Phong tục văn hóa qua nếp nhà sàn dân tộc Thái

(VOV5) - Những ngôi nhà sàn Thái trải qua bao thơi gian đã hun đúc tinh thần, nơi chứng kiến bao buồn vui của đời người. 

Người Thái là một trong 54 dân tộc ở Việt Nam, cư trú chủ yếu ở các vùng núi cao. Cộng đồng người Thái thường cư trú thành bản làng ở những thung lũng, bên những con suối, cuộc sống hòa với thiên nhiên để tiện cho việc cấy lúa nước, trồng lanh, dệt vải.

Từ xưa đến nay, đồng bào Thái sống và sinh hoạt trong ngôi nhà sàn cao ráo và dưới mỗi nếp nhà sàn trải qua bao thời gian đã tạo nên nếp sốn, nét văn hóa đặc trưng riêng.

Phong tục văn hóa qua nếp nhà sàn dân tộc Thái  - ảnh 1

Những ngôi nhà sàn của người Thái được tái hiện tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam - Nguồn danvan.vn

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Dân tộc Thái ở Việt Nam khỏi nguồn sinh sống ở khu vực Mường Lò, tỉnh Yên Bái, từ đó phát triển ra các tỉnh vùng núi Tây Bắc như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, rồi di cư đến các tỉnh miền Trung như: Thanh Hóa, Nghệ An…Sống giữa miền núi cao, từ xa xưa, người Thái sáng tạo kiểu kiến trúc nhà sàn vừa thoáng mát vừa chịu được những điều kiện khác nghiệt của thiên nhiên. Những ngôi nhà sàn truyền thống ra đời gắn bó với đời sống đồng bào hàng nghìn năm, giúp họ tồn tại, phát triển. Nằm cách trung tâm thị xã Lai Châu chừng 30 km, bản Vàng Pheo của đồng bào Thái thuộc xã Mường So huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu là một trong những bản làng cổ nhất của người Thái. Ấn tượng đầu tiên mà du khác cảm nhận khi đặt chân đến bản đó là khung cảnh yên bình với những nếp nhà sàn truyền thống.Truyện cổ của người Thái ở đây kể rằng: xưa kia, người Thái còn chưa biết làm nhà, một hôm mơ thấy có con rùa về báo mộng và bảo rằng: “nhìn vào hình dáng của tôi mà làm”. Thế là một kiều nhà của người Thái dần hình thành với 4 chân là 4 cột trụ, vảy rùa là ngói lợp. Từ đó ngôi nhà sàn của người Thái có hình dáng như chiếc mai rùa. Nhà thường nằm trên mặt bằng hình chữ nhật, có lan can chạy trước hoặc xung quanh nhà với 4 mái vươn cao đều đặn. Bà Vương Thị Mín dân tộc Thái ở tỉnh Lai Châu kể: "Trước đây người Thái ở nhà đất, nhưng nhà đất ẩm thấp, nên người ta làm nhà cách mặt đất chừng 1 mét. Hồi trước thú dữ nhiều, sợ thú dữ vào nhà thì người ta làm nhà cao lên , dần dần nhà cao từ 5 bậc cầu thang rồi lên 7 bậc, 9 bậc cầu thang. Nhà 9 bậc để tránh con voi quấy phá... rồi khi làm nhà, đời sau cứ truyền miệng lại như thế".

Để chọn được ngôi nhà sàn ưng ý, người Thái phải chọn loại gỗ tốt dựng nhà Điều đặc biệt kiểu nhà sàn truyền thống được cấu trúc bằng các loại cây gỗ, nhưng trong thiết kế xây dựng không hế có một mẩu sắt nào. Tất cả đầu là hệ thông dây chằng buộc hết sức công phu tinh xảo bằng lạt tre, dây mây. Hai bên đầu nóc của mỗi ngôi nhà đều được trang trí “ Khau cút” là 2 thanh gỗ được trang trí bắt chéo nhau trên đòn nóc. “Khau cút” là để tránh gió cho 2 đầu nhà và đây cùng là nét đặc sắc của ngôi nhà sàn của người Thái.

Phong tục văn hóa qua nếp nhà sàn dân tộc Thái  - ảnh 2

Một ngôi nhà sàn đang được xây dựng tạị bản Nậm Sáng, xã Phúc Than, huyện Than Uyên, Lai Châu - Ảnh: dantocmiennui.vnm

Trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái, ngôi nhà sàn có ý nghĩa quan trọng, luôn gắn bó với cuộc đời mỗi con người. Từ khi lọt lòng mẹ đã gắn với nghi lễ chào đời, cho đến khi người con trai lớn đi làm nương rẫy, người con gái học bài học đầu tiên về xe tơ, dệt vải, thêu thùa, người mẹ chỉ cho con gái từng đường kim mũi chỉ, có thể may trang phục cho gia đình và may trang phục chuẩn bị cho việc làm dâu nhà chồng.. Lan can bên ngoài nhà sàn là nơi nhưng người đàn ông làm công việc hàng ngày như đan lưới, đánh bắt cá, làm đồ mỹ nghệ thủ công…. Dưới nếp nhà sàn mọi hoạt động của Thái luôn được duy trì một cách đều đặn. Nhà sàn còn là nơi gắn tình yêu đôi lứa. Ở ngôi nhà sàn là nơi vang lên tiếng đàn tính, tiếng lời hát trao gửi của các đôi lứa yêu nhau, trao nhau chiếc khăn tay với hẹn ước cho tới khi thành vợ thành chồng. Có rất nhiều nghi lễ phong tục truyền thống diễn ra dưới mái nhà sàn. Nơi diễn ra các nghi lễ thờ cúng tổ tiên, lễ mừng nhà mới, nơi thày cúng làm lễ xin tổ tiên chấp nhận cô dâu mới...Sau mỗi lễ cưới, các nhân khẩu trong gia đình ngày một  đông thêm. Nhà nghiên cứu văn d dân tộc Lam Bá Nam cho biết đôi khi có nhà sàn có đến 13 gian cho 13 cặp vợ chồng cùng gắn bó với ngôi nhà. Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Lâm Bá Nam cho biết: "Khi nói đến văn hóa Thái, người ta nói đến nét văn hóa đặc trưng nhà sàn Thái. Ngôi nhà sàn là một trong những biểu tượng của văn hóa Thái. Nhà sàn chính là không gian văn hóa tộc người thủ nhỏ. Toàn bộ không gian đó  chứ đựng nếp sống văn hóa tộc người . Con người ta sinh ra trong mái ấy, lớn lên rồi chết đi, ra đi từ mái nhà ấy. Và vì thế toàn bộ phong tục văn hóa, phong tục truyền thống của người Thái diễn ra trong ngôi nhà đó với những nét văn hóa ứng xử của  đặc trưng của người Thái". 

Những ngôi nhà sàn Thái trải qua bao thơi gian đã hun đúc tinh thần, nơi chứng kiến bao buồn vui của đời người. Ai đã một lần đến Tây Bắc đến với các bản làng của đồng bào Thái hẳn sẽ không khỏi ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của những ngôi nhà sàn xinh xắn bên nương lúa, hàng cây xanh mướt, bên những dòng suối nước trong veo. Những nếp nhà sàn của người Thái như những câu chuyện phản ánh rõ nét tập tục, lối sống, quan niệm thẩm mỹ của đồng báo dân tộc Thái nơi miền núi cao.

Tin liên quan

Phản hồi

Quàng thị duyên

Rất hữu ích

Các tin/bài khác