Tục “Juê nuê” trong hôn nhân của người Êđê

(VOV5) - Ngày nay tập tục này dù có nhiều thay đổi, nhưng vẫn tồn tại trong cộng đồng người Ê đê.

Tục Juê nuê (nối dây) là một luật tục cổ truyền trong hôn nhân của người Êđê. Tục này quy định khi chồng chết, người phụ nữ có quyền đòi hỏi nhà chồng phải thế một người em trai chồng để làm chồng và ngược lại khi vợ chết, người chồng phải lấy một người con gái trong gia đình vợ, miễn là người đó chưa có chồng. Ngày nay tập tục này dù có nhiều thay đổi, nhưng vẫn tồn tại trong cộng đồng người Ê đê.

Nghe âm thanh tại đây:

Tục “Juê nuê” trong hôn nhân của người Êđê - ảnh 1Người Ê Đê quy định rõ trường hợp chồng chết, người phụ nữ có quyền đòi hỏi nhà chồng phải thế một người em trai chồng để làm chồng mình và ngược lại ( Ảnh Thời đại)

Tục Juê nuê là một kiểu tập quán hôn nhân truyền thống và được cộng đồng dân tộc Ê đê thực hiện một cách tự nguyện. Luật tục này được duy trì bền vững qua thời gian, được quy định rõ:“rầm sàn gẫy thì phải thay, giát sàn nát thì phải thế, chết người này phải nối bằng người khác.

Cộng đồng dân tộc Ê đê trước đây sống biệt lập ở những vùng núi cao, cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên và luôn phải đối phó với thiên tai, dịch bệnh, nên tục này cho phép duy trì nòi giống, sức lao động để bảo vệ buôn làng, đảm bảo cuộc sống cộng đồng. Đồng bào Ê đê sợ rằng: “gia đình sẽ tan tác ngoài nương rẫy, dòng họ sẽ kiệt quệ, giống nòi sẽ khô kiệt như những dòng suối cạn nước, kẻo tuyệt nòi không còn con cháu nữa. Người Ê đê  theo chế độ Mẫu hệ, người phụ nữ có quyền lực và quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Vì thế, trong trường hợp chồng chết, người phụ nữ có quyền đòi hỏi nhà chồng phải thế một người em trai chồng để làm chồng mình.

Tục “Juê nuê” trong hôn nhân của người Êđê - ảnh 2Một đám cưới của người Ê Đê 

Ngược lại, nếu người vợ chết, thì chồng người phụ nữ ấy buộc phải lấy em gái vợ (em ruột hoặc em họ của vợ) để nối giống nòi. Những người này được gọi là “ nuê”. Ông Nguyễn Cao Thiện, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc, cho biết:" Người  Êđê luôn xem gia đình là một “hrú mđao”(tổ ấm), nơi để cho ông bà cha mẹ và con cái cùng chia sẻ vui buồn. Trong đó bố mẹ là nguồn sống, là nơi nương tựa của trẻ. Việc tìm cho những đứa trẻ bất hạnh ấy một người “kế” để thay thế người qua đời nuôi dạy chúng là điều cần thiết."

Tục Juê nuê không những tìm mẹ (hoặc cha) làm chỗ dựa tinh thần cho những đứa trẻ mất cha, mẹ, tìm bạn đời cho người còn lại, mà người này có nhiệm vụ thay người xấu số chăm sóc con cái, quản lý tài sản, đất đai và duy trì gia đình như nó vốn có. Đồng thời, tiếp tục giữ mối quan hệ thân tình, bền vững mà hai gia đình đã tạo dựng.

Có lẽ bởi vậy, tục juê nuê được xem như là một luật tục bình thường, hiển nhiên được cộng đồng thực hiện một cách tự nguyện. Trong trường hợp người “nuê” quá chênh lệch về tuổi tác, chỉ là vợ chồng trên danh nghĩa cũng đã được luật tục điều chỉnh và quy định rõ ràng: “Nếu người goá đã đứng tuổi mà người thay thế còn nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu làm vợ (chồng), thì người goá phải có trách nhiệm nuôi nấng, dạy bảo “nuê” như một đứa trẻ bình thường khác”. Luật cũng quy định người góa phải: Biết che chở, chờ đợi nuê, đến một lúc nào đó nuê sẽ làm được nhiệm vụ nối tiếp giống nòi”. Tục cũng có những quy định về trường hợp vợ nuê, chồng nuê quá nhỏ, hoặc người còn lại đã quá già yếu thì phải tìm một người tương xứng với nuê để thay thế mình làm chồng (hoặc vợ) nuê. Nếu ai vi phạm những điều đã quy định trên thì coi như đã vi phạm luật tục.

Ngày nay, tục Juê nuê (nối dây) của người Ê Đê đã có nhiều chuyển biến. Tục này không còn ép buộc mà trên cơ sở tự nguyện của những người còn sống. Nếu người trong dòng họ đồng ý thì việc "nối dây" mới được diễn ra. Người được họ hàng chọn lựa để kết hôn với chị, em vợ hoặc anh, em rể  có thể từ chối cuộc hôn nhân nếu cảm thấy không phù hợp với mình. Thay vì lấy anh rể, cô gái hoặc gia đình cô sẽ nuôi dưỡng những đứa con của chị gái để anh rể đi tìm hạnh phúc mới. Và người anh rể phải để lại toàn bộ tài sản và con cái mà trước đó hai vợ chồng gây dựng được cho gia đình bên vợ.

Tuy nhiên, hiện nay luật tục này đã có nhiều thay đổi. Ông Nguyễn Trọng Hùng, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Tây Nguyên, cho rằng: "Nên để tự bà con quyết định. Bà con thấy không cần thiết thì người ta không duy trì, nhưng những gì người ta thấy là nên và cần với cuộc sống, sinh hoạt của họ, thì chắc chắn vẫn duy trì, chỉ làm sao nó tác động để họ biết rằng điều ấy rất có ý nghĩa đối với một cộng đồng, tộc người."

Thực tế hiện nay, việc duy trì và bảo vệ gia đình mẫu hệ của người Ê đê không chỉ biểu hiện ở tục Juê nuê mà còn thể hiện trong quan hệ giữa các chị em gái ruột và con cái của họ nữa. Trong tộc mẹ, những người phụ nữ luôn luôn xem những đứa con của các chị em gái ruột hoặc chị em gái họ như con đẻ. Không những thế, những người phụ nữ, những người đàn ông thay thế theo luật tục còn nuôi nấng, yêu thương và chăm sóc những đứa trẻ như chính con đẻ của mình.

Như vậy, việc những người phụ nữ, đàn ông chấp nhận làm vợ, chồng “nuê” không những xuất phát từ tình yêu thương, mà còn có trách nhiệm và tình thương đối với những đứa trẻ của mình.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác