Tục cưới xin của người Thái đen ở Sơn La

(VOV5) - Người Thái có nhiều nét văn hóa đẹp, đặc biệt là tục cưới hỏi. Theo truyền thống, việc cưới hỏi là việc hệ trọng của cả đời người nên được cả cộng đồng và các gia đình rất coi trọng.  

Dân tộc Thái, sinh sống chủ yếu ở vùng Tây Bắc Việt Nam, là dân tộc giàu bản sắc văn hóa. Người Thái có nhiều nét văn hóa đẹp, đặc biệt là tục cưới hỏi. Theo truyền thống, việc cưới hỏi là việc hệ trọng của cả đời người nên được cả cộng đồng và các gia đình rất coi trọng.  

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Con trai, con gái dân tộc Thái đen ở Sơn La, khi trưởng thành, muốn lấy vợ lấy chồng đều được tự do tìm hiểu, ít có sự sắp đặt của cha mẹ. Đồng bào quan niệm con trai muốn lấy vợ thì phải chăm chỉ lao động, đặc biệt là đan lát. Con gái thì phải biết thêu khăn piêu, biết dệt vải. Khi đôi nam nữ đã thương nhau, muốn nên vợ chồng, nhà trai cho bà mối với 1 người bà con trong họ hàng mang lễ vật gồm chuối và mía sang nhà gái dạm hỏi, xin cho con trai mình được đi lại bên nhà gái để tìm hiểu. Ông Lường Văn Muôn, bản Lầu, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La cho biết: Người con trai nếu ưng người con gái phải đi làm rể. Thời gian làm rể từ 2 năm đến 3 năm. Được phép mang dao, quần áo sang nhà con gái ăn, ở làm việc nhưng ngủ một gian riêng ở sàn quản (gọi là khười quản). Đồng thời cũng để thử thách người con trai có chăm chỉ làm ăn không, có khéo tay hay làm không. Nếu được nhà gái ưng thuận thì sẽ cho tổ chức cưới. Nếu không ưng thuận thì không được cưới.

Tục cưới xin của người Thái đen ở Sơn La        - ảnh 1 Theo phong tục người Thái đen, cô dâu làm lễ búi tóc “Tằng cẩu”.  Ảnh: baomoi.com

Qua thời gian thử thách, nếu ưng ý nhà gái sẽ gửi lời báo cho nhà trai đã ưng thuận người con trai và đồng ý cho tổ chức lễ thành hôn. Nhà trai sẽ chọn ngày lành tháng tốt cho ông mối, bà mối cùng một số người đại diện nhà trai sang nhà gái làm lễ ăn hỏi ( gọi lài vay trai). Đồ lễ là một con lợn 20 kg, 1 đôi gà trống, mái để nhà gái thờ cúng tổ tiên, 10 lít rượu, 10 kg gạo nếp để làm cỗ mời họ hàng gia đình bên nhà gái. Mai mối hai bên bàn bạc chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức lễ cưới.

Theo phong tục, khi tổ chức lễ cưới nhà trai sẽ phải mang đến nhà gái 1 đôi gà, 1 đôi tóc độn, 1 đôi vòng, 1 trâm cài bằng bạc, 4 sải vải khít (tức là vải thổ cẩm dệt bằng tay). Những thứ này được hai người phụ nữ có cuộc sống gia đình hạnh phúc bên nhà trai mang đến trước hôm tổ chức cưới làm lễ khửn cảu cho con dâu ( tức là làm lễ búi tóc giữa đỉnh đầu). Búi tóc lên giữa đỉnh đầu là dấu hiệu  người phụ nữ đã có chồng. Ngày hôm sau đoàn nhà trai sẽ mang một con lợn từ 70 đến 80 kg, rượu 70 lít, gạo 70 kg  tùy theo lượng khách nhà gái nếu nhiều thì phải mang nhiều. Ngoài ra không thể thiếu 2 đôi gà, cùng các đồ lễ khác gọi là tánh hắp hó gồm  một gói muối, một gói gừng, một gói trầu cau, một gói thuốc lào, một gói cá (2 con). Số lượng tánh hắp hó nhiều hay ít là tùy thuộc bên nhà gái yêu cầu. Ngoài ra còn có tiền công nuôi dưỡng người con gái nhà trai phải trả cho bên nhà gái. Số tiền này tùy thuộc vào 2 bên gia đình bàn bạc thống nhất. Có một số nơi tiền công nuôi dưỡng sẽ là 5 đồng tiền bạc trắng. Tất cả các lễ vật đều được bàn giao cho bên nhà gái và đặt trước bàn thờ để ông mối báo cáo với tổ tiên. Ông Lường Văn Muôn, bản Lầu, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La, cho biết thêm: Đồ hắp hó nhà trai mang đến phải giao cho nhà gái. Khi anh em  họ hàng nhà gái đến dự đám cưới khi ra về nhà gái có trách nhiệm phân phát cho anh em. Bề trên thì được con gà, hoặc nửa con gà, còn bề dưới thì được miếng thịt lợn. Khi người con gái về nhà chồng, những người được nhận đồ hắp hó phải mang chậu, xong, nồi mang đến tặng cho cháu gái mang về nhà chồng.  

Tục cưới xin của người Thái đen ở Sơn La        - ảnh 2

Áo Coóng và lễ vật tặng cô dâu.  Ảnh: phununet.com

Sau lễ cưới, người con trai tiếp tục ở rể (thời gian tùy từng gia đình), sau đó bên nhà trai mới mang lợn, rượu, gạo để tổ chức lễ xin đón dâu về nhà chồng. Lúc đó, bố mẹ vợ chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng sử dụng trong gia đình cho con gái như: dao, súng, chăn đệm, khăn piêu, các con giống, hạt giống, xoong, nồi, bát, đũa... Những đồ lễ này sẽ được giao cho bên gia đình nhà chồng khiêng về và làm lễ nhập gia cho cô dâu. Nhà trai lại tổ chức cỗ đông vui mời bà con hai họ, bạn bè đến ăn chúc phúc cho đôi vợ chồng.

Thực hiện nếp sống văn hóa mới, ngày nay lễ cưới của người Thái đen Sơn La đã giảm bớt nhiều thủ tục rườm rà, gây tốn kém như không thách cưới, không bắt buộc ở rể... Các nghi lễ trong cưới xin cũng cũng được các gia đình rút gọn, nhưng vẫn giữ được bản sắc của dân tộc.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác