Tục đặt tên của đồng bào Giáy

(VOV5) -  Trong cuộc sống, đồng bào dân tộc Giáy luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho trẻ nhỏ. Theo quan niệm của người Giáy, mỗi đứa trẻ ra đời mang lại một niềm vui lớn cho dòng họ. Sự kỳ vọng của họ được thể hiện trong lễ đặt tên cho trẻ, một nghi lễ đặc biệt đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Giáy.

Tục đặt tên của đồng bào Giáy - ảnh 1
Đồng bào Giáy cùng nhau vui hát những làn điệu đối đáp thắm đượm nghĩa tình. Ảnh: dangcongsan.vn

Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Theo phong tục của dân tộc Giáy, trẻ nhỏ được đặt tên khi trẻ đã đầy tháng. Họ quan niệm rằng nếu lễ đặt tên làm tròn đúng ngày đầy tháng thì có nghĩa là mọi sự quá viên mãn, phải có thiếu thì mới có phát triển hoặc có hơn thì mới có phát triển hơn nữa nên người Giáy thường tổ chức lễ đặt tên cho trẻ trước hoặc sau ngày đầy tháng 1 vài ngày, thậm chí có nhà làm lễ vài tháng sau khi sinh. Người Giáy không quá "trọng nam, khinh nữ", không phân biệt đối xử giữa trẻ trai hay trẻ gái, nhưng là con đầu lòng thì lễ đặt tên thường được tổ chức long trọng hơn đối với con thứ. Ông Sần A Sơn, người dân tộc Giáy ở thành phố Lào Cai, cho biết: "Thường thường con đầu cháu sớm thì từ 30 đến 33 ngày người ta làm lễ đặt tên. Nếu không kịp hoặc vào ngày xung khắc không đẹp thì người ta chọn ngày để làm lễ đặt tên. Ngày này họ mời 2 bên nội ngoại họ mạc làm lễ đặt tên tương đối to".

So với nhiều dân tộc, lễ đặt tên của người Giáy đơn giản hơn, không nhất thiết phải có thầy cúng để làm lễ. Lễ vật để cúng gồm có thịt lợn, thịt gà, vịt, hương, hoa... Sau khi nấu nướng xong thức ăn và sắp xong lễ vật, trước sự chứng kiến của họ hàng nội ngoại, nghi lễ đặt tên cho trẻ chính thức bắt đầu. Nghi thức đầu tiên, ông bà nội hoặc bác gái bế ra đứa trẻ ra vái trước bàn thờ để trình diện tổ tiên. Ông Sần Cháng, người chuyên nghiên cứu về dân tộc Giáy, cho biết: "Đến bữa ăn, khi mọi người đang ăn thì gia đình mang ra một cái khay. Trên khay có đựng 8 chén rượu mầu, một bát hương với một bát gạo, trên bát gạo có một quả trứng gà đặt thẳng đứng. Bố mẹ đứa bé mang khay đó đến mâm của các cụ cao niên. Gia đình có lời nhờ các cụ, các ông, các bác tìm tên cho cháu. Cụ nào cao tuổi nhất thì đặt tên. Sau khi đặt tên, các cụ mới bốc 1 chút gạo thả lên quả trứng. Nếu hạt gạo mà đậu xuống quả trứng tức là tên đó được chấp nhận. Nếu không có hạt gạo nào đậu thì lại chuyển cho người khác đặt tên khác. Khi nào hạt gạo đậu xuống quả trứng thì mới được".

Đặc biệt tên của trẻ không được trùng với người nhà bên nội và bên ngoại trong vòng 3 đời. Sau khi chọn được tên hay, được họ hàng đồng ý và gạo đậu trên quả trứng nhiều sẽ được chọn để đặt cho trẻ. Khi đó, mọi người trong mâm nhận rượu đỏ uống và tặng cho trẻ những món quà cùng lời chúc may mắn. Quà cho trẻ có thể là đôi vòng tay, đồng bạc trắng hoặc tiền mặt, quà bánh... thể hiện sự quan tâm của họ hàng, anh em, hàng xóm tới cháu nhỏ. Trong lễ đặt tên của trẻ nhỏ người Giáy không thể thiếu sự tham gia của gia đình bên ngoại. Ông Cháng giải thích: "Hôm đó nhà ngoại phải có 1 đoàn đến. Đoàn này có làm một bộ quà gồm địu, tã lót mang đến. Khi nhà gái đồng ý với tên được đặt sẽ đưa bộ địu đó ra để tặng cho cháu ngoại. Khi tặng, nhà gái có hát bài hát với nội dung kể về quá trình làm đất trồng bông dệt vải, may vá thành cái địu mang đi tặng cháu. Mong cháu hay ăn chóng lớn, chúc cháu khỏe mạnh. Bên nhà nội cũng phải hát đáp lại cảm ơn nhà ngoại có quà cho cháu".

Món quà này được đặt lên ban thờ tổ tiên cùng với mâm lễ vật để tổ tiên chứng giám cho đứa trẻ từ nay đã có tên gọi theo đúng nguyện vọng của họ hàng nội, ngoại. Khi đứa trẻ đã có tên gọi, nếu là cháu đầu tiên trong họ thì tên của ông bà nội, ngoại và tên của bố mẹ đứa trẻ từ giây phút ấy được gọi theo tên của trẻ. Ông Sần A Sơn cho biết: "Chẳng hạn cặp vợ chồng nếu chưa có con thì người ta gọi tên cúng cơm của mỗi người. Còn nếu có con rồi, làm lễ đặt tên cho con rồi thì người ta gọi theo tên con. Ví dụ anh A đặt tên con là B thì người ta gọi là bố B, mẹ B; mà lên ông bà rồi thì cũng gọi theo tên của con với cháu".

Người Giáy lấy việc được gọi theo tên con, cháu là một niềm tự hào, nên nếu có ai vô tình hay cố ý mà gọi theo tên cũ thì coi như đó là sự xúc phạm. Nghi lễ đặt tên cho con của người Giáy không chỉ là một thủ tục đặt tên gọi cho trẻ bình thường mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa thiêng liêng. Việc đặt tên cho trẻ phải là do ông bà nội, ngoại hoặc người cao tuổi bên họ nội đặt mà không phải bố, mẹ đứa trẻ thể hiện sự chuyển giao nối tiếp thế hệ già - trẻ, nền nếp và trật tự trong dòng tộc.

Lễ đặt tên cho trẻ nhỏ là một phong tục đẹp vẫn được cộng đồng người Giáy gìn giữ đến ngày nay. Nghi lễ này góp phần làm phong phú, đa dạng thêm cho kho tàng văn hóa phong tục của dân tộc Giáy./. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác