Người Tày làm giàu từ cây hạt dẻ

(VOV5) - Nói đến hạt dẻ, nhiều người vẫn nghĩ: chỉ có hạt dẻ của đất Trùng Khánh (Cao Bằng) là số một. Tuy nhiên, không ít người ở Hà Nội, Hải Phòng, và một số tỉnh miền núi phía Bắc tìm đến với vườn dẻ thơm ngon của anh Nguyễn Trung Hiếu, người dân tộc Tày, ở thôn Quảng Trung 2 (xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn). Là hộ đầu tiên trồng và làm giàu từ cây hạt dẻ, gia đình Hiếu còn tạo việc làm cho một số lao động ở địa phương.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Vườn dẻ nhà anh Nguyễn Trung Hiếu cách trung tâm thành phố Lạng Sơn chừng 15 – 20 phút đi xe. Hai năm trở lại đây, không chỉ có khách hàng trong thành phố Lạng Sơn mà khách ở các nơi khác như Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Giang cũng gọi điện đặt hàng. Khách của anh chủ yếu là khách quen hoặc được bạn bè giới thiệu. Mỗi đơn hàng ngoại tỉnh thường lấy ít nhất là 10 kg. Hạt dẻ vừa thu về, phân loại xong là Hiếu phải chạy đi giao hàng ngay, kẻo đơn hàng nọ chồng đơn hàng kia, giao hàng chậm, làm khách không hài lòng. Anh Hiếu cho biết:Năm vừa rồi thì được khoảng hơn 1 tấn, hầu như là không đủ bán. Hạt dẻ thu về, phân loại ra, những hạt nhỏ sẽ bán 60 nghìn đồng một cân, còn hạt to đều bán 80 nghìn đồng một cân. Hạt to thì đường kính của nó từ 2 phân rưỡi, 3 phân. Năm thu trọn vẹn nhất thì cũng rơi vào khoảng 160, 170 triệu một vụ.

 

Năm 2003, thành phố Lạng Sơn có chủ trương xây dựng mô hình thí điểm, trồng thử giống dẻ mới. Lúc bấy giờ, gia đình anh Hiếu, ngoài việc làm ruộng vẫn tập trung trồng cây ăn quả như hồng, vải, mận. Nhưng vì giống không hợp đất nên thu hoạch chẳng được là bao. Mặc dù, không chắc chắn cây dẻ sẽ hợp thổ nhưỡng Lạng Sơn, song gia đình anh vẫn quyết tâm nhập thử 300 gốc dẻ về trồng. Chỉ sau hai năm chăm sóc, 300 gốc dẻ sinh trưởng tốt và bắt đầu bói quả. Kích thước hạt dẻ lớn, không kém hạt dẻ của Cao Bằng. Nhận thấy đây có thể sẽ là giống cây giúp phát triển kinh tế bền vững, năm 2006, anh Hiếu quyết định phá bỏ gần 3ha cây ăn quả sau nhà, chuyển sang trồng dẻ. Anh Hiếu cho biết thêm:Đợt đấy, tôi trồng 1.800 cây. Quy trình ghép thì từ lúc lấy cây về mình đã tham khảo qua sách rồi. Cái này thật ra trồng dễ lắm, vì cây này sức chịu hạn tốt mà chăm sóc cũng dễ, không kì công như cây vải, cây hồng. Giả dụ như cách bón phân thì một năm chỉ bón một lần thôi.

 

Người Tày làm giàu từ cây hạt dẻ - ảnh 1

 Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn thăm vườn hạt dẻ ở Cao Bằng


Sau 4 năm miệt mài chăm sóc, thêm 1.500 gốc dẻ nhà anh Hiếu bắt đầu cho thu quả. Những ngày đầu, anh Hiếu cùng vợ là chị Hoàng Thị Thủy phải chạy đôn, chạy đáo khắp các cửa hàng, quán ăn gửi bán hộ. Chị Hiếu chia sẻ:Lúc đầu chào hàng thì mình bỏ ra khoảng 4, 5 cân rang hoặc đặt lên bàn uống nước của họ. Người ta đến ăn cơm, họ xem họ lấy. Sau một thời gian ăn quen rồi thì họ tự điện thoại vào lấy. Thấy một số khách bảo khác nhiều dẻ Cao Bằng, nhất là về độ bở, vị ngọt, thứ 2 là kích thước hạt mình cũng to hơn. Có thể một phần là do khí hậu nên chất lượng hạt sẽ khác hơn. Hạt dẻ của mình bở hơn, ngọt hơn. Bây giờ thu về đến nhà là họ lấy hết rồi.

 

Người Tày làm giàu từ cây hạt dẻ - ảnh 2


Mô hình vườn dẻ đầu tiên ở xứ Lạng không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho gia đình anh Hiếu mà nó còn tạo công ăn việc làm cho một số lao động ở thôn Quảng Trung 2. Bà Hoàng Thị Kiểm, 61 tuổi, người dân tộc Tày, ở thôn Quảng Trung 2, xã Quảng Lạc, có 5 người con. Nhà bà trước có gần 2 mẫu ruộng, nhưng đã chia hết cho các con sau khi chúng lập gia đình. Hiện hai vợ chồng già chỉ giữ lại 2 sào, đủ ăn cho hai vợ chồng già. Mấy năm nay, từ việc giúp nhà anh Hiếu thu hạt dẻ mà mỗi năm, bà lại có thêm một khoản để dành. Bà còn muốn các con mình học theo anh Hiếu, trồng hạt dẻ làm giàu. Bà Kiểm cho biết: Bây giờ tôi cũng bảo các con là có đồi vườn thì cũng nên làm như anh Hiếu để có thu nhập cho gia đình. Mình đỡ phải khổ. Cháu bảo là để anh Hiếu chiết lại cây con thì các cháu cũng lấy về trồng.

 

Thôn Quảng Trung 2 hiện có 78gia đình. Riêng vườn dẻ của anh Hiếu đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 gia đình. Ngoài ra, anh Hiếu còn sở hữu hơn 60ha rừng thông, giúp cho khoảng 20 lao động tăng thu nhập từ việc  cắt tỉa cành. Những người đến làm thuê, ngoài việc được trả tiền theo ngày công, họ còn được lấy củi về dùng.

 

Nhận thấy quê hương mình còn nghèo, anh Hiếu đang ấp ủ kế hoạch vận động, hỗ trợ bà con mở rộng diện tích trồng hạt dẻ, giúp bà con phát triển kinh tế. Ông Chu Đức Khôi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quảng Lạc, cho biết: ban lãnh đạo xã xác định mô hình cây dẻ là mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao. Xã cũng đang tính đến chuyện xây dựng thương hiệu cho hạt dẻ Quảng Lạc: Xã Quảng Lạc về lâu dài phát triển cây hạt dẻ là phù hợp vì Quảng Lạc có thế mạnh đồi và rừng. Tuy nhiên, để tham gia mô hình này cũng đòi hỏi phải có cần cù chịu khó, thứ 2 là phải có vốn. Rừng ở Quảng Lạc thì rất nhiều, nên muốn cải tạo một vườn trồng dẻ thì tốn rất nhiều công. Xã đã làm việc với anh Hiếu, anh khẳng định nếu bà con trên địa bàn xã hoặc các xã khác xung quanh, nếu có nhu cầu thì anh Hiếu sẽ tạo điều kiện tư vấn, tập huấn khoa học kĩ thuật cho những hộ tham gia trồng cây dẻ.  Chúng tôi tính nếu phát triển với đà này, chúng tôi còn trao đổi với anh Hiếu là nên làm việc với sở khoa học công nghệ tạo một nhãn hiệu sản phẩm để bảo đảm được tính bền vững.”

 

Đời sống kinh tế của hơn 4.500 khẩu trên địa bàn xã Quảng Lạc lâu nay phụ thuộc vào cây ngô, cây lúa. Ban lãnh đạo xã đã chỉ đạo bà con trồng thử nhiều loại cây mới như: hồng, mận… nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Mô hình vườn dẻ nếu được nhân rộng thành công sẽ giúp Quảng Lạc giải quyết vấn đề thu nhập và việc làm của bà con dân tộc thiểu số người Tày nơi đây ./.

 

 

Phản hồi

Các tin/bài khác