Ánh sáng trong tranh của họa sỹ Phạm Luận

(VOV5)- Ánh sáng đã làm nên phong cách Phạm Luận, và chắc cả cuộc đời ông sẽ theo phong cách ấy.



Họa sỹ Phạm Luận sinh năm 1954 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, là họa sĩ tự học, chuyên vẽ tranh sơn dầu. Ông bắt đầu vẽ phố Hà Nội từ năm 1983, và năm 1991 có triển lãm đầu tiên về Hà Nội. Họa sỹ Phạm Luận có 4 triển lãm cá nhân ở  trong nước và hơn chục triển lãm ở nước ngoài. Các triển lãm cá nhân của ông chủ yếu diễn ra ở London, Hong Kong và New York. Tranh của họa sỹ Phạm Luận có trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và sưu tập cá nhân của Công tước xứ York.

Ánh sáng trong tranh của họa sỹ Phạm Luận - ảnh 1
Manocanh - Tranh của Phạm Luận


Dẫu là vẽ phố Hà Nội hay các đề tài khác, ánh sáng bao giờ cũng đóng vai trò chủ đạo trong các tác phẩm của họa sỹ Phạm Luận. Đặc tính thay đổi của ánh sáng và ảnh hưởng của ánh sáng tới khung cảnh xung quanh đã cuốn hút ông. Theo họa sỹ Phạm Luận, ánh sáng đã mang đến chiều sâu cho tranh và lôi cuốn người xem vào thế giới mà tranh của ông tái hiện: “Tôi theo đuổi ánh sáng. Có thể ánh sáng của nắng, của đèn, của trăng. Ánh sáng của làng quê Việt Nam hay ánh sáng của đất nước khác..”

 

Quả thực như vậy, ngay từ triển lãm đầu tiên về Hà Nội cho đến triển lãm lần thứ tư mang tên “Nắng” diễn ra vào năm 2014 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, các tác phẩm của ông đều thể hiện rõ điều đó. “Hà Nội – Xưa và Nay” là tác phẩm lớn nhất và cũng gây ấn tượng nhất đối với những ai từng có dịp chiêm ngưỡng. Bởi cách mà họa sỹ Phạm Luận sử dụng các mảng mầu đã làm tôn lên giá trị của nắng. Một góc phố cổ Hà Nội với những chiếc xe SH, Spacy dựng trên vỉa hè, nhưng tầu điện leng keng lại vẫn còn lăn bánh dưới lòng đường, những chiếc băng rôn vẫn vắt ngang phố, nhưng không đọc rõ nội dung của dòng biểu ngữ trên chiếc băng rôn đó. Một bức khác là “Hà Nội nắng” được chính tác giả chọn để trưng bày tại triển lãm “Mỹ thuật 30 năm đổi mới” diễn ra trong năm nay. Xem “Hà Nội nắng” khán giả dễ dàng nhận ra đó là phố Ô Quan Chưởng với rất nhiều hàng bún ốc và đương nhiên không thể thiếu hình ảnh nổi bật của ô Quan Chưởng. Tranh có màu vàng của nắng và chút sắc đỏ của lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh. Bên cạnh đó có biển quảng cáo, bạt che mưa, chiếc xe đẩy trẻ em khiến người xem dễ liên tưởng tranh về phố cổ Hà Nội nhưng không hoài cổ mà mang màu sắc của một Hà Nội nhộn nhịp, sống động trong thời kỳ đổi mới. “Nó là sự tổng hợp nắng của Hà Nội ở nhiều nơi…hòa quyện vào trong một con phố cổ của Hà Nội…”

 

Ở bức “Ngày mới”, tác giả họa lại cảnh một con phố với rất nhiều người đi lại, hăm hở vào ngày mới. Một bên đường, những tòa nhà đã bắt đầu nhuộm màu nắng non, trong khi bên kia đường, sương sớm vẫn còn bảng lảng. Ở bức “Mùa hoa tím”, họa sỹ vẽ đường Cổ Ngư cũ với tím ngắt một trời bằng lăng. Và đối lập với màu tím ấy là những vệt nắng vàng trải dài trên mặt đường. Nắng còn được họa sỹ Phạm Luận sử dụng trong nhiều tác phẩm khác nữa, ví như “Buổi sáng trên biển” “Nắng”, và “Ma-nơ-canh”. Bằng tâm hồn của người nghệ sỹ, họa sỹ Phạm Luận có những quan sát và thể hiện tinh tế sự chuyển đổi ánh sáng của phố Hà Nội trong một đêm trăng sáng trong bức “Ánh trăng”. Thể hiện ánh sáng của đèn điện, người nghệ sỹ thích “chơi” với ánh sáng này có những tác phẩm nổi bật là: “Chiều trên hồ Trúc Bạch”, “Đường tàu đêm” và “Làng hoa đêm”. Một bức khác là “Đường Cổ Ngư cũ” níu cái nhìn của người xem qua ánh sáng mờ mờ ảo ảo của màn sương mù. Việc sử dụng ánh sáng một cách uyển chuyển đã khiến cho tranh của họa sỹ Phạm Luận có chiều sâu và mang nét riêng khó trộn lẫn: “Nhiều người nói tranh của tôi có chiều sâu. Tôi chọn góc nên các bạn có cảm giác sẽ đi thẳng vào tranh được. Khoảng tối và khoảng sáng tạo cho tranh có chiều sâu. Nó hút và gợi cho người xem có cảm giác đi vào nữa vào nữa…”

 

Yêu Hà Nội, yêu những nét xưa cũ, nhưng con mắt nhìn nghệ thuật của người họa sỹ đã qua tuổi lục tuần vẫn rất tươi mới. Đôi khi chỉ là những hình ảnh rất bâng quơ, một cụ già bước ra trong ánh nắng chiều rất đẹp, trên tay cầm một chiếc điện thoại để nhắn tin, cũng lọt vào mắt ông. Song để “chộp” được những vạt nắng ấy không hề đơn giản. Họa sỹ Phạm Luận thích nắng, có khả năng thâu tóm cái khoảnh khắc duy nhất của thiên nhiên luôn biến chuyển vào tâm khảm mình, rồi thể hiện nó ra bằng đường nét, ánh sáng, hình khối. Ông tâm sự rằng, nhiều lần chạy xe trên phố cổ, thấy vệt nắng chiếu trên mặt tiền một ngôi nhà đẹp quá, ông nhủ thầm phải quay lại ngay để ngắm, để chụp. Có điều lúc trở lại, vạt nắng ấy đã khác đi, không còn như cũ: “Khi mà vẽ được thì tôi đi rất nhiều…Nắng lúc ở chỗ này lúc ở chỗ kia..”

 

Đi cũng là một cách học, họa sỹ Phạm Luận luôn xê dịch, ông đi nước ngoài rất nhiều, thậm chí đến cả Giverny nước Pháp-nơi mà danh họa Monet thần tượng của ông đã từng sống và vẽ chỉ để một lần được đắm chìm trong khung cảnh, không gian sáng tạo của danh họa. Ánh sáng đã làm nên phong cách Phạm Luận, và chắc cả cuộc đời ông sẽ theo phong cách ấy. Nhìn vào tranh Phạm Luận là thấy một màu tươi sáng, rực rỡ toát lên sự lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống…Có phải thế chăng mà tranh của ông là một trong số ít các họa sỹ Việt Nam được các nhà sưu tầm nước ngoài tìm mua?
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác