vào thời tiết) trộn với men và trấu sạch, sau đó cho vào ché lấy lá bịt kín miệng rồi để nơi thoáng mát. Bí quyết làm nên hương vị đặc trưng nằm ở loại men và cách phối men. Thông thường, gia đình chị H Nương và người dân Ê Đê sử dụng loại men truyền thống, được làm từ các loại rễ cây trong rừng.

Người Ê Đê ủ rượu cần – đánh thức hương xuân - ảnh 2 Thổi lửa nhóm bếp để chuẩn bị nấu mẻ rượu cần mới.

Công đoạn làm men rượu luôn được giữ tuyệt mật, không hé lộ với bất kỳ ai trừ con cháu trong nhà. Chị H Nương Byă, cho biết: "Men truyền thống tự làm thì rất an toàn bởi chất lượng làm từ loại lá, loại vỏ trên rừng. Thứ hai là kỹ thuật phối men của người phụ nữ và rượu đựng trong ché cổ cũng đem lại hương vị đặc trưng thơm ngon của nó."

Ở buôn Ea Tiêu, gia đình ông Ma Pam (Y Bơng Êban) 55 tuổi có truyền thống làm rượu cần và làm ngon nhất buôn. Từ nhỏ đã làm quen với cách ủ rượu của cha mình. Lớn lên ông không chỉ ủ rượu theo bí quyết gia đình mà còn làm rượu cần bán cho bà con trong buôn. Lo lắng trước thực tế nhiều gia đình trong buôn không còn làm theo cách truyền thống mà dần chuyển sang làm rượu cần theo hướng công nghiệp, ông Ma Pam đau đáu với việc truyền nghề cho lớp trẻ kinh nghiệm làm rượu cần để để duy trì truyền thống của dân tộc Ê Đê.

Ông Ma Pam tâm sự: "Nhà tôi chuyên làm rượu cần, sau này tôi sẽ truyền lại cho những đứa trẻ làm rượu cần để giữ lại phong tục truyền thống của người Ê đê, để không mất đi truyền thống đó".

Người Ê Đê nói riêng và các dân tộc ở Trường Sơn, Tây Nguyên nói chung quan niệm: rượu cần là nước uống của Yàng (thần linh)...mang lại niềm vui, sự tốt lành, nên trong các dịp lễ tết, các sự kiện trọng đại của buôn làng, gia đình không thể thiếu rượu cần. Uống rượu cần là một nét văn hóa đẹp trong đời sống của các dân tộc Tây Nguyên từ ngàn xưa.

Ngoài nghĩa vụ với các thần linh, nó còn biểu hiện đầy đủ tính tập thể của cộng đồng, lòng mến khách của gia chủ. Ngày Xuân Chủ - khách ngồi xếp chân vòng tròn vít cong cần hút say sưa hòa vào cùng với tiếng cồng chiêng trầm bồng, những điệu xoan mềm mại. Rượu cần đã đưa con người xích lại gần nhau hơn. Ché rượu cần chính là sợi dây gắn kết từng cá nhân với cộng đồng, giúp mọi người xích lại gần nhau hơn, đoàn kết, giúp nhau trong sản xuất, đời sống. Đặc biệt, uống rượu cần còn thể hiện sự gắn kết, đùm bọc lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình nhất là trong dịp đầu xuân năm mới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác