Bên này đất nước nhớ thương nhau



“Bên này đất nước nhớ thương nhau”. Câu thơ ấy trong bài thơ “Đôi bờ” thi sĩ Quang Dũng viết vào thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân cách đây hơn nửa thế kỷ nói hộ tâm trạng không chỉ của người Việt ở thời ấy hay bất kỳ một  thời nào. Đấy cũng là lý do để không ít người xa xứ, sống ở những chân mây cuối trời khác nhau thường nhớ thơ Quang Dũng, thường thích đọc lại, nghe lại những câu thơ chan chứa tình người xứ Đoài trong cảnh chạy giặc ly loạn  mà tiêu biểu là “Mắt người Sơn Tây”, “ Đôi bờ”, “ Tây Tiến”.


Bên này đất nước nhớ thương nhau - ảnh 1

 “Em ở thành Sơn chạy giặc về -Tôi từ chinh chiến cũng ra đi...”, một người Vệ quốc quân, một người em gái quê hương, hai người chung một cảnh ngộ ly biệt quê nhà, bỏ lại sau lưng những gì là nguồn cội thân thương nhất. Quê hương chìm trong khói lửa, quê hương trở thành vùng tề, giặc xây đồn bốt tạm chiếm đóng và gây ra không biết bao thảm cảnh thê lương. Con sông chia cắt bên này bên kia phòng tuyến trong cái mùa thu mưa thu ướt sũng đất trời  như nhát dao định mệnh:

Giăng giăng mưa bụi quanh phòng tuyến

Hiu hắt chiều sông lạnh bến Tề

Chạy giặc là ly tán, là ẩn chứa nhiều bất trắc hiểm nguy không lường. Thi sĩ dường như muốn hóa giải bớt nỗi sầu đau bằng cách thi vị hóa  cuộc sống tưởng chừng khốc liệt, thu nhỏ tình người trong đôi mắt người con gái xứ Đoài thành “đôi mắt người Sơn Tây” nổi tiếng “mắt em như nước giếng thôn làng”. Mà giếng xứ Đoài là giếng dá ong nước trong như nước mắt. Thi nhân ướm hỏi:

Mắt kia em có sầu cô quạnh

Khi chớm heo về một sớm mai

Heo may về là báo hiệu mùa thu tới. Mùa thu tới  trong cảnh ly biệt xứ Đoài ngay trên xứ Đoài khiến người đi nhớ quay quắt  cuộc sống thôn ổ thanh bình thời tiền chiến:

Bao giờ trở lại đồng Bương, Cấn

Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng

Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc

Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng

Hiếm thấy một  thi nhân nào viết về vùng quê thân thuộc lại nhắc nhiều địa danh như Quang Dũng thời đó. Mà địa danh hầu hết đều là những từ nôm na dân dã nhất lại chẳng hề làm giảm thiểu chất thơ. Bương rồi Cấn, rồi Đáy, Sài Sơn, Phủ Quốc chỉ làm cho tình quê hương thêm đạm đà dư vị.
Quê mình đã xa, trên đất quê người chỉ còn cách duy nhất trở về nguồn là sống bằng ký ức, sống trong ký ức:

Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa

Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ

Thấy hiện em về trong đáy cốc

Nói cười như chuyện một đêm mơ

Khi người ta sống trong ảo ảnh, trong mơ mộng thì ảo giác xuất hiện trong tâm tưởng là chuyện thường tình, dễ hiểu. Liên tưởng đến chuyện xưa nàng Mị Nương “ngồi ở lầu Tây” phải lòng người lái đò Trương Chi “người thì thật xấu hát thì thật hay” bồng bềnh trên sông nước thổi sáo nương theo một điệu nhạc tình buồn  hóa thành cây bạch đàn sau khi chết; để rồi cái chén tiện từ gỗ cây bạch đàn ấy mỗi khi nàng Mị Nương nhìn vào đáy cốc  chỉ thấy hình ảnh chàng Trương khua nước ven sông. Nhớ nghĩ tưởng về người con gái xứ Đoài chạy giặc, thi nhân đã đưa con người ấy, đôi mắt ấy thành biểu tượng “mắt người Sơn Tây”, thành biểu tượng của tình cảm nhớ thương quê hương đất nước của con người mà người Việt thời nào, ở đâu cũng giàu có:
 Xa quá rồi em người mỗi ngả

Bên này đất nước nhớ thương nhau

Em đi áo mỏng buông hờn tủi

Dòng lệ thơ ngay có dạt dào

Hình tượng “em-quê hương” trong ngữ cảnh đất nước giặc giã điêu linh càng đẩy cao trào nhớ thương em, nhớ thương đất nước lên đỉnh điểm. Có lẽ thân phận lưu đầy của kiếp người trong quá khứ nối dài trong hiện tại, sợi dây truyền cảm của cô gái thành Sơn xứ Đoài  thời nào với người Việt tha hương tương đồng một nỗi nhớ thương quê hương Việt xa xôi mà gần gụi, ngay trong tâm tưởng của mình.

Ám ảnh thơ là hình ảnh: “Em đi áo mỏng buông hờn tủi”

Quê hương xa nửa vòng trái đất; con người xa quê trên dưới nửa đời người mà lạ lùng sao hai tiếng nước non day dứt lòng người là vậy. Con sông nào trên bờ sóng Thái Bình Dương cũng là đôi bờ vọng tưởng nước non của người Việt.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác