Chuyện không thể bỏ qua của Lê Thiết Cương về hạt gạo

(VOV5) - Với Lê Thiết Cương, hạt gạo cũng là thân phận người. Không phải ngẫu nhiên ở triển lãm lần này Lê Thiết Cương để hạt gạo gần bức tượng chân dung tự họa của anh.


Chuyện không thể bỏ qua của Lê Thiết Cương về hạt gạo - ảnh 1
Tác phẩm "Hạt gạo 2" làm từ đá - Ảnh: Hoàng Hà/CTV-vov.vn


Triển lãm trưng bày 16 tác phẩm trên các chất liệu như: kính, gỗ, thạch cao, đồng, sắt…xoay quanh năm chủ đề chính: Hạt gạo, Âm-dương, Phật, Cầu nguyện và Chân dung. Triển lãm diễn ra từ ngày 26/9 đến hết 6/10 tại Gallery 39A Lý Quốc Sư, Hoàn Kiếm, Hà Nội.


16 tác phẩm là 16 mặt phẳng gần như chỉ có hai chiều được nối với nhau, xếp lại, ghép lại và đặc biệt là uốn cong để tạo thành khối, thành ba chiều. Chúng là những mặt được cắt, bổ ngang dọc, sẻ, ghép lệch, ghép so le để mở rộng không gian, thêm chiều cho khối. Nghĩa là họa sỹ Lê Thiết Cương đã không tuân theo ngôn ngữ hình khối thông thường của điêu khắc.Đó là một phát hiện đáng kể trong ngôn ngữ điêu khắc của Lê Thiết Cương, mà như lời giới thiệu của họa sĩ Trịnh Tú: là từ chối hình khối để bước sang diện cắt và nhịp điệu của khối, của mảng, hướng cái nhìn vật thể vào nhiều không gian, thoát ra những quy định cụ thể. Khi được đông đảo phóng viên-nhà báo có mặt tại buổi khai mạc triển lãm hỏi: Tại sao lại lấy tên cho triển lãm này là Mặt? Mặt có phải vừa là chủ đề vừa là ngôn ngữ điêu khắc của 16 tác phẩm tại triển lãm, họa sỹ Lê Thiết Cương cho biết: “Mặt ở đây được hiểu là mặt cắt. Điêu khắc thông thường là 3 chiều phải có khối. Mặt ở đây tức là mặt phẳng. Tôi muốn đưa thêm cái mặt phẳng vào như là một chiều nữa, như một ngôn ngữ nữa cho điêu khắc. Chứ điêu khắc không chỉ hiểu là khối: chiều cao, chiều ngang, và chiều sâu. Thêm một chiều nữa tức là cắt đôi, cắt ba, cắt bốn những khối đó ra để thành những mặt phẳng…”

Chuyện không thể bỏ qua của Lê Thiết Cương về hạt gạo - ảnh 2
Lê Thiết Cương và “Chân dung 2” - tác phẩm trong triển lãm điêu khắc Mặt của anh. Ảnh: N.M.Hà/ Báo Tiền phong



Cách mà họa sỹ Lê Thiết Cương chọn chất liệu cho mỗi chủ đề cũng khá đa dạng. Với chủ đề Phật, Lê Thiết Cương dùng những tấm kính như những tấm gương với 4 diện cắt để dựng nên bức tượng Phật. Người xem có thể soi mình trong gương, nhìn thấy mình và được bao bọc, vỗ vễ, chăm sóc của Đức Phật. Lê Thiết Cương đã tận dụng triệt để tinh thần Phật giáo ở những tác phẩm này để nâng đỡ cho thân phận mỗi người. Họa sỹ chia sẻ: “Tôi sống ở khu phố mà có đến ¾ người dân theo đạo Thiên chúa. Nhưng tôi là người theo Phật giáo, tôi yêu Phật giáo, luôn quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu, đọc sách Phật giáo. Cho  nên người ta làm cái gì đấy hay dở chưa bàn nhưng mà ở trong cái khoảng tri thức mà người ta có, thì tôi có 3 tác phẩm về đề tài Phật giáo ở trong triển lãm này…”


Sáng tạo về tượng Phật nhưng gửi gắm ở đó bao điều về thân phận con người. Điều này cũng đúng với hai bức tượng chân dung của anh, Lê Thiết Cương đã xẻ đôi mỗi bức tượng để người xem dễ dàng nhìn thấy diện cắt và một không gian nhỏ của bức tượng gỗ sơn màu đỏ. Như thế nó không còn là chân dung của một người nữa mà là chân dung của rất nhiều người.


Hạt gạo cũng là thân phận người. Và đây là chủ đề mà họa sỹ Lê Thiết Cương theo đuổi đã lâu, với những lý do riêng: “Trước đây tôi đã vẽ tranh sơn dầu về hạt gạo. Đề tài này tôi cũng rất thích nhưng tôi bắt đầu đề tài này từ hội họa. Năm 2005 tôi có triển lãm 25 bức tranh sơn dầu hạt gạo và 15 bức tượng hạt gạo. Và không phải ngẫu nhiên lần này tôi để hạt gạo gần bức tượng chân dung tự họa của tôi, bởi tôi nghĩ hạt gạo chính là chân dung của tôi..”


Lê Thiết Cương đã chủ ý sử dụng hai chất liệu là đồng và đá để thể hiện gạt gạo ở những thời kỳ khác nhau, ở đó chứa đựng những câu chuyện khác nhau. Hạt gạo đồng thì tròn trịa, bền vững. Còn hạt gạo đá thì xẻ làm đôi, có cảm giác mong manh dễ vỡ.


Dành ưu tiên cho chủ đề hạt gạo, nhưng như thế không có nghĩa Lê Thiết Cương không thích những đề tài còn lại, đặc biệt là Âm-Dương. Một đề tài đã quá quen thuộc trong hội họa dân gian cũng như hiện đại. Tìm một ngôn ngữ mới, cách thể hiện mới không hề đơn giản. Lê Thiết Cương bước vào mảnh vườn này bằng một con mắt khác, con mắt của trần thế gần gụi hơn với tên gọi “Âm” và “Dương”, như chia sẻ của anh: “Âm-dương tức là nói về bộ phận của người nam người nữ. Nhưng tại sao tôi lại không thích dùng chữ Linga và Yoni, bởi Linga và Yoni có nghĩa là để thờ. Còn điêu khắc của tôi về cái đó không phải để thờ…”

Chuyện không thể bỏ qua của Lê Thiết Cương về hạt gạo - ảnh 3
Tác phẩm "Âm" làm từ gỗ - Ảnh: Hoàng Hà/ CTV - vov.vn



“Không phải để thờ” mà để nó gần gụi hơn với cuộc sống. Điều đó thể hiện rõ ở tác phẩm “Âm” với diện cắt và nhịp điệu là hai yếu tố được anh chú trọng nhất. Tác phẩm này tuy được làm từ chất liệu sắt nhưng không có vẻ gì là cứng mà nhịp nhàng và tạo hình như những khuông nhạc. Và chỉ khoảng 4 đến 5 khuông nhạc thôi mà người xem có cảm giác nó như dài mãi dài mãi nhịp nhàng như một bản tổng phổ của âm nhạc; như cái tình của người đàn bà dành cho người đàn ông. Còn tác phẩm “Dương”, theo như cảm nhận của họa sỹ Trịnh Tú thì mặt cắt ở đầu bức tượng đã xóa đi ý niệm thân xác cụ thể mà chỉ giữ lại sức sống diệu kỳ từ cội rễ thẳm sâu. Dù là 5 chủ đề khác nhau, và được thể hiện trên nhiều chất liệu, song không khó để nhận ra điều muốn nói của họa sỹ Lê Thiết Cương qua 16 tác phẩm, đó là thân phận con người.


Năm nay quả là một năm được mùa của họa sỹ Lê Thiết Cương. Vừa có tranh được chọn trong triển lãm “Mở cửa” quy tụ 50 gương mặt họa sỹ thời kỳ đổi mới. Vừa ra sách lại vừa có triển lãm riêng về điêu khắc. Song, theo họa sỹ, mùa sáng tác của anh không chỉ dừng ở đó:“Nghệ thuật nó cũng như cuộc đời. Có những năm tôi không vẽ được cái tranh nào, không nặn được lọ gốm nào. Nhưng năm nay được nhiều. Đúng là chỉ trời mới biết được. Khoảng cuối năm nay tôi có một sự án vô cùng lớn, đó là tạo hình 40 lọ gốm. Và trên 40 lọ gốm đó tôi chọn 40 câu thơ của 40 nhà thơ mà tôi thích rồi tôi viết lên lọ gốm kèm một hình minh họa của tôi…”


Thật đáng để chúng ta chờ đợi một sáng tạo mới của họa sỹ ở những tác phẩm tạo hình gốm này. Song, chỉ riêng với 16 tác phẩm được trưng bày tại triển lãm “Mặt”, dường như Lê Thiết Cương đã khẳng định trọn vẹn, ngôn ngữ điêu khắc của riêng mình, như anh đã làm trong hội họa.

Phản hồi

Các tin/bài khác