“Chuyện ngõ nghèo” từ...Nhà văn của tình thương Nguyễn Xuân Khánh

“ Tôi thấy anh Khánh có 1 tâm hồn rất yêu đất nước này, một tâm hồn đặc biệt Việt Nam. Trước khi đọc cuốn sách này, hãy giở trang 120, các bạn sẽ. thấy đây là một tiểu thuyết cực kỳ đẹp”

 Đó là những ý kiến được ghi lại trong buổi giới thiệu Chuyện ngõ nghèo của Nguyễn Xuân Khánh, hơn nửa năm sau khi sách ra mắt và có những tiếng vang nhất định trong lòng bạn đọc.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Cảm ơn thời... nuôi heo!
Dịch giả Châu Diên đang đọc trích đoạn trong tác phẩm “Chuyện ngõ nghèo” mà ông cho là thể hiện rất đẹp tâm hồn văn chương của Nguyễn Xuân Khánh - một nhà văn như nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên khẳng định: “Nhắc đến ông trong vòng 20 năm qua, những tác phẩm như Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa, mỗi tác phẩm tiểu thuyết dài gần nghìn trang, đều ẵm những giải thưởng lớn, đặc biệt đều gây tiếng vang trong văn giới và độc giả,, được tái bản nhiều lần.”

“Chuyện ngõ nghèo” từ...Nhà văn của tình thương Nguyễn Xuân Khánh - ảnh 1
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (thứ 2 từ trái qua) và các diễn giả trong buổi trò chuyện về "Chuyện ngõ nghèo"
Và nói như nhà nghiên cứu văn học Mai Anh Tuấn, hiện đang giảng dạy tại khoa Văn học báo chí, Đại học Văn hóa thì: “Dường như tên tuổi của Nguyễn Xuân Khánh gắn liền với bộ ba tiểu thuyết trường thiên, đó là Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn và Đội gạo lên chùa. Bộ ba đấy không chỉ đem lại danh tiếng, giải thưởng cho Nguyễn Xuân Khánh,, mà còn biến ông trở thành một trong những nhà văn có sách bán chạy và trở thành đối tượng của rất nhiều nghiên cứu khác nhau. Vậy nên nhiều người cứ nhắc đến Nguyễn Xuân Khánh là nhắc đến ba tác phẩm đó, mà quên mất đi chặng trước đó của ông, đó là cuốn Miền hoang tưởng in năm 90 và gần đây được tái bản lại với tên gọi khác là Hoang tưởng trắng. và Chuyện ngõ nghèo.”


Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã tuyên bố ngừng viết khi ở tuổi ngoại 80. Tác phẩm “Chuyện ngõ nghèo”, dù mới xuất bản năm 2016, nhưng thực ra được tác giả viết từ những năm 80 của thế kỷ 20, trong không khí sống thực tế của Hà Nội những ngày khó khăn thời hậu chiến,  khi nhà nhà phải nuôi lợn để làm kế mưu sinh.  Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh tâm sự: “Nếu không có thực tế toàn dân nuôi heo như thế, nhất là các thành phố vốn không phải là nơi có những điều kiện để nuôi heo, nhưng mọi người nơi nơi chốn chốn đều nuôi heo cả, là một hiện tượng rất độc đáo, thì tôi sẽ không viết được cuốn này. Tôi cũng từng nuôi heo 10 năm.  Một thực tiễn của đời sống toàn dân lúc bấy giờ mà bỏ mất đi thì mọi người sẽ không cảm nhận được, không thấy được khung cảnh của thời mình sống, nên tôi viết".


Lối viết mới, cách nghĩ mới

 “Chuyện ngõ nghèo”, dù ra đời muộn, đã được đánh giả là một trong những tác phẩm xuất sắc của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, với lối viết rất mới so với thời kỳ văn học vẫn còn theo dòng chủ lưu hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nhà nghiên cứu văn học Mai Anh Tuấn đánh giá: “Chuyện ngõ nghèo” đặt trong bối cảnh những năm 80, có ý nghĩa như một sự cách tân cả về cái nhìn lẫn cách viết của Nguyễn Xuân Khánh. Chắc chắn đây sẽ là một tiểu thuyết gây rất nhiều hứng thú cho dù tuổi đời của nó ra đời có trễ một chút vì những lý do ngoài văn chương… Tác phẩm  gây ấn tượng cho tôi trước hết là lối viết. Tôi rất chú ý đến bài trả lời phỏng vấn của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh vào 2006 khi nhìn lại hành trình viết văn chương của mình, thì ông nói có lẽ tiểu thuyết Chuyện ngõ nghèo được viết theo lối viết cắt dán. Rõ ràng đấy là một người có khả năng am hiểu văn chương phương tây, cũng như nỗ lực tham khảo những lối viết hiện đại. Ở truyện này và Miền hoang tưởng thì Nguyễn Xuân Khánh của giai đoạn đầu trước hết đã tạo ra một lối viết mới.  Tiểu thuyết xếp chồng các văn bản khác nhau, trước hết biểu hiện như một cuốn nhật ký, thứ hai nữa tiểu thuyết này có một hình thức độc đáo là cách tác giả tạo ra dạng từ điển lồng trong tiểu thuyết. Ông sử dụng rất mạnh tay những biểu tượng, những phương thức có tính chất huyền thoại, đấy là hai phương thức gắn liền với văn chương hiện đại của thế giới.”


Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh chia sẻ: “Lúc viết cuốn này rất thoải mái, không câu nệ gì cả. Có thể là truyện kể theo cách viết truyền thống, cũng có thể là hồi ký của mình, những cái ví dụ như là phỏng vấn, nó là cuộc đời tôi. Tắt cả các thể loại đều dùng được hết, không ngại ngần gì. Cái ý thức là có, và học được đến chừng nào thì ứng dụng được chừng ấy."

“Chuyện ngõ nghèo” từ...Nhà văn của tình thương Nguyễn Xuân Khánh - ảnh 2
Dịch giả Châu Diên, người bạn vong niên của Nguyễn Xuân Khánh, người đã được nhà văn chia sẻ từ những ý tưởng đầu tiên của cuốn sách, cho rằng: “Khi đọc quyển này và muốn giới thiệu cho bạn đọc, tôi muốn nhấn mạnh vào khía cạnh khám phá mà thường chúng ta không để ý, tức là đi giữa làng quê mình mà làng quê như xa lạ.  Ở nhà văn Nguyễn Xuân Khánh luôn luôn có cái khám phá, khám phá xung quanh, nhưng điều đặc biệt là khám phá chính mình.


Làm thế nào cân bằng trong thời "nhiều dương tính"?
Theo nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn,  phẩm chất trí thức trong văn chương Nguyễn Xuân Khánh rất rõ: “Chúng ta đọc những tác phẩm như Hồ Quý Ly, Đội gạo lên chùa hay Mẫu thượng ngàn… đây ko phải là một nhà văn viết văn thông thường mà theo tôi hình dung đây là một nhà khảo cứu văn hóa, một người có am hiểu triết học, đặc biệt là văn hóa dân tộc, để mà có thể đi đến những chiều sâu về khám phá. Đối với tác phẩm này một lần nữa phẩm chất của nhà khảo cứu, một trí thức hiện diện rất rõ.”


Nói như bà Khúc Hoa Phượng, Giám đốc NXB Phụ nữ (nơi đã in một số đầu sách của nhà văn), và cũng là một độc giả yêu mến văn chương Nguyễn Xuân Khánh, thì những suy tư về nhân tính in đậm trong các tác phẩm của nhà văn: “Đọc tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh, có hai trục lớn mà anh trăn trở và trở đi trở lại. Thứ nhất là vấn đề cốt lõi về văn hóa làng, văn hóa cộng đồng của Việt Nam mà anh thể hiện qua ba tác phẩm Mẫu thượng ngàn, Hồ quý ly và Đội gạo lên chùa. Thứ hai là suy tư về nhân tính của con người, ở trong Trư cuồng, Miền hoang tưởng. Và anh Nguyễn Xuân Khánh trong những lần nói chuyện cũng hay thường nói với chúng tôi là xã hội hiện đại dương tính nhiều quá, thời Trần khi vua Trần 3 lần chiến thắng quân Nguyên thì cũng lên núi, đi tu để cân bằng, hài hòa lại. Khi viết Đội gạo lên chùa anh cũng muốn có một thông điệp với xã hội ta hiện nay đang dương tính quá, làm thế nào để sống cân bằng. Tôi thấy trăn trở của người trí thức ở đây, tức là không thờ ơ trước những vấn đề của thời cuộc. Và họ cũng là những người trời phú cho cái thiên tính để phát hiện những vấn đề của xã hội, của đất nước, dân tộc.”

Những tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh có tầm vóc lừng lững với những trang viết  tổng hợp từ vốn sống của một tú tài toán,  từng được đào tạo ở trưởng Y, từng đi bộ đội, từng làm đủ nghề và từng tham gia dịch rất nhiều sách văn học, tâm lý học, triết học..., với tài năng được hun đúc từ sự tự học suốt đời qua việc đọc sách, yêu sách đến thành giai thoại trong bè bạn. Điều đó lý giải tại sao “Chuyện ngõ nghèo” “bước” ra từ những năm 80 mà vẫn có nhiều điều mới mẻ, tới hôm nay.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác