Cánh đồng bất tận được dịch ra tiếng Đức

(VOV5) - Các dịch giả đã lựa chọn Nguyễn Ngọc Tư như một tiếng nói mới từ một thế hệ văn chương mới ở Việt Nam.

Nghe âm thanh tại đây:

Tập truyện Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từng được Giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam năm 2006, Giải thưởng Văn học ASEAN 2008, và cũng được dịch sang nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Gần đây nhất, truyện đã được dịch ra tiếng Đức, do nhóm dịch giả GS -TS Günter Giesenfeld, nhà giáo Marianne Ngo, Aurora Ngo và Nguyễn Ngọc Tân chuyển ngữ, Nhà xuất bản Mitteldeutacher, CHLB Đức phát hành.

Cánh đồng bất tận được dịch ra tiếng Đức - ảnh 1

Dịch giả, GS-TS Günter Giesenfeld đã từng chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học Việt Nam, mà sự định vị của các tác phẩm văn học đó trong lòng bạn đọc yêu văn học Việt là một yêu cầu tiên quyết cho sự lựa chọn của ông.

Cánh đồng bất tận được dịch ra tiếng Đức - ảnh 2 GS Gunter còn là một nhà làm phim tài liệu. Ông đã làm nhiều phim tài liệu về Việt Nam. - Ảnh: op-marburg.de

Dịch giả Gunter cho biết, sau một thời gian lựa chọn, ông và các đồng dịch giả đã quyết định dịch Nguyễn Ngọc Tư như một tiếng nói mới từ một thế hệ văn chương mới ở Việt Nam: “Sách của Nguyễn Ngọc Tư là quyển truyện Việt Nam thứ 6 chúng tôi dịch. Chúng tôi chú ý đến quyển  này bởi vì biết được tác giả viết cuốn sách ở Cà Mau và chưa từng được dào tạo qua kiến thức viết văn mà chỉ miêu tả cuộc sống được tận mắt chứng kiến.

Sách ngay sau đó đã rất thành công và thậm chí còn được dựng thành phim. Nguyễn Ngọc Tư hiện là một trong những nhà văn khá nổi tiếng. Và tôi cũng cảm thấy quyển sách rất thú vị. Bản thân tôi là giáo sư  ngành khoa học văn học tại trường Đại học ở Marburg, do đó cũng rất chú ý đến việc tìm tòi tác phẩm của những tác giả nổi tiếng và Nguyễn Ngọc Tư là một trong số đó."

Theo giáo sư Gunter, người đọc Đức như ông thấy thú vị vì câu chuyện diễn ra tại một vùng đất lạ: đồng bằng sông Cửu Long, và kể về cuộc sống của những người dân nghèo làm ngư dân, hay nuôi vịt chạy đồng. Và câu chuyện cũng khắc khoải một nỗi lo lắng rất thời sự khi thực tế đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng rất nặng nề do biến đổi khí hậu, tác động lớn đến cuộc mưu sinh của người dân: “Sự nghèo đói ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc của gia đình, xã hội tại đây khiến có những người nghèo dường như bị gạt ra bên lề của cuộc sống. Tất cả được miêu tả rất tự nhiên tỉ mỉ đầy tính nhân văn.”

Tất nhiên để dịch thì không hề đơn giản. Điều này thì Mariane có thể nói tốt hơn tôi nhưng thực sự là chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong khi dich. Ví dụ như tác giả nói đến một loại cây mà loại cây này không hề có ở Đức do đó cũng không có tên bằng tiếng Đức. Chúng tôi phải làm thế nào đây? Chúng tôi đã phải tìm tên khoa học của loài cây này bằng tiếng la tinh rồi tra ngược lại xem có tên tương đương bằng tiếng Đức không. Nhưng cũng không có thế là chúng tôi đành dịch chữ theo chữ từ tiếng Việt sang rồi để nguyên tên khoa học trong mục chú thích để những độc giả và nhà chuyên môn có thẻ hiểu rõ.

Dịch giả Günter Giesenfeld cho biết: Với các dịch giả, ngôn ngữ trong tập truyện không phải tiếng Việt chuẩn mà là tiếng địa phương, vì thế các dịch giả phải cố gắng hết sức để có thẻ chuyển tải được. Có nhiều câu tục ngữ thành ngữ các dịch giả phải tìm câu tương đương bằng tiếng Đức, dù nghĩa có thể cũng không thể giống hoàn toàn, còn nếu không tìm được câu tương đương thì chọn giải pháp dịch nghĩa và chú thích ở bên cạnh đây là thành ngữ.

Cánh đồng bất tận được dịch ra tiếng Đức - ảnh 3 Giáo sư Gunter Giesenfeld và dịch giả Mariane Ngo (bên phải) trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Đài TNVN.

Đọc tập truyện trực tiếp từ tiếng Việt, dịch giả Mariane Ngô chia sẻ thêm: “Khi đọc tác phẩm thì ta có thể thấy đây là một ngôn ngữ tiếng Việt hoàn toàn khác, như chỉ cần so sánh với Lê Minh Khuê thôi chẳng hạn. Nhiều thứ không có trong từ điển Việt Đức. Do đó tôi phải tìm trong quyển từ điển tiếng Việt để có thể trước hết là phải hiểu tiếng VIệt chuẩn nó có nghĩa là gì. Và chúng tôi cũng phải nhờ đến sự giúp đỡ của một cô gái trẻ người Việt Nam đang sống cùng. Cô ấy lớn lên tại Đức và có mẹ là người miền Nam Việt Nam nên đôi chỗ có thể hỏi mẹ của mình. Và chúng tôi khẳng định rằng mỗi giọng văn của mỗi một tác giả đều rất khác nhau do đó đều cố gắng chuyển tải đúng ngữ điệu này sang tiếng Đức.”

Văn phong của Nguyễn Ngọc Tư vốn đầy nhạc tính và nổi bật, đậm đặc ngôn ngữ riêng của vùng miền. Theo nhận xét của những người đọc thông thạo hai ngôn ngữ Đức, Việt, nét đặc thù này trong văn phong Nguyễn Ngọc Tư đã được chuyển ngữ qua tiếng Đức với từng chi tiết nhỏ nhặt nhất. Từ Cải ơi, Thương quá rau răm đến Cánh đồng bất tận…: “Vâng bạn có nói là ngôn ngữ của Nguyễn Ngọc Tư rất nhiều tính nhạc. Tất cả được thể hiện qua việc miêu tả cây cỏ thực vật, những dòng kênh rạch, tiếng động của nước. Mọi thứ mang lại cho ta hình ảnh về một cuộc sống có đôi phần tròng trành vì tất cả mọi thứ đều diễn ra trên sông nước." - Dịch giả Mariane khẳng định.

Như Guenter đã nói đôi khi chúng tôi phải tìm hình ảnh của một loại cây được miêu tả trong sách trên internet, xem nó được dùng vào mục đích gì đóng vai trò gì trong cuộc sống. Ví dụ có loại cây rất quan trọng trong lễ cưới hay có loại cây lại quan trọng trong đám ma. Và khi chúng tôi nắm rõ và hiểu rõ được mọi thứ mới có thể chuyển tải được hết ngôn ngữ giàu hình tượng và giàu tính nhạc sang tiếng Đức.”

Theo dịch giả Gunter, độc giả người Đức đọc sách của Nguyễn Ngọc Tư sẽ có nhiều cảm nhận khác với độc giả Việt Nam, điều này sẽ là trải nghiệm cho người Đức có thể hiểu Việt Nam, về một vùng nghèo nơi mà những người dân trong cuộc sống hàng ngày phải trải qua những việc mà người Đức chưa hề biết đến:

"Chắc chắn có nhiều cách nhìn nhận khác nhau, Vi dụ có người nói rằng tất cả mọi thứ chúng ta đang nói về chống biến đổi khí hậu chỉ mang tính lý thuyết bởi vì bản thân chúng ta chưa bị ảnh hưởng. Nhưng nếu như chúng ta trực tiếp đến những vùng bị ảnh hưởng nơi mà người dân phải đối mặt hàng ngày với hậu quả, như một vài hòn đảo sắm bị xoá sổ hoàn toàn vì nước biển dâng, thì đây (sự miêu tả trong văn của Nguyễn Ngọc Tư) chính là một khung cảnh đầy hình tượng cho thấy được hậu quả của tương lai sẽ ra sao nếu chúng ta không có hành động bảo vệ môi trường và khí hậu.

Cánh đồng bất tận được dịch ra tiếng Đức - ảnh 4

Trước Cánh đồng bất tận, các dịch giả đã từng chuyển những tác phẩm như Tướng về hưu – (2009) của Lê Huy Thiệp, Những truyện thương tâm nhỏ (2011) của Lê Minh Khuê và Nỗi buồn chiến tranh (2014) và được nhiều giải thưởng về dịch thuật tại CHLB Đức.

Giáo sư tiến sĩ Phan Thanh Tịnh, Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Đức, kể: Ông đã đọc bản truyện của Nguyễn Ngọc Tư, cũng như đọc bản dịch Cánh đồng bất tận của nhóm dịch giả, và nhận thấy bản tiếng Đức dịch thực sự hay, toát lên được thần thái của tác phẩm văn học gốc.

Về phía hội hữu nghị Việt – Đức đã hợp tác nhiều năm với Hội Đức Việt do giáo sư Gunter làm chủ tịch, và cũng đã tích cực hỗ trợ các dịch giả trong những hoạt động này: “Và đặc biệt là phối hợp với ông ấy để làm sao ông có thể gặp gỡ các nhà văn nhà thơ ở Việt Nam và sau đó họ dịch những tác phẩm văn học ở Việt Nam. Đây là một hình thức tạo được cho người Đức hiểu biết hơn về Việt Nam.” - Giáo sư Tịnh cho biết thêm.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác