Tổ chức cộng đồng của người K’ho

(VOV5) - Người K’ho là dân tộc có lịch sử phát triển lâu đời. Người K’ho sinh sống chủ yếu ở vùng Nam Tây Nguyên. Bon (buôn làng) của người K’ho thường được dựng bên sườn núi hay dưới thung lũng.


Ranh giới các buôn làng được quy ước bằng các dấu mốc tự nhiên như sông suối, đỉnh dốc. Người  K’ho sống gần gũi với thiên nhiên, kinh tế chủ yếu mang tính tự cung tự cấp,  nên dân tộc K’ho có tình thần đoàn kết cộng đồng cao. Cũng chính vì vậy, nhiều  lễ nghi phong tục cổ truyền của người K’ho vẫn được giữ gìn đến ngày nay.


Tổ chức cộng đồng của người K’ho - ảnh 1
Lễ hội của người K'ho


Nghe âm thanh bài viết tại đây:




Người K’ho sống trong các Bon (buôn làng), theo kiểu làng nông thôn truyền thống. Mỗi Bon đều có bộ máy tự quản riêng, đứng đầu bộ máy đó là chủ Bon (kwang bòn). Nhiệm vụ của chủ Bon là quản lý và điều hành công việc chung của Bon : chọn chia đất canh tác, dời làng, hòa giải, xử kiện, ghi nhớ ranh giới, tranh biện và bảo vệ lãnh thổ của Bon làng. Mọi chuyện của các gia đình cũng thường hỏi ý kiến chủ Bon. Các thành viên của Bon làng có ý thức, trách nhiệm củng cố sự bền vững và đoàn kết của dòng họ, buôn làng; giữ gìn đất rừng, nguồn nước, những tài sản được coi là của chung và tuân thủ các luật tục truyền thống .

Người K’ho sản xuất nông nghiệp, trồng lúa, bắp trên nương rẫy, làm vườn nhà, chăn nuôi gia súc làm sức kéo, nuôi gia cầm làm thức ăn. Nghề thủ công gia đình K’ho chủ yếu là: rèn, đan lát và dệt vải…   


Trong xã hội của người K’ho từ xã xưa vẫn tồn tại hình thức gia đình theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ làm chủ gia đình và chủ động trong hôn nhân. Sau hôn lễ, người đàn ông về nhà vợ ở, con cái tính dòng họ theo mẹ và trong gia đình, con gái là người thừa kế. Biểu hiện rõ nét nhất trong đời sống hôn nhân của người K’ho là tập tục “ bắt chồng”(kup bao). Để lấy một chàng trai làm chồng, nhà gái phải chấp nhận thách cưới từ phía nhà trai. Chàng trai càng mạnh khỏe, càng tài giỏi, thì thách cưới càng lớn. Dù ngày nay đời sống có nhiều thay đổi, nhưng tập tục“ bắt chồng” vẫn tồn tại ở một vài nơi, tuy nhiên việc thách cưới hỏi không còn nặng nề như trước. Bà K’nam dân tộc K’ho kể: "Hồi xưa con gái thiệt thòi lắm, phải có của hồi môn mới được lấy chồng. Nhưng bây giờ hạn chế rồi, không có còn nữa. Giờ đây bình thường hai bên thương nhau thì thỏa thuận, không đặt nặng của hồi môn". 


Luật tục K’ho trai gái quan hệ trước hôn nhân không bị cấm kỵ gay gắt nhưng khi đã có gia đình thì việc ngoại tình bị luật tục trừng phạt nặng nề. Hiện tượng ly hôn rất hiếm xảy ra và phải được chủ làng ưng thuận. Chế độ một vợ một chồng K’ho rất bền vững tạo ra mô hình gia đình phổ biến là hòa thuận.


Nhà ở của người K’ho có hai dạng: nhà sàn và nhà sạp. Nhà sàn thường là của gia đình giầu có và khá giả. Nhà lợp tranh hai mái uốn, có vách phên để chống cái lạnh. Trước đây các nhà sàn thường được dựng cao hơn để phòng thú dữ, phía trước cửa thường có cầu thang rộng hoặc bằng một cầu thang buộc dây hay một cây gỗ có khắc bậc.


Người K’ho từ bao đời nay gắn bó với sản xuất nông nghiệp, coi trọng nghề trồng lúa, bởi vậy có rất nhiều nghi lễ thờ cúng thần lúa, liên quan tới các công đoạn trồng lúa như:  lễ hội gieo hạt, lễ cầu lúa nhiều bông, lễ cầu lúa chín, lễ cúng thu hoạch, đưa lúa vào kho...Đặc biệt người K’ho có lễ hội lớn nhất trong năm là Tết cúng đầu lúa ( còn gọi là Tết đầu lúa). Tết đầu lúa trước đây được tổ chức theo từng gia đình. Ngày nay Tết đầu lúa trở thành lễ hội lớn nhất trong năm của cả Bon làng. Trong các ngày Tết, dân làng đến chung vui với từng gia đình. Những ngày lễ Tết cũng là dịp để các già làng lưu truyền cho con cháu biết giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ông K’dô dân tộc K’ho ,cho biết:  "Ăn Tết đầu lúa là truyền thống tổ tiên hồi xưa để lại và mình làm theo nếp xưa, không thêm không bớt. Gia đình làm mâm cơm, làm một ché rượu  cung kính mời tổ tiên ông bà cha mẹ mình  ở đâu thì mình mời về ăn Tết. Lễ hội Tết đầu lúa  để mình cầu xin tổ tiên ông bà cho gia đình mình mạnh khỏe , làm gì được lấy, làm lúa có lúa, làm bắp có bắp".


Dân tộc K’ho có đời sống tinh thần phong phú, độc đáo. Thơ ca của đồng bào K’ho đậm chất trữ tình giàu nhạc điệu. Nhạc cụ có nhiều nét tương đồng với các dân tộc ở Tây Nguyên gồm: Bộ cồng chiêng 6 chiếc, kèn ống bầu, đàn ống tre. Vũ điệu K’ho được biểu diễn trong các dịp lễ thần và sinh hoạt văn hóa cộng đồng.


Những năm qua, Nhà nước đã thực hiện nhiều chủ trương chính sách đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong đó có dân tộc K’ho. Nhiều khu vực có đồng bào K’ho sinh sống đã hình những vùng chuyên canh cây lương thực, cây công nghiệp và phát triển dịch vụ du lịch. Nhờ vậy, đồng bào K’ho có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác